NHNN tuyên bố sẽ theo dõi sát tình hình triển khai giải pháp về lãi suất, tín dụng của các tổ chức tín dụng và có biện pháp nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó bao gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Thông tin này đã “dập tắt” cuộc đua tăng lãi suất huy động tiền đồng trên thị trường bùng phát vào cuối tháng 8. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã dừng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất 9,1%/năm đối với kỳ hạn 61 tháng. Lý do được đưa ra là ngân hàng đã huy động đủ nguồn vốn cần. Các ngân hàng có mức lãi suất cao đưa ra trước đó cũng hạn chế quảng bá, thông tin. Chẳng hạn, Ngân hàng Bản Việt huy động chứng chỉ tiền gửi lãi suất 10,2%/năm kỳ hạn 60 tháng, 10%/năm kỳ hạn 48 tháng, 9,8%/năm kỳ hạn 36 tháng, 9,5%/năm kỳ hạn 24 tháng.
Bước qua tháng 9, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm 1 - 1,4%/năm so với cuối tháng 8. Lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng ngày 6.9 kỳ hạn qua đêm còn 3,72%/năm, 1 tuần còn 3,84%/năm, 1 tháng còn 4,48%/năm, 3 tháng còn 4,32%/năm, 6 tháng còn 5,16%/năm.
Một động thái khác trên thị trường gần đây là một số ngân hàng tập trung thu hút tiền trong tài khoản thanh toán có lãi suất thấp hơn so với tiền gửi tiết kiệm. Một số ngân hàng áp dụng tăng lãi suất tùy theo số tiền gửi, như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) áp dụng lãi suất tài khoản thanh toán theo bậc thang từ 0,4 - 0,9%/năm tùy theo số tiền trong tài khoản tăng dần lên.
Xu hướng tiền gửi thanh toán trên tài khoản cá nhân tăng dần trong thời gian gần đây. Theo số liệu từ NHNN, tiền gửi thanh toán của các cá nhân trong quý 2 tiếp tục tăng lên so với quý 1. Cụ thể, số dư trên tài khoản thanh toán tăng 17.836 tỉ đồng, lên 426.602 tỉ đồng.
Bình luận (0)