Lãi vay tiêu dùng vẫn quá cao

25/12/2023 06:33 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1403 ngày 22.12 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cho vay tiêu dùng là một giải pháp cần tập trung để góp phần tạo tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo sử dụng các công cụ theo quy định đẩy mạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao của các tổ chức tín dụng; bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), người dân có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh, bền vững nhưng thiếu vốn. Thế nhưng thực tế, lãi vay tiêu dùng vẫn rất cao, khó thúc đẩy giải ngân nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Lãi suất cho vay cá nhân vẫn cao ngất ngưởngẢnh: Ngọc Thắng

Lãi suất cho vay cá nhân vẫn cao ngất ngưởng

Ngọc Thắng

Lãi vay 10 - 15%/năm

Trong khi hàng loạt NH công bố các gói vay lãi suất (LS) thấp dành cho DN hoặc cá nhân vay mới thì vẫn có nhiều nhà băng neo LS cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, NH Bản Việt công bố trên trang web cho vay tiêu dùng có thế chấp như vay xây sửa nhà LS 8,49%/năm trong 12 tháng đầu tiên; LS từ tháng 13 trở đi là 14,8%/năm. Nếu vay mua xe áp dụng LS 8,49%/năm trong 12 tháng đầu tiên; LS từ tháng 13 trở đi là 13,8%/năm. Riêng vay tiêu dùng tín chấp thì LS trong 12 tháng đầu tiên là 14,9%/năm; từ tháng 13 trở đi sẽ lên 20,5%/năm.

Lãi vay tiêu dùng vẫn cao

Ngoài ra, theo công cụ tính toán trực tiếp trên trang web của NH TMCP Quốc tế (VIB), nếu vay mua nhà 1 tỉ đồng trong thời hạn 10 năm thì NH tính LS 15,2%/năm cố định trong 12 tháng đầu tiên. Trường hợp vay để mua ô tô mới thì LS 15,8%/năm và thả nổi. NH cũng nêu rõ LS có thể thay đổi theo từng thời điểm, giảm xuống hoặc tăng lên phụ thuộc sự thay đổi của thị trường. VIB luôn cập nhật mức LS cơ sở trên website của NH.

Còn tại NH Tiên Phong (TPBank), LS công bố cho vay mua nhà dự án chỉ từ 10,7%/năm; vay xây sửa nhà từ 6,9%/năm và cũng chỉ áp dụng trong 12 tháng đầu tiên sau đó thả nổi. Không công bố chi tiết LS cho vay nhưng trong tháng 11, BIDV công bố nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng vay vốn phục vụ các nhu cầu mua nhà, mua ô tô thời điểm cuối năm, NH áp dụng LS vay vốn tiêu dùng ưu đãi từ 6,5% (áp dụng trong 6 tháng đầu tiên) hay 7,5%/năm cho 18 tháng đầu tiên áp dụng cho khách vay vốn mua nhà…

Đáng nói, rất nhiều NH không công bố LS cho vay chi tiết. Theo tìm hiểu chung, LS cho vay cá nhân có tài sản bảo đảm của nhóm NH thương mại nói chung hầu hết đều ở mức cao từ 10%/năm trở lên (sau khi LS ưu đãi được áp dụng trong thời gian ngắn). Đó là chưa kể tới nhiều loại phí đi kèm. Anh B.T (Q.7, TP.HCM) cho hay đang vay của TPBank từ đầu quý 4/2022 để mua căn hộ chung cư. LS được áp dụng ưu đãi trong 12 tháng đầu tiên là 9,9%/năm nhưng hiện nay anh phải trả LS lên hơn 12%/năm.

Theo công thức của NH này đưa ra, sau thời gian ưu đãi, LS sẽ được tính theo LS cơ bản cộng biên độ cố định 3,7%. Kỳ điều chỉnh LS mới nhất mà anh được thông báo là LS cơ bản 8,55%, cộng thêm biên độ 3,7% nên tổng LS phải trả lên 12,25%. "LS cơ bản này trước đây tưởng là theo LS tiết kiệm cao nhất của NH rồi cộng thêm biên độ 3,7% là được, ai ngờ LS cơ bản là do chính NH công bố nên cũng không biết theo mức nào. Cũng thấy tháng sau có giảm tí so với tháng trước đó nhưng không đáng kể", anh B.T chia sẻ.

