Câu chuyện quốc hoa cách đây 3 năm nóng trở lại khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề nghị của Bộ VH-TT-DL về việc lựa chọn quốc hoa. Bộ này cũng được giao chủ trì phối hợp với các tổ chức có liên quan để nghiên cứu đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và cách lựa chọn suy tôn quốc hoa.
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh, có ít nhất 3 kết quả điều tra dư luận xã hội được đưa ra trong đề án Quốc hoa Việt Nam do Bộ VH-TT-DL thực hiện trước đó. Đó là khảo sát của nhà nghiên cứu Phạm Thanh Hải (Hội Sinh vật cảnh Việt Nam) và cộng sự năm 2009, thăm dò của Bộ VH-TT-DL tại 3 miền và thăm dò của trang mạng Cinet thuộc Bộ VH-TT-DL. Tuy nhiên, chỉ duy nhất thăm dò của Bộ VH-TT-DL tại 3 miền là có con số tuyệt đối. Số còn lại chỉ công bố tỷ lệ mà không có số mẫu, cũng không có thêm sai số của điều tra.
Kết quả khảo sát của ông Hải cho thấy 78% ý kiến được hỏi khẳng định cần thiết có quốc hoa, 10% thấy không cần, 12% không có ý kiến gì. Cũng theo điều tra này, những ý kiến cho rằng cần có quốc hoa nêu 5 lý do: thấy cần để có biểu tượng văn hóa Việt Nam, muốn giới thiệu về Việt Nam, tự hào về Việt Nam, Việt Nam có đa dạng về sinh học và nhiều nước có quốc hoa.
Kết quả duy nhất của Bộ VH-TT-DL có nêu số mẫu được thực hiện ở cả 3 miền. Tại Hà Nội, 20.000 ý kiến công chúng cho thấy 62% chọn hoa sen làm quốc hoa, 16% chọn hoa đào, 5% chọn hoa ban và 2% chọn hoa tre. Tại Đà Nẵng, 10.000 ý kiến có 97% chọn hoa sen hồng, số còn lại chọn hoa mai, sen vàng và các loại hoa khác. Tại TP.HCM, trong 40.000 ý kiến có 71% chọn sen hồng.
Kết quả thăm dò dư luận của trang mạng Bộ VH-TT-DL cũng cho chỉ báo hoa sen khá nổi trội. Một trang mạng khác là quochoavietnam.com.vn cũng cho kết quả áp đảo là hoa sen.
Mặc dù vậy, một tiến sĩ xã hội học giấu tên cho biết với số mẫu không lớn lại không có chỉ báo sai số thống kê, những khảo sát trên chưa thể phản ánh đúng tình hình thực tế. Số mẫu thống kê của Bộ cũng chỉ là một tỷ lệ nhỏ so với số dân tại các điểm điều tra.
Khó đi vào thực tế
Trong thời gian xây dựng đề án quốc hoa, Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ NN-PTNT cũng tiến hành đánh giá ưu, nhược điểm các loài hoa mà dư luận xã hội lựa chọn. Theo đó, ứng cử viên nổi trội hoa sen có rất nhiều ưu điểm. Chẳng hạn, có nguồn gốc và trồng lâu đời ở Việt Nam (khoảng 2.000 năm), thích nghi và trồng khắp mọi miền đất nước, thông dụng, gắn với hình tượng Bác Hồ. Nhược điểm của sen là sống dưới nước và ưa nóng nên ở miền Bắc không trồng được quanh năm. Chính vì điều này, có nhiều lo lắng khó dùng sen trong tất cả các buổi lễ trọng trong năm.
TS Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hoa và cây cảnh, cho biết: “Hiện chưa có nghiên cứu để tạo ra giống hoa sen có độ bền hơn. Các giống hoa hoang dại như hoa cúc dại, hoa hồng dại, hoa lay ơn dại cũng rất nhanh tàn. Sở dĩ các giống hoa đó hiện nay bền vì hầu hết chúng được tạo ra trong một vài thập kỷ gần đây. Trong khi đó, hoa sen chưa có nghiên cứu tạo giống, chủ yếu là các giống sen từ xưa”.
Nhược điểm mùa đông không có hoa theo ông Đông lại không ảnh hưởng tới việc chọn sen làm quốc hoa. Theo ông, rất nhiều loại quốc hoa trên thế giới chỉ nở 1 mùa. Hoa anh đào của Nhật chỉ nở mùa xuân. Hoa chăm pa của Lào cũng chỉ nở vào khoảng tháng 4. Mẫu đơn của Trung Quốc cũng chỉ nở hoa một mùa, một giai đoạn trong năm. Hơn nữa, ông Đông cũng cho rằng nếu được nghiên cứu, rất có thể trong tương lai các nhà khoa học sẽ tạo ra các giống sen có hoa bền, nở vào mùa đông.
Tuy nhiên, mọi đề xuất, mọi câu chuyện liên quan đến quốc hoa giờ lại chẳng khác mấy như cách đây 3 năm. Có nghĩa là chủ trương tìm quốc hoa đã phát, các nhà quản lý lẫn nghiên cứu học lại nhận nhiệm vụ điều tra và đề xuất.
Có thể chọn 3 loại quốc hoa ? Trao đổi với PV Thanh Niên sáng qua 13.3, ông Vi Kiến Thành đưa ra một đề xuất mềm dẻo hơn. Theo ông, có thể đưa ra liền một lúc 3 loại quốc hoa: hoa đào, hoa mai và hoa sen. Như thế, vào mùa lạnh có thể có đào, mai “nở bù” phần của sen. Theo nghiên cứu của đề án, một số quốc gia có từ 2-3 quốc hoa như Pháp (hoa huệ tây và hoa diên vĩ), Nhật Bản (hoa anh đào, hoa cúc), Indonesia (hoa nhài, lan và hoa đặc hữu), Anh (hoa hồng và thủy tiên). |
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)