Lãi suất tiết kiệm cắm đầu lao dốc

28/08/2023 06:30 GMT+7

Các ngân hàng liên tục giảm lãi suất đầu vào khi tăng trưởng tín dụng vẫn hết sức ì ạch. Chỉ trong một thời gian ngắn, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã hình thành một mặt bằng mới, thấp hơn rất nhiều, tạo dư địa để lãi suất vay giảm trong thời gian tới.

Lãi suất trên thị trường liên NH về sát 0%

Một số ngân hàng (NH) đã tiếp tục giảm lãi suất (LS) huy động tiền đồng trong tuần thứ 3 của tháng 8 từ mức 0,1 - 0,5%/năm. Dẫn đầu là 4 NH có vốn nhà nước lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đồng loạt giảm LS huy động từ 0,3 - 0,5%. Theo đó, LS kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 3%/năm, 3 tháng là 3,8%/năm, 6 - 9 tháng còn 4,7%/năm, 12 tháng trở lên còn 5,8%/năm. Riêng tại Agribank có mức LS huy động cao nhất cũng chỉ 5,5%/năm.

Lãi suất tiết kiệm cắm đầu lao dốc - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay cần giảm thêm

NGỌC THẮNG

Động thái này của các "ông lớn" khiến các NH thương mại không thể đứng yên. So với đầu tháng 8, có NH giảm LS đến 1%. Chẳng hạn, Eximbank vừa giảm LS trên bảng huy động tiền đồng thấp hơn từ 0,4 - 1%/năm so với đầu tháng. Ở thời điểm hiện tại, mức LS 6%/năm đã không còn xuất hiện. Theo đó, LS tiết kiệm kỳ hạn từ 6 - 11 tháng còn 5,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,7%/năm, từ 15 - 60 tháng còn 5,8%/năm. 

MSB giảm 0,7% LS tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. LS huy động cao nhất của NH này là 5,8%/năm dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online, nhận lãi cuối kỳ, trong khi gửi ở quầy chỉ 5,2%/năm. Techcombank huy động tiền đồng kỳ hạn 1 - 2 tháng với LS ở mức 3,9%/năm, 3 tháng ở mức 4%/năm, 6 tháng 6%/năm, 9 tháng 6,1%/năm và mức LS huy động cao nhất của NH này là 6,2%/năm… Mức LS tiết kiệm 7%/năm gần như xuất hiện le lói ở một vài NH ở những kỳ hạn dài như OceanBank, CB, DongABank…

Không chỉ các NH trong nước, khối NH nước ngoài, liên doanh cũng áp dụng LS huy động khá thấp, có NH huy động kỳ hạn 1 tháng xuống 2,5%/năm như Kasikornbank (KBank) đến từ Thái Lan. LS huy động dưới 6 tháng của các NH này từ 3 - 4,75%/năm; 12 tháng từ 5,5 - 7%/năm…

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh

So với đầu năm, LS tiết kiệm tiền đồng của các NH đã giảm từ 2 - 5%/năm, thậm chí một số NH giảm chỉ còn một nửa so với mức khủng 11 - 13%/năm.

Doanh nghiệp đang thật sự khó khăn, lớn nhất là khu vực chế biến, chế tạo. Không những đơn hàng giảm mạnh mà họ còn gặp khó khăn là không tiếp cận được tín dụng.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Tương tự, LS giao dịch giữa các NH trên thị trường liên NH xuống mức thấp trong vòng 2 năm trở lại đây, về sát mức 0%/năm ở những kỳ hạn ngắn. Vào cuối tuần qua, LS tiền đồng kỳ hạn qua đêm quanh mức 0,2%, 1 tuần khoảng 0,4%, 2 tuần 0,58%, 1 tháng 1,48%... So với mức cao nhất mà LS đạt được trong 52 tuần qua trên thị trường này ở mức 8 - 9%/năm thì LS hiện nay giảm khá mạnh.

Đáng nói, trong khi LS tiết kiệm cắm đầu lao dốc thì LS cho vay của các NH vẫn khá đủng đỉnh. Ngay cả LS ưu đãi cũng vẫn khá đắt đỏ. Cụ thể, tại các NH thương mại cổ phần, LS vay ưu đãi từ 8 - 10%/năm. LS cho vay giữa trước và sau ưu đãi chênh lệch phổ biến từ 2 - 3,8%. Đơn cử, LS cho vay mua nhà, sửa nhà, mua ô tô… ưu đãi từ 8 - 10%/năm nhưng sau ưu đãi lên 10,5 - 15,5%/năm. Còn đối với các khách hàng vay hiện hữu, LS vay hiện giảm khoảng 1 - 2%/năm so với đầu năm, thế nhưng vẫn đang ở mức cao.

