Lãi vay có giảm được không?

22/10/2024 05:53 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất và khuyến khích giảm lãi suất cho vay. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, điều này sẽ khó thực hiện được từ nay đến cuối năm.

Đầu vào đang tăng

Nguyên nhân khó thực hiện là vì lãi suất (LS) tiết kiệm đã và vẫn đang tăng. Chỉ tính trong vòng 2 tháng qua, nhiều ngân hàng (NH) liên tục tăng LS tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn. Ví dụ cuối tháng 9, NH Đông Á tăng LS tại các kỳ hạn gửi 1 - 11 tháng với mức tăng từ 0,1 - 0,35%/năm. Trong đó, LS các kỳ hạn từ 6 - 8 tháng được NH tăng mạnh 0,35%, lên mức 5,55%/năm; LS các kỳ hạn từ 9 - 11 tháng tăng thêm 0,2% lên 5,7%/năm. Riêng các kỳ hạn dài hơn được giữ nguyên và mức cao nhất là 6,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 18 - 36 tháng.

Lãi vay có giảm được không?- Ảnh 1.

Lãi suất cho vay sẽ khó giảm theo khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước

ẢNH: NGỌC THẮNG

Tương tự, NH Nam Á tăng 0,4% kỳ hạn 1 tháng tại quầy lên mức 3,6%/năm. Với số tiền dưới 500 tỉ đồng, LS cao nhất là 5,7%/năm dành cho khách hàng gửi tiền online từ 24 - 36 tháng. Hay Oceanbank tăng 0,3% cho LS tiết kiệm các kỳ hạn 6 - 9 tháng, lên mức 5,3 - 5,4%/năm. Hiện mức LS cao nhất ở NH này là 6,1%/năm kỳ hạn 24 - 36 tháng. Nhiều NH đã tăng LS lên trên 6% như NH Quốc dân áp dụng mức lãi suất 6,15%/năm cho kỳ hạn 24 tháng; NH Bắc Á áp dụng mức LS 6,05%/năm cho kỳ hạn 24 tháng…

Báo cáo nhận định về xu hướng LS tiền gửi trên thị trường của Công ty chứng khoán MB cho rằng xu hướng tăng LS tiền gửi tiếp tục chững lại trong tháng 9, khi chỉ có một vài NH tăng LS với mức tăng từ 0,1% - 0,5%, cho thấy thanh khoản hệ thống khá dồi dào trong vài tuần đầu tháng. Tuy nhiên, việc cơn bão số 3 (Yagi) gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) mất khả năng trả nợ, có thể làm gia tăng áp lực nợ xấu (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023). Do đó, đây là yếu tố thúc đẩy các NH tiếp tục điều chỉnh tăng LS huy động nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản. Đến cuối tháng 9, LS 12 tháng trung bình của nhóm NH thương mại đã tăng 13 điểm cơ bản so với đầu năm, lên mức 5%, trong khi LS của nhóm NH thương mại quốc doanh vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.

Thông tin từ NH Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy LS liên NH trong tuần từ ngày 30.9 - 4.10 cũng tăng. Cụ thể, LS qua đêm tăng 0,01%; LS 3 tuần tăng 0,07% và LS 1 tháng tăng 0,05% so với tuần kề trước đó.

Theo Văn bản số 8444 của NHNN ban hành ngày 15.10, các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt, NHNN khuyến khích các NH tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng LS cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Đầu ra khó giảm

Trong bối cảnh đó, việc giảm LS cho vay những tháng cuối năm chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định: LS cho vay sẽ khó giảm trong những tháng cuối năm nay bởi LS huy động đầu vào vẫn tăng nhẹ. Thậm chí thời gian tới, LS huy động có thể còn tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ lên cao như cuối năm. Đồng thời, nợ xấu của các NH vẫn gia tăng dù trong tầm kiểm soát. Vì vậy, về cơ bản các NH giữ ổn định LS cho vay song song với các chương trình hay những gói hỗ trợ ưu đãi cho các lĩnh vực, ngành nghề được ưu tiên đã là nỗ lực. "Với nhu cầu vốn thông thường sẽ tăng trong giai đoạn cuối năm thì khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ khoảng 14 - 15%. Nhưng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ là định hướng chứ không phải chỉ tiêu bắt buộc, vì còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn và đảm bảo chất lượng tín dụng của các NH", ông Lực nói.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích, để giảm LS cho vay thì các NH phải giảm chi phí. Nhưng hiện tại, LS đầu vào của nhiều NH thương mại đã đi lên và có thể xu hướng này vẫn còn diễn ra. Đồng thời, nợ xấu cũng đã tăng khiến việc trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn... Tất cả các yếu tố này đều đẩy chi phí hoạt động của NH tăng lên. Đó là chưa kể nợ xấu còn khó lường vì cơ cấu, giãn nợ cho những DN gặp khó khăn do bão số 3... "Từ những yếu tố đó, có thể nói rằng rất khó để các NH giảm LS cho vay theo lời kêu gọi của cơ quan quản lý. Trước mắt, LS cho vay sẽ duy trì ổn định nhưng cũng không loại trừ khả năng tăng nhẹ khoảng 0,5% vào tháng cuối năm khi nhu cầu vốn từ DN và người dân nhiều hơn", ông Huân nói và dẫn chứng, NH Thế giới đã cảnh báo sự phụ thuộc của các DN nói riêng và nền kinh tế VN vào hệ thống NH quá lớn, tỷ lệ trên 80% trong tổng nguồn vốn, chỉ khoảng 20% nguồn vốn đến từ các kênh tài chính khác. Điều này vô hình có thể tạo ra độc quyền nhóm trong lĩnh vực tài chính NH. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan chỉ khoảng 50%.

"VN cần thúc đẩy thị trường tài chính phát triển như kênh chứng khoán, trái phiếu để cung cấp vốn cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống NH. Chỉ khi đó mới có sự cạnh tranh về LS và mong chờ LS cho vay sẽ giảm nhanh hơn. Nhiều thời điểm DN khó khăn, kinh tế chậm phát triển nhưng các NH vẫn ăn nên làm ra, báo lãi lớn lên hàng ngàn tỉ đồng là do sự phụ thuộc này và LS cho vay vẫn duy trì ở mức cao", PGS-TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ. 

Chiều 17.10, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động NH quý 3/2024, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết tháng 9, tín dụng toàn hệ thống NH tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023. Theo đánh giá của NHNN, hiện nay thanh khoản vẫn tốt và còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NH đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.