Lãi suất thực dương của Việt Nam cao nhất thế giới?

06/02/2023 06:14 GMT+7

Lãi suất huy động cao gấp đôi, gấp ba chỉ số lạm phát trong khi ngành ngân hàng viện đủ mọi lý do để chưa hạ lãi suất khiến các doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Nghịch lý này đang tồn tại ngay trong chỉ đạo của Chính phủ về cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.

Vốn huy động đi đâu?

Lạm phát VN năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 dưới 4,5%. Trong khi từ giữa tháng 10.2022 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng (NH) từ 9,5 - 13%/năm. Có thể thấy lãi suất huy động vốn của các nhà băng cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát. Điều này đẩy lãi vay đối với khách hàng lên 12 - 15%/năm, thậm chí cao hơn.

Lãi suất thực dương của Việt Nam cao nhất thế giới? - Ảnh 1.

Lãi suất huy động tiền đồng hiện ở mức quá cao

Ngọc Thắng

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nói thẳng, mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức quá cao. Nếu lạm phát ở mức khoảng 4% thì lãi tiết kiệm vào khoảng 6 - 7%/năm là phù hợp và giúp cho lãi vay không ở mức quá sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN) như hiện nay.

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng VN là một trong những nước duy trì lãi suất thực dương ở mức cao trên thế giới, trong khi một số nước thậm chí để lãi suất thực âm để hỗ trợ sự phát triển, tăng trưởng kinh tế. Quan sát thị trường tiền tệ những tháng gần đây, theo ông Chí, mục tiêu giảm lãi suất là không hiệu quả. "Cứ thấy kêu gọi các NH giảm lãi suất nhưng mấy tháng qua không giảm được bao nhiêu để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đừng đổ cho lãi suất quốc tế tăng lên mà lý giải cho lãi suất trong nước ở mức quá cao như hiện nay. Cần phải nhìn vào vấn đề nội tại vì sao lãi suất lại ở mức cao như vậy thì mới có có thể bốc trúng thuốc giải", ông Lê Đạt Chí nhấn mạnh.

Nhìn ra thế giới, Mỹ chính thức tăng lãi suất từ tháng 3.2022 đến nay và gần đây nhất Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD lần thứ 8, lên 4,5 - 4,75%/năm. Thế nhưng lãi suất trái phiếu kho bạc của nước này kỳ hạn 10 năm có xu hướng giảm từ mức 3,8 - 3,9%/năm xuống còn 3,3%/năm. Còn VN, lãi suất tiền đồng tăng mạnh lên 9 - 13%/năm vào tháng 10.2022 trở đi. Ông Lê Đạt Chí đặt vấn đề: Tại sao từ tháng 3 - 10.2022, Fed tăng lãi suất nhưng VN không tăng, đến khi tăng thì có tốc độ tăng khá cao? Nếu đã đổ cho lãi suất thế giới đi lên thì cần đánh giá lại mức tăng lãi suất của nước nào tác động đến lãi suất trong nước tăng, và mức độ ảnh hưởng này tác động lên lãi suất tiền đồng bao nhiêu phần trăm. Và khi lãi suất thế giới đi xuống, lãi suất của VN mới giảm hay như thế nào?

Các DN đang phải chịu đựng mức lãi suất vay cao, làm sụt giảm sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước. Chính vì vậy cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp giảm lãi suất để đẩy tăng trưởng tín dụng.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa

Theo ông Lê Đạt Chí, số liệu công bố gần đây nhất từ phía NH Nhà nước cho thấy tăng trưởng huy động vốn của các NH nhanh hơn trước do lãi suất tăng cao. Hệ thống NH đã huy động được gần 13,9 triệu tỉ đồng. Huy động vốn tăng lên, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm cũng không nhanh như những tháng trước đó do lãi vay cao. Thế nhưng mặt bằng lãi suất huy động lại không giảm. "Vậy vốn huy động đi đâu? Đó là chưa nói đến một lượng lớn ngoại tệ được NH Nhà nước mua vào gần đây, điều này có nghĩa một lượng tiền được bơm ra thị trường thì sao lãi suất vẫn ở mức cao mà không chịu giảm?", ông Chí đặt câu hỏi.