Chị Phạm Thúy (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết theo quy định của NH cho vay thì LS được điều chỉnh mỗi năm vào các ngày 1.1, 1.4, 1.7 và 1.10. Vào kỳ điều chỉnh mới nhất, LS vay mà NH tăng lên là hơn 13%/năm nên hiện nay chị đang phải trả lãi theo mức này, chờ đến tháng 10 mới có thể giảm được.

Vấn đề và Giải pháp: Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn

Tiền cần rẻ hơn nữa

Theo NH Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến tháng 7 chỉ tăng 4,56% so với cuối năm 2022, đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với cuối tháng 6, tăng 4,73%, đạt 12,487 triệu tỉ đồng. Điều này cho thấy hệ thống NH âm tín dụng khoảng 17.000 tỉ đồng trong tháng 7.

Trước tình trạng tăng trưởng tín dụng âm, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng tín dụng tăng trưởng yếu do LS cao, điều kiện tín dụng không thích hợp. Nền kinh tế trải qua những năm khó khăn cần phục hồi mà điều kiện vay phải có tài sản thế chấp, khả năng trả nợ, tín nhiệm vay những năm trước. "Doanh nghiệp đang thật sự khó khăn, lớn nhất là khu vực chế biến, chế tạo. Không những đơn hàng giảm mạnh mà họ còn gặp khó khăn là không tiếp cận được tín dụng", ông Nghĩa nói thẳng.

Có một nghịch lý trên thị trường hiện nay, đó là NH "ế" vốn, không cho vay ra được nhưng các NH vẫn "neo" LS vay ở mức cao. Lý do là chi phí đầu vào cao, ngoài vốn huy động lãi cao đang còn trong hệ thống NH thì vốn huy động mới không cho vay ra được cũng khiến NH tăng thêm chi phí. Việc NH giảm được LS cho vay nhiều hay ít, từ 0,5% hay 1 - 2% còn phụ thuộc vào khả năng của từng NH. Tuy nhiên khi mặt bằng LS cho vay đi xuống, những NH không chịu giảm LS cho vay thì khách hàng có thể chọn lựa chuyển khoản nợ vay sang NH khác có LS tốt hơn, nhất là khách hàng cá nhân.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Ông Nghĩa so sánh, thông thường, LS tiết kiệm của VN cao hơn Mỹ nhưng hiện nay đã ngang bằng, thậm chí là thấp hơn. Trong khi LS cho vay của Mỹ kỳ hạn 30 năm là 7,31%/năm, trung hạn khoảng 6%/năm và lạm phát vào khoảng 4%, tính ra LS thực khoảng 2 - 3%/năm. Trong khi VN cho vay từ 5 năm trở lên với mức LS phổ biến 14 - 15%/năm; một vài NH lớn áp dụng mức 11 - 12%/năm và lạm phát của ta là gần 3%. Như vậy, LS thực tại VN từ 8 - 9%/năm, đây là mức quá cao. Việc duy trì LS cao như vậy sẽ khiến doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh được.

"LS tiết kiệm hiện đang giảm khá tích cực nhưng LS cho vay vẫn còn rất cao. Lý do LS cho vay cao đến từ bình quân LS huy động còn cao, nhưng còn một lý do khác là nợ xấu đang còn rất lớn, không thu hồi được nên buộc phải duy trì LS cho vay cao, dù rằng không ai vay hoặc ít người vay. Ngoài ra, cung tiền hiện nay đang rất thấp. Thông thường, cung tiền phải ngang bằng với GDP danh nghĩa, tức là GDP tính theo giá hiện hành, nghĩa là phải đạt khoảng 7% nhưng hiện cung tiền thực tế ở mức thấp 2,77%. Thêm vào đó là vòng quay tiền cũng khá chậm, chỉ ở mức 0,64 vòng/năm, trong khi trung bình các năm dao động 2,3 - 2,5 vòng, chu kỳ thấp nhất cũng đạt 1,8 vòng. Vòng quay tiền chậm cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản bị kẹt, như nước trong bình. Do đó, dù LS giảm và tăng hạn mức tín dụng chỉ là "vặn vòi", quan trọng là nước ở trong bình không có hoặc rất ít nên dòng tiền khó có thể chảy mạnh", ông Nghĩa ví von và cho rằng tăng cung tiền, giảm LS vẫn là tiềm năng quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế VN.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét: Tiền rẻ hiện nay chỉ mới xuất hiện ở tiết kiệm, các NH giao dịch với nhau. Còn đối với LS vay thì chưa thật sự rẻ. LS cho vay hiện nay đang cao hơn LS huy động từ 3 - 7%/năm. Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NH Nhà nước mới đây đã có yêu cầu các NH thương mại giảm LS thêm 1,5 - 2%/năm, đặc biệt lãi vay đang có dư nợ hiện hữu và khoản vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc này phải được thực hiện thì tiền mới rẻ hơn, mới chảy được vào nền kinh tế. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.