Lãi tiết kiệm, giá USD, vàng cùng 'nhảy múa'

21/10/2022 06:32 GMT+7

Các ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất lên mức cao nhưng ngưỡng chặn 9%/năm chưa bị phá. Tương tự, giá USD vẫn chưa có dấu hiệu dừng đà tăng.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất lên gần 9%/năm

Đối với lãi suất tiết kiệm tiền đồng, cao nhất trên thị trường thuộc về Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn (SCB) ở 8,9%/năm. Nhưng các NH khác cũng tiếp tục tăng lên, đuổi sát mức đỉnh này.

Có thể hiểu rằng VN đang sử dụng cả 2 giải pháp khá linh hoạt khi Chính phủ vẫn muốn giữ ổn định cả tỷ giá USD/VND lẫn lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

TS Lê Đạt Chí

Cụ thể, mới đây, NH TMCP Bản Việt tặng thêm lãi suất 0,2% đối với tiền gửi từ 10 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng lên 8,4%/năm, 12 tháng lên 8,6%/năm. NH TMCP Kiên Long (KienlongBank) với mức lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm ở kỳ hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, ở kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất của KienlongBank lên cao nhất 8,1%/năm, 9 tháng lên 8,3%/năm. NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa thay đổi biểu lãi suất theo xu hướng tăng nhẹ. Đơn cử, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng từ 6,3 - 7,1%/năm, 12 tháng từ 6,7 - 7,5%/năm. Mức cao nhất của nhà băng này là 7,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

Giá USD tiếp tục tăng

Ngọc Thắng

Là NH huy động lãi suất thấp trên thị trường nhiều năm qua, NH TMCP Kỹ thương (Techcombank) mới đây cũng không nằm ngoài cuộc đua khi tăng lãi suất lên cao. Đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng đã đụng kịch trần 5%. Mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy lên cao nhất ở 12 tháng với 7%/năm. Riêng khách hàng gửi tiết kiệm online, lãi suất 7,7% kỳ hạn 6 tháng trở lên, từ 12 tháng trở lên ở mức 8%/năm…

Lãi suất tiền đồng giao dịch trên thị trường liên NH ngày 20.10 tăng lên lại ở các kỳ hạn ngắn sau nhiều ngày sụt giảm. Lãi suất qua đêm có mức tăng mạnh 1,13%, lên 4,27%/năm; 1 tuần tăng 0,65%, lên 5,12%/năm; 2 tuần tăng 0,41%, lên 5,68%/năm… Hoạt động trên thị trường mở diễn ra khá nhộn nhịp. NH Nhà nước (NHNN) bơm ra chưa được 1.000 tỉ đồng cho 4 thành viên với kỳ hạn 7 ngày nhưng hút về gần 20.000 tỉ đồng từ 12 thành viên, cũng kỳ hạn 7 ngày.

Lãi suất vẫn căng thẳng khi tín dụng của các NH tăng lên. Số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 30.9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỉ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2021.

Giá USD, vàng cùng đi lên

Trên thị trường mở, các NH giao dịch USD với giá tiếp tục tăng thêm 0,37%, lên 24.536 đồng/USD. Như vậy, trong tuần qua tỷ giá đã tăng gần 2% và tăng hơn 7,8% trong năm.

Hôm qua 20.10, giá USD tại các NH thương mại tiếp tục tăng cao. Chẳng hạn, NH Eximbank mua vào 24.400 đồng và bán ra 24.660 đồng, tăng 70 đồng ở chiều mua vào nhưng tăng thêm 100 đồng ở chiều bán ra so với sáng cùng ngày. Vietcombank mua vào 24.360 đồng và bán ra 24.670 đồng, cộng thêm 40 đồng. Nếu so với đầu tuần, giá USD tại các NH đã tăng khoảng 440 đồng. Tương tự, euro cũng đi lên như Eximbank mua vào 23.718 đồng và bán ra 24.286 đồng, tăng gần 500 đồng so với đầu tuần. Trong khi đó, tại một số điểm thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM chiều 20.10, giá USD tăng vọt mua vào 24.950 đồng và bán ra 25.150 đồng. Tổng cộng trong 2 ngày qua tăng 420 đồng/USD. Hiện giá bạc xanh đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Diễn biến tăng cao của USD phần nào tác động đến thị trường vàng. Cùng ngày, giá vàng biến động bất thường, tăng lên trong khi giá quốc tế đi xuống. Giá vàng miếng SJC tăng 200.000 đồng/lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 66,2 triệu đồng/lượng, bán ra 67,2 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng quốc tế lại giảm 7 USD/ounce, xuống còn 1.633 USD/ounce.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới, cho biết có 3 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng ngược chiều quốc tế. Đó là thị trường đứt nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Thêm vào đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng vượt 25.000 đồng/USD. Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường nắm giữ vàng tăng cao hơn trước. Giá vàng thế giới đang có xu hướng đi xuống vào thời điểm cuối năm, khả năng xuống đến 1.450 USD/ounce. Thế nhưng có một điểm là giá quốc tế có xuống thì trong nước cũng sẽ khó xuống tương ứng. Nguồn cung vàng trên thị trường hiện nay vẫn khan hiếm sẽ hỗ trợ vàng đứng giá cao.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất đã đẩy USD tăng giá mạnh, từ đó gây áp lực lên tiền của các nước, trong đó có VN. Cụ thể như hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã tăng mạnh tỷ giá hối đoái. Vì vậy, NHNN nới biên độ tỷ giá USD/VND lên 5% là điều dễ hiểu. Nếu không nới biên độ tỷ giá ngoại tệ thì áp lực lên lãi suất sẽ tăng vọt. Dù vậy, nếu so sánh với mức tăng tỷ giá hối đoái của nhiều nước thì mức điều chỉnh của VN còn thấp. Song song đó, một số NH trong nước đang bộc lộ những khó khăn khi trước đây đã chạy đua về tăng trưởng tín dụng, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và đến lúc đáo hạn. Do đó lãi suất tại hệ thống NH cũng đồng loạt tăng là chuyện bình thường.

TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: “Có thể hiểu rằng VN đang sử dụng cả 2 giải pháp khá linh hoạt khi Chính phủ vẫn muốn giữ ổn định cả tỷ giá USD/VND lẫn lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nếu nhìn tổng thể hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân từ đầu năm đến nay vẫn tăng, thặng dư thương mại xuất nhập khẩu và dòng vốn kiều hối cũng như dự trữ ngoại hối trong nước thì cân đối dòng vốn vào vẫn cao hơn dòng vốn ra”.

VN không cần quá lo lắng về tỷ giá USD/VND mà vẫn nên lựa chọn chính sách tài chính tiền tệ mềm dẻo hơn, phù hợp với bối cảnh thế giới cũng như để hỗ trợ hàng hóa VN gia tăng sự cạnh tranh cho xuất khẩu.

TS Lê Đạt Chí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.