Huy động vốn chậm lại
Tốc độ huy động vốn của một số ngân hàng (NH) hiện nay khá chậm. Đơn cử tại Vietcombank trong quý 1 chỉ tăng 5.598 tỉ đồng so với cuối năm 2019, tương đương 0,6%, lên 934.048 tỉ đồng. Theo đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm 18.721 tỉ đồng so với cuối năm 2019, còn 244.256 tỉ đồng, trong đó tiền đồng giảm 15.659 tỉ đồng, còn 183.537 tỉ đồng (tương đương mức giảm 7,6%). Tiền gửi có kỳ hạn tăng 16.711 tỉ đồng, lên 659.421 tỉ đồng, trong đó tiền đồng tăng 15.898 tỉ đồng, lên 577.323 tỉ đồng.
Sau 2 đợt giảm trần lãi suất huy động tổng cộng 0,75% so với đầu năm, lãi suất tiết kiệm tiền đồng của các NH dưới 6 tháng hiện không vượt quá 4,25%/năm; trên 6 tháng từ 5 - 8,5%/năm. Do lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng ở mức cao nên dòng tiền gửi đang có xu hướng dịch chuyển sang gửi trung dài hạn và dòng tiền chuyển dịch từ NH có lãi suất huy động thấp sang cao.
Nhưng tiền cũng không đổ vào ngoại tệ dù thị trường này dạt dào sóng. Cuối tháng 3, giá USD tăng mạnh lên mức gần 24.000 đồng/USD trên thị trường tự do và NH tăng giá lên mức cao nhất 23.760 đồng/USD. Tuy nhiên từ đó đến nay, dòng tiền không đổ vào USD, làm giá giảm không phanh và những người nắm giữ USD ở mức giá cao chịu lỗ không ít. So với mức giá cao nhất đạt được vào cuối tháng 3, giá USD trong NH giảm 400 đồng/USD, tương ứng 1,68% và tự do giảm gần 700 đồng/USD, tương ứng 2,8%/năm. Ngày 22.5, Vietcombank mua vào 23.160 đồng/USD, bán ra 23.370 đồng/USD. Trên thị trường tự do, USD giá mua vào ở mức 23.290 đồng và bán ra 23.320 đồng/USD. Diễn biến này khiến các nhà đầu tư chỉ đứng nhìn chứ không dám nhảy vào.
Tương tự, chứng khoán cũng liên tục có những đợt sóng lớn, một số người quyết định đầu tư “bắt đáy” cổ phiếu giá rẻ, nhưng cũng không nhiều. Chị Bích Ngọc (Hà Nội) cho biết: “Giá cổ phiếu thấp đã rút tiền tiết kiệm đầu tư hồi tháng 2 và đến nay lỗ nặng. Dù ở nhà thực hiện giãn cách xã hội nhưng dịch Covid-19 đã “quét” tài khoản chứng khoán với mức lỗ lên đến vài trăm triệu đồng”. Chỉ số chứng khoán hiện nay đã giảm khoảng 11% so với đầu năm, VN-Index giảm từ 960 điểm vào đầu năm xuống còn 852,74 điểm vào ngày 22.5. Kênh đầu tư sáng giá nhất từ đầu năm đến nay là vàng, tăng 6,2 triệu đồng mỗi lượng so với mức giá đầu năm, tương ứng 14,5%. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vàng ngày 22.5 ở mức 48,5 triệu đồng/lượng, bán ra 48,95 triệu đồng/lượng.
Gửi tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn
Đặt vấn đề về việc lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn gần đây giảm làm dòng vốn dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác hay không, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay qua theo dõi các kênh đầu tư thì không thấy sự dịch chuyển dòng tiền nhiều. Giá USD trên thị trường hiện nay giảm và các NH huy động tiết kiệm USD cũng giảm hơn so với trước, chiếm 13% tổng huy động vốn. Còn thị trường vàng càng khó hút dòng tiền, bởi qua theo dõi doanh số mua bán của các đơn vị kinh doanh vàng trong 4 tháng đầu năm chỉ chiếm 20% so với cùng kỳ, chủ yếu sôi động vào tháng 1 và ngày Thần tài. Qua tháng 2 thì thị trường vàng yếu hẳn cho đến nay, nhiều cửa hàng đóng cửa để giãn cách xã hội, chống dịch và người dân không đổ xô mua bán vàng như trước. Với mức giá vàng cao 49 triệu đồng/lượng mà thu nhập của người dân có xu hướng giảm, mất việc thì việc mua vàng tích trữ, đầu tư là khó. Còn dịch vụ giữ hộ vàng tại các NH, nhu cầu sử dụng cũng giảm nhiều, một số NH còn không muốn triển khai dịch vụ này vì người dùng quá thấp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, 2 kênh thu hút vốn lớn trên thị trường là bất động sản và chứng khoán không mấy khả quan nên nguồn tiền chảy vào thị trường này sẽ không nhiều. Tín dụng bất động sản hiện nay chỉ tăng 0,2% so với cuối năm ngoái, chiếm 12% tổng dư nợ, khoảng 270.000 tỉ đồng; cho vay tiêu dùng cũng tăng chậm hơn năm ngoái… Lý do khiến vốn huy động chậm hơn các năm, theo ông Minh có khả năng do tín dụng NH thấp làm dòng vốn quay vòng vào NH chậm lại. Tín dụng trên địa bàn TP hiện tăng 1,8%, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là chính.
Bình luận (0)