Theo NHNN, đến hết tháng 11, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt gần 2,7 triệu tỉ đồng, tăng 1,19% so với cuối năm 2022, chiếm 21,04% dư nợ nền kinh tế. LS cho vay bình quân của NH thương mại trong tháng 11 đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,3 - 10,5%/năm. LS cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm.

Ưu tiên cho vay tiêu dùng

TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng nếu LS cho vay tiêu dùng như mua nhà, sửa chữa nhà, mua ô tô được giảm mạnh thì người dân cũng sẽ mạnh dạn vay tiền, nhất là trong thời điểm cuối năm nhu cầu chi tiêu đang tăng cao. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để giúp thị trường hàng hóa nói chung hay bất động sản giao dịch nhiều hơn. Từ đó mới kéo theo hoạt động sản xuất gia tăng. Tuy nhiên, hiện LS cho vay cá nhân của các NH thương mại lên trên 10%, thậm chí lên 14 - 15%/năm thì sẽ không ai dám vay. TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: Các NH tự công bố LS cơ bản hay LS cơ sở trong hợp đồng cho vay là chưa đúng, đưa ra những thuật ngữ chuyên sâu khiến người dân hiểu lầm và phải gánh chịu rủi ro khi LS phải trả lên quá cao.

"Đồng ý rằng LS cho vay là do quan hệ dân sự, thỏa thuận giữa NH và khách hàng nhưng các NH tự công bố LS cơ bản hay LS cơ sở để từ đó nâng LS cho vay lên cao là bắt chẹt người tiêu dùng. Các NH đều đang hưởng lợi khi LS tiền gửi tiết kiệm do NHNN công bố ở mức trần nên chỉ huy động tiền người dân với LS thấp. Trong khi đó LS cho vay hoàn toàn do NH tự quyết định. Khách hàng cá nhân chấp nhận LS cao hơn cho vay DN nhưng hiện nay với biên độ chênh lệch giữa LS giữa huy động và cho vay cá nhân lên đến 6 - 7% là quá cao, NH thu lời quá đậm", TS Lê Đạt Chí phân tích.

Từ đó, ông cho rằng để triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ưu tiên vốn cho tiêu dùng thì NHNN nên quy định các NH thương mại phải công bố hạn mức tín dụng với LS cụ thể cho từng lĩnh vực ưu tiên. Qua đó sau một thời gian sẽ có thanh tra, giám sát. Nếu NH nào không làm đúng hoặc chỉ giải ngân được rất ít trên số lượng công bố đó thì có chế tài như cắt giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sau đó.

Đồng thời, NHNN nên công bố công khai LS bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng và LS bình quân cho vay của từng NH; chênh lệch LS bình quân tiền gửi và cho vay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị với ngành vào đầu tháng 12. Từ đó khách hàng sẽ có sự so sánh để chọn lựa NH khi có nhu cầu vay và sẽ tạo ra được sự cạnh tranh thực sự, giúp kéo giảm LS cho vay xuống thấp hơn.

LS huy động đầu vào đã giảm sâu thì LS cho vay tiêu dùng cũng chỉ nên từ 10%/năm trở xuống thì cá nhân mới dám vay để mua nhà, mua xe. Các NH luôn giải thích cho vay cá nhân rủi ro cao nên LS phải cao hơn đối với DN. Thực tế, cá nhân chỉ vay số tiền nhỏ và hầu như đã tính toán được việc trả nợ nên nợ xấu cũng ít hơn các tổ chức với những khoản vay lớn hơn hàng trăm, hàng ngàn lần. Các NH nên giảm mạnh lãi vay cho cá nhân và xem xét đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục. Điều này mới có thể kích cầu tiêu dùng, tạo động lực cho các DN duy trì sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.