Theo số liệu công bố, từ tháng 1 - 7, lượng người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 686.214 người, tăng 32% so với cùng kỳ 2019. Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) dự báo, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 100.000 người mỗi tháng, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người.
Thế nhưng, với nhiều cá nhân đang mắc kẹt với những hợp đồng vay cũ thì lãi suất (LS) vẫn trả đủ như trước đây. Cụ thể, chị Lam Thu (ngụ Q.7, TP.HCM) cho hay tháng 10.2019 đã ký hợp đồng vay thế chấp để mua căn hộ ở một ngân hàng thương mại nhà nước với LS cố định 8,6%/năm cho 12 tháng đầu tiên. Sau đó LS được quy định thả nổi theo thị trường. Hằng tháng chị phải trả cả lãi lẫn gốc gần 15 triệu đồng và đến nay số tiền này vẫn giữ nguyên. Khi chị hỏi thì nhân viên ngân hàng cho hay LS của chị đã được ưu đãi, vì ngân hàng có hợp tác với chủ đầu tư dự án nên không thể giảm thêm.
Chị Lam Thu đã bị giảm lương 30% từ đầu tháng 4 đến nay do công ty bị thua lỗ, nên LS đang là gánh nặng đối với gia đình chị. Hay anh Trọng (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết anh vay gần 2 tỉ đồng để mua nhà trong kỳ hạn 10 năm và được chốt vào giữa tháng 7 vừa qua với LS 11,3%/năm. So với LS 11,5%/năm vào cuối năm 2019 cũng tại ngân hàng này thì đã được điều chỉnh giảm 0,2%.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị DN vừa và nhỏ, phân tích: Thông thường, nhiều ngân hàng áp dụng chính sách LS cao với cá nhân vì cho rằng đây là khoản vay rủi ro cao. Thế nhưng thực tế, nếu xét đến nhóm nợ cá nhân thì tỷ lệ rủi ro sẽ tương đối thấp hơn nhóm nợ DN bởi khoản vay nhỏ. TS Hiếu ví dụ chỉ cần ngân hàng gặp rủi ro nợ xấu của 1 công ty thì có khi mất vài trăm tỉ đồng. Còn nếu bị nợ xấu của cá nhân 1 - 2 người thì số tiền mất đi chỉ vài tỉ đồng.
Chính vì vậy, LS cho vay đối với cá nhân cũng cần được kéo giảm để thúc đẩy tiêu dùng, tránh nợ xấu khi nhiều người lao động bị giảm thu nhập vì dịch Covid-19. “Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp dụng các công cụ điều hành như giảm mạnh hơn nữa LS điều hành, hoặc có chính sách nới lỏng tiền tệ... để kéo mặt bằng lãi vay đi xuống mạnh hơn thì không chỉ hỗ trợ cho DN mà còn tác động chung đến cả nền kinh tế. Cho vay tiêu dùng cũng đóng góp rất lớn trong tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung nên cũng cần khuyến khích hơn. Đó là chưa kể việc giảm LS cho vay tiêu dùng có thể thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, từ đó quay ngược lại góp phần hồi phục hoạt động của nhiều ngành sản xuất...”, TS Hiếu nói.
Bình luận (0)