Biện pháp mạnh để bơm vốn rẻ ra thị trường

Nhìn động thái trên thị trường lãi suất, ông Lê Đạt Chí nhận xét: Có vẻ như các nhà băng hiện nay không chịu giảm tỷ lệ lãi thuần (NIM) để giảm lãi vay mà trông chờ được bơm vốn giá rẻ, giảm lãi suất huy động. Trong khi các công cụ can thiệp thị trường của NH Nhà nước đều có đầy đủ nhưng chưa phát huy được tác dụng thì biện pháp tốt nhất là can thiệp hành chính. Đó là yêu cầu các NH phải giảm lãi suất mới giải bài toán kéo lãi vay xuống được. Biện pháp này không phải là tốt cho thị trường nhưng nó sẽ thực thi nhanh hơn, từ đó vốn cho kinh tế bơm ra rẻ hơn.

TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất cơ quan chức năng cần nhanh chóng triển khai các chính sách tiền tệ kết hợp với tài khóa để thúc đẩy tăng cung tiền cho nền kinh tế, trong đó chính sách tiền tệ vẫn giữ vai trò chủ đạo, thúc đẩy bơm tín dụng ra hỗ trợ trực tiếp sản xuất kinh doanh. Các DN hiện phụ thuộc nhiều vào tín dụng nên lãi vay cao là điều khó chấp nhận. Áp lực lạm phát, tỷ giá năm nay không đáng lo ngại bằng vấn đề giảm lãi suất. "Các DN đang phải chịu đựng mức lãi suất vay cao, làm sụt giảm sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước. Chính vì vậy cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vì độ trễ của chính sách tiền tệ thường mất khoảng 6 tháng", ông Nghĩa sốt ruột.

Ông Lê Xuân Nghĩa phân tích: Lãi suất tăng lên trong thời gian qua không phải đến từ vấn đề lạm phát mà nằm ở cung tiền sụt giảm. Trong năm 2022, cung tiền của VN chỉ tăng hơn 7%, trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành (GDP danh nghĩa) ước tăng 11,2%. Lượng tiền trên thị trường không nhiều đã gây khó khăn, đẩy mặt bằng lãi suất tăng cao. Muốn giảm lãi suất phải tăng cung tiền trên thị trường. Với định hướng tăng trưởng kinh tế GDP năm 2023 ở mức 6,5%, nền kinh tế cần một lượng cung tiền lớn qua tăng trưởng tín dụng và đầu tư công.

 "Đừng lo ngại tăng cung tiền sẽ đẩy lạm phát bởi định hướng lạm phát năm nay đã tính lên 4,5% thay vì dưới 4% như năm 2022. Điều này là điểm thuận lợi để NH Nhà nước tính toán đến việc triển khai các biện pháp đẩy cung tiền. Hơn nữa, tiêu dùng trong nước hiện nay cũng đang giảm nên không quá lo ngại lạm phát đi lên. Lãi suất cho vay cao cũng là một trong những yếu tố giảm đẩy mạnh đầu tư công. Các dự án hiện nay đang hoạt động cầm chừng khi chi phí gia tăng, trong đó có lãi, nguyên vật liệu. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp phục hồi lòng tin của nhà đầu tư cũng như người dân, từ đó khôi phục thị trường trái phiếu DN, chứng khoán và bất động sản", ông Nghĩa nói.

“Hệ thống NH được quản lý, giám sát bởi các tiêu chí, tỷ lệ rõ ràng, áp dụng chuẩn mực quốc tế, thế nhưng tại sao đến quý 4/2022 lại xảy ra trường hợp mất thanh khoản ở một số nhà băng, không lẽ việc tuân thủ có vấn đề?”.

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.