Lạm phát ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào… nhưng lãi suất (LS) cho vay của ngân hàng (NH) được dự báo sẽ khó giảm.
Nhiều yếu tố cho thấy lãi suất cho vay khó giảm trong trung hạn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Tại phiên họp báo Chỉnh phủ thường kỳ tháng 11, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định cơ quan điều hành chưa có kế hoạch để giảm trần LS cho vay. Trước đó, mặt bằng cho vay ngắn hạn đã giảm về mức 7 - 9%, song trung dài hạn vẫn trên 10% và một số doanh nghiệp nhỏ vẫn phải vay với mức 11 - 12%. Bởi lạm phát thấp của năm 2015 chủ yếu là do tác động của giá dầu thế giới, trong khi đây lại là vấn đề khó lường.
Còn Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3/2015, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách vừa công bố, nhận định thị trường tiền tệ đã được kiểm soát tốt. Thanh khoản được duy trì ở mức cao và LS ít biến động. Cầu tín dụng tăng nhanh trong 9 tháng năm 2015. Tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2014. Tăng trưởng tín dụng cao hơn mức huy động tạo sức ép lên LS huy động khiến một số NH tăng LS tiết kiệm lên 0,2 - 0,5%. Báo cáo cho rằng nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đảo chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho rằng thị trường tài chính đã ổn định, cần để LS theo thị trường. Việc duy trì trần LS tiết kiệm dưới 6 tháng ở mức 5,5% dẫn đến các NH thương mại khó khăn trong việc thu hút tiền gửi, đồng thời đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường tài chính.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, việc tăng LS huy động của một số NH thương mại gần đây chỉ là động thái cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng góp phần khiến LS cho vay trung dài hạn tăng nhẹ. Nhìn chung, câu chuyện LS trong năm 2016 sắp tới chưa có nhiều biến động và nếu có chỉ đi theo xu hướng tăng chứ không giảm. “Việc thực hiện các hiệp định thương mại giữa VN và các nước như TPP có thể sẽ làm gia tăng dòng vốn ngoại đầu tư vào VN, nếu USD tăng giá sẽ gây áp lực lên LS tiền đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng phải tăng tốc đầu tư để nâng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài nên nhu cầu về vốn cũng gia tăng. Đó là nguyên nhân khiến LS không có cơ hội giảm hơn”, ông Thuận phân tích.
Cân nhắc khi vay dài hạn
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, trong tình hình hiện nay, những người vay kỳ hạn dài từ hơn 1 năm trở lên phải lưu ý đến việc LS sẽ có biến động trong tương lai; cần thương lượng về thời gian thay đổi LS là bao lâu và xem xét kỹ khả năng thanh toán trong thời gian dài có phù hợp hay không...
|
Bình luận (0)