Lãi vay vẫn cao, vẫn khó tiếp cận

22/03/2023 06:33 GMT+7

Ngày nào cũng có ngân hàng công bố giảm lãi suất tiết kiệm, tung gói cho vay ưu đãi, nhưng ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn và lãi vay vẫn còn rất cao.

Lãi vay giảm chậm

Đợt điều chỉnh lãi suất (LS) điều hành từ Ngân hàng (NH) Nhà nước với 0,5 - 1%/năm đã tạo thêm điều kiện cho các nhà băng giảm lãi huy động. Mới đây, các NH lớn cũng đồng loạt tung ra các gói tín dụng giảm lãi vay. Tuy nhiên, so với cuối năm ngoái, mặt bằng LS huy động của các NH hiện nay giảm từ 1 - 2%/năm, riêng lãi cho vay lại giảm khá chậm, khoảng

Lãi vay vẫn cao, vẫn khó tiếp cận - Ảnh 1.

Ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế

NGỌC THẮNG

0,5 - 1%/năm. Theo giới phân tích, các NH cần thời gian mới có thể điều chỉnh mặt bằng chung LS cho vay giảm tương ứng với huy động. Bởi các nhà băng cần tiêu hóa lượng vốn LS cao đã huy động trước đó. Thế nhưng từ khoảng 10 ngày trở lại đây, NH Nhà nước liên tục bơm tiền ra thị trường thay vì hút về mạnh trước đó. Chưa kể, vốn rẻ trên thị trường liên NH cũng đã xuất hiện. Ngày 21.3, LS trên thị trường liên NH sụt giảm mạnh chỉ còn 1/3 so với cách đây 10 ngày. Cụ thể, LS qua đêm còn 2,22%/năm, 1 tuần còn 2,9%/năm, 2 tuần còn 3,53%/năm, 1 tháng còn 5%/năm, 3 tháng còn 6,65%/năm, mức LS cao nhất trên thị trường là 8%/năm ở kỳ hạn 1 năm.

Nói chung vay vốn ngân hàng lúc này vẫn thấy khó, nhất là đòi vay với lãi suất dưới 14% thì càng không có.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Kim Phát

Các "ông lớn" trên thị trường cũng đưa ra các gói với LS rẻ hơn. Ví dụ như Vietcombank cho cá nhân, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) vay vốn với thời hạn từ 12 tháng trở xuống, mức LS vay chỉ từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên. Đối với khoản vay có thời hạn cho vay trên 12 - 24 tháng, LS vay chỉ từ 8,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên. Đối với khoản vay có thời hạn cho vay trên 24 tháng, mức LS vay từ 10,2%/năm trong 12 tháng đầu tiên.

Các NH khác như BIDV, Agribank cũng tung ra các gói tín dụng LS thấp từ 7%/năm trở lên. Chẳng hạn, BIDV dành 70.000 tỉ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, thuộc lĩnh vực xanh, nông nghiệp nông thôn. Agribank dành 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD cho DN vay. Số vốn này cho các DN có nhu cầu vay ngắn hạn dưới 12 tháng, bổ sung nguồn vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Theo đó, LS cho vay thấp hơn so với LS hiện hành từ 1,5%/năm đối với khoản vay tiền đồng và 1%/năm đối với khoản vay USD.

Thế nhưng tiếp cận được các gói này không đơn giản. Còn ngoài gói này, lãi vay vẫn đang ở mức cao.

Tiếp cận vốn vẫn khó

Hôm qua 21.3, khi được hỏi thông tin về câu chuyện vay vốn từ NH, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Kim Phát, vẫn lắc đầu ngán ngẩm. Ông kể từ đầu tháng 2, ông đã dò hỏi NH để vay gần 600 triệu đồng nhằm mua thêm một chiếc xe bán tải cho công ty trong thời hạn 4 năm. Một NH thương mại báo LS là 14,5%/năm trong khi hợp đồng vay cũ của công ty ở cùng nhà băng này có LS gần 12%/năm (được điều chỉnh vào cuối năm 2022 so với LS cũ là 7,4%/năm). Vì LS cao nên ông chần chừ chưa dám vay.

Những ngày qua, nhiều NH công bố giảm LS và ông Thanh được báo LS cho vay mới sẽ còn khoảng 12%/năm. Dù báo LS giảm nhưng hồ sơ vay mới của ông vẫn tiếp tục chờ, chưa được duyệt. Ông Thanh thở dài: "Nói chung vay vốn NH lúc này vẫn thấy khó, nhất là đòi vay với LS dưới 14% thì càng không có".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cũng lắc đầu vì các DN lữ hành chưa biết khi nào mới có thể được vay vốn từ NH. Thậm chí có NH nói thẳng rằng họ có dư tiền, muốn cho công ty vay nhưng không có tài sản đảm bảo thì "bó tay". Tuy nhiên, câu chuyện tiếp cận vốn NH của các DN lữ hành đã được nhắc đến từ lâu. Vì qua mấy năm bị đại dịch Covid-19, tài sản đảm bảo của DN đã cầm cố hết cho NH.

Trong khi để khôi phục hoạt động trở lại thì DN cần phải có tiền để đặt cọc cho các đơn vị vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống… Ông Kỳ chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị lữ hành trước khi nhận khách đều phải trả tiền cọc sẵn chỗ ăn ở, vé máy bay. Số tiền này rất lớn vì hầu như không có ai cho nợ nhiều. Như Vietravel có khi mỗi tháng tiền cọc trước cũng vài trăm tỉ đồng, nên cần vay vốn lưu động. Nhưng theo quy định chung, muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp thì DN lại không có.

Ông Kỳ đề xuất NH Nhà nước xem xét, có thêm giải pháp để tháo gỡ nút thắt này cho ngành du lịch để giúp DN hồi phục và phát triển. Chẳng hạn cho phép các DN thế chấp bằng phương án kinh doanh. Ví dụ khi công ty có kế hoạch đưa khách đi nước ngoài đến một số thị trường lớn thì tất cả doanh thu, dòng tiền sẽ quay về tài khoản mở ngay tại NH hỗ trợ vay vốn. Điều này tương tự như giải pháp đã áp dụng cho các DN nông sản có thể thế chấp bằng hợp đồng thu mua nguyên liệu trong nước và chế biến xuất khẩu. Dòng tiền thu được về sẽ do NH quản lý. "Chúng tôi mong sẽ được hỗ trợ để các NH thương mại và DN có thể ngồi lại, đồng hành với nhau nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành, cũng nói ngay rằng LS vẫn đang ở mức cao nên không dám vay mới. Công ty ông phát triển nhà ở xã hội nên thuộc diện được khuyến khích, hỗ trợ nhưng đầu năm nay, LS vay từ 11,5%/năm cũng được NH điều chỉnh tăng lên 14%/năm. Gần đây ông chủ động liên hệ NH để xem có được giảm LS theo như công bố hay không nhưng vẫn chưa được. Theo ông, có thể một số đối tượng DN nào đó được giải ngân vốn vay nhanh hơn thời điểm cuối năm 2022 nhưng quan trọng nhất vẫn là vay với LS nào. LS mà ở mức 14%/năm thì hầu hết DN đều ngán ngẩm, không dám vay mới.

NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết hiện nay đã có 20 NH đăng ký gói tín dụng quy mô 453.070 tỉ đồng, tăng 4% so với gói tín dụng của năm 2022. Quy mô chương trình chiếm 14% so với tổng vốn huy động trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.