Cam Vinh là loại cam mọng nước, ngọt thanh, vỏ mỏng, tép có màu vàng tươi, nhìn là muốn ăn. Như một sản vật trời ban cho người dân “một nắng hai sương” tại vùng Bắc Trung Bộ khắc nghiệt.
Người yêu cam Vinh những tưởng loại trái cây quý này đã thất truyền, khi khắp nơi tràn lan cam Vinh nhái có xuất xứ từ Trung Quốc. Không đành lòng nhìn loại trái quý bị mai một, những người có tâm huyết như ông Nguyễn Đình Kỳ đã đưa cam Vinh trở lại với mọi nhà.
|
Hơn 20 năm gắn bó với cây cam, ông Nguyễn Đình Kỳ (ở Minh Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An) đã thấm nỗi truân chuyên, khó nhọc của người nông dân. Đã có lúc, gia đình ông ngập trong nợ nần vì cam, nhưng “trời không phụ lòng người” , ông đã rưng rưng vui sướng đứng nhìn từng đoàn người tấp nập kéo nhau vào Hội chợ AgroViệt 2013 để mua cam Vinh nhãn hiệu Kỳ Yến, được coi là cam Vinh chính hiệu quay trở lại miền Bắc sau hơn 10 năm vắng bóng.
Đã qua cái thời từng đoàn xe nối đuôi nhau chở cam Vinh tấp nập ra Hải Phòng chờ xuất cảng, ký ức về thời trai trẻ lăn lộn với những trái cam của anh Thủ kho nông trường quốc doanh thời đó luôn là những ngày tháng khó quên với ông Kỳ. Nhưng vì thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ, cây cam Vinh có tiếng vậy mà cũng đành mai một, phải chặt đi làm củi, ông cũng không còn làm thủ kho mà được phân cho ít đất cùng những cây cam già.
Qua bao nhiêu thử nghiệm với nhiều loại cây khác nhau đều thất bại, ông lại quay về với cây cam. Ông kỳ công chăm bón, nghiên cứu và tiên phong trong việc nhân trồng giống mới cho trái muộn đúng vào dịp Tết. Ngày cam cho trái, những tưởng niềm vui sẽ ngập tràn, nhưng do thị trường chưa quen với giống cam mới, bố con ông đã phải bê từng mẹt cam ngồi ở chợ Vinh với những cái lắc đầu nguầy nguậy: “Cam Vinh, chi mà đẹp ri, chắc là cam Trung Quốc”. Mùa cam đầu bán rẻ như cho, không đủ bù chi phí. Ông cùng các con phải mang cam đi biếu, đi tặng, rồi mời người ta về tận vườn để chứng minh là cam nhà ông trồng thật sự.
Gần 5 năm trời ông phải tự mày mò, tìm kiếm thị trường từ Vinh, Hà Tĩnh đến Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định … Cũng là lúc, cây cam quay trở lại là thế mạnh kinh tế của vùng. Thị trường cam Vinh trong nước bắt đầu được gầy dựng. Nhưng bố con ông hết vất vả vì thị trường thì lại khốn đốn bởi cam Vinh nhái, giả, trà trộn. Uy tín của cam Vinh bị thuyên giảm, thị trường bày bán la liệt các loại cam đều gắn mác “Cam Vinh”.
Chia sẻ về cách phân biệt giữa cam Vinh và các loại cam cùng dòng cam chanh khác, ông cho biết: “Cam Vinh khi chín thường có màu vàng tươi pha với màu rám, khi trái cam già thậm chí sẽ chuyển sang màu vàng đỏ. Cam Vinh thường mỏng vỏ, mọng nước. Khi cắt trái cam sẽ có hương thơm dịu nhẹ, hơi nồng của the cam. Cam Vinh không ngọt lịm đường mà vị ngọt của cam thường thanh mát ban đầu và cảm giác đậm đà về sau.”
|
Sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến, ông Kỳ đã đầu tư hệ thống và nhân công làm sạch để cam được bảo quản tốt hơn, trái cam đạt chuẩn được dán tem và đóng thùng kỹ lưỡng. Chỉ sau gần 2 năm, nhãn hiệu Cam Vinh Kỳ Yến xứ Nghệ đã được thị trường Vinh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM biết đến và đặt hàng. |
Lê Na (thực hiện)
Bình luận (0)