Giảm từ... 0,1 - 0,3%/năm
Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) vừa giảm thêm lãi suất huy động tiền đồng ở các kỳ hạn 0,2%/năm, cụ thể lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 3,3%/năm, 3 tháng còn 3,6%/năm, 6 tháng còn 4,2%/năm, 12 tháng còn 6%/năm... So với mức lãi suất đầu năm, Vietcombank đã giảm lãi suất huy động từ 0,8 - 1,1%/năm. Tương tự, các NH nhỏ cũng đã liên tục giảm lãi suất huy động quanh 1 - 2,5%/năm và lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của các NH thấp hơn trần 4,25%/năm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép từ 1 - 2%/năm, như Techcombank chỉ còn 2,5 - 4%/năm, Vietcombank còn 3,3 - 3,6%/năm...
Tiếp đó, ngày 13.5, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm đồng bộ 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,3 - 0,5%/năm trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Một vài tháng trở lại đây, lãi suất huy động tiền đồng của các NH trên thị trường liên NH cũng xuống mức sát 0%/năm khi thanh khoản dồi dào.
Trong khi lãi suất huy động giảm liên tục thì tốc độ giảm của lãi suất cho vay lại chậm rãi, từ từ. Đặc biệt, các khoản vay cũ, là gánh nặng với doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh do dịch Covid-19, thì hầu như không được giảm.
Bà Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH nhập khẩu T. - chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh tại Q.7 (TP.HCM), chia sẻ trong năm 2019 bà nhiều lần vay vốn NH để hoạt động với lãi suất 8,5%/năm. Tháng 7 năm nay, nhân viên tín dụng thông báo, nếu bà giải ngân khoản vay mới, lãi suất sẽ là 8%/năm trong khi khoản vay cũ thì không nói đến.
“Khoản vay cũ sắp hết nên tôi cũng không hỏi và phía NH chỉ chào cho gói vay mới. Nói chung lãi suất cho vay chỉ giảm rất ít, tôi có tham khảo nhiều nơi khác cũng tương tự nên thôi”, bà Thảo nói.
Ông Việt, chủ hộ kinh doanh tại Q.Tân Phú (TP.HCM), cũng đang có khoản vay thế chấp tại một NH với kỳ hạn 1 năm, lãi suất 9,5%/năm. Đến đầu tháng 8 khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, ông hỏi NH về hỗ trợ giảm lãi vay cũ thì được thông báo sẽ xem xét điều chỉnh giảm xuống còn 9,3%/năm.
“Trước đây, mỗi tháng phải trả lãi khoảng 8 triệu đồng/tháng cho khoản vay 1 tỉ đồng thì nay mức lãi phải trả là 7,75 triệu đồng/tháng, chỉ giảm được 250.000 đồng/tháng. Mức giảm không đáng kể trong khi tình hình kinh doanh ế ẩm, cơ sở đã tạm ngưng kinh doanh trước đó mấy tháng và cũng chỉ mới hoạt động cầm chừng trở lại từ tháng 7 đến nay”, ông Việt nói.
Theo NHNN, tính đến ngày 16.9, lãi suất cho vay giảm từ 0,5 - 2,5%/năm so với thời trước dịch Covid-19, doanh số lũy kế từ ngày 23.1 đến nay là 1,6 triệu tỉ đồng cho 310.000 khách hàng.
|
Ưu đãi bị thủ tục “ngáng chân”
Đáng nói, lãi suất ưu đãi với mức giảm mạnh thì DN lại không thể tiếp cận nổi. Thông tin tại buổi họp thường kỳ quý 3 vừa diễn ra ngày 22.9, NHNN cho biết chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc quy mô 16.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng dù đã có sẵn nguồn vốn, nhưng đến nay chỉ có 1 DN được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, DN này đã tự cân đối được nguồn nên không vay nữa.
Mới đây, bộ này tiếp tục đề xuất Bộ Kế hoạch - Đầu tư gói hỗ trợ lần 2 dành cho DN và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 15.000 tỉ đồng với lãi suất vay 3,96%/năm từ NH Chính sách xã hội (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Gói tín dụng này nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trợ trực tiếp người lao động gặp khó khăn. Đối tượng thụ hưởng là DN nhỏ và vừa; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên DN nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh; người lao động tại khu vực nông thôn. Thế nhưng, sau gói 16.000 tỉ không giải ngân được đồng nào vì thủ tục, nhiều ý kiến lo ngại rằng gói mới cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự.
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng với ngân sách hiện nay đang còn khó khăn thì mức hỗ trợ lãi suất vay 3 - 4%/năm đã là tốt. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ gói tín dụng 15.000 tỉ đồng thì hơi nhỏ so với khối lượng DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ... đang rất nhiều.
Trong giai đoạn đầu, có thể làm thí điểm sau đó mở rộng thêm. Quan trọng hơn, rút kinh nghiệm gói 16.000 tỉ đồng lãi suất 0% cho vay hỗ trợ lương chưa giải ngân được, gói hỗ trợ mới cần có tiêu chí rõ ràng, thủ tục không phức tạp. Gói 1 hiện nay vẫn chưa giải ngân hết nên có thể thực hiện thí điểm giải ngân gói thứ 2 và sau đó mở rộng thêm.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nói thẳng rằng vấn đề của các gói hỗ trợ hiện nay không hẳn nằm ở lãi suất mà là thủ tục. Những gói hỗ trợ trước, thủ tục nhiều, cân nhắc nhiều quá đến đối tượng xét duyệt, các cấp xét duyệt cũng nhiều, trong khi hạn mức tín dụng được duyệt không bao nhiêu dẫn đến DN không mấy mặn mà. Thay vì đi vay gói hỗ trợ, DN sẽ tự xoay xở hoặc vay NH với mức lãi suất thương mại tầm 6 - 7%/năm ngắn hạn cho nhanh. Chính vì vậy, những gói hỗ trợ mới cần đơn giản thủ tục, quy định hậu kiểm và trách nhiệm rõ ràng để tránh trục lợi.
Mạnh tay cung cấp các gói lãi suất 0%
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định câu chuyện giảm lãi suất hỗ trợ DN gặp khó khăn đã nói từ đầu đợt 1 của dịch Covid-19 và đến nay đã qua đợt 2 nhưng hầu như vẫn không có nhiều thay đổi.
Giải pháp kêu gọi của NHNN không có hiệu quả cao vì bản thân mỗi nhà băng phải tự lo cho hoạt động của mình. Thậm chí, NHNN cho biết đã hỗ trợ giảm lãi suất nhưng cũng không nhiều. Trong khi đó, chi phí cố định của các NH vẫn ở mức rất cao khi có hàng trăm, hàng ngàn chi nhánh khắp mọi nơi. Vì vậy hầu như NH đều giữ biên lợi nhuận (NIM) ở mức cao, trên 3% như trước đây, để bù đắp. Thậm chí, có thể các NH vẫn duy trì NIM cao để dự phòng nợ xấu gia tăng vào cuối năm nay khi báo cáo kết quả hoạt động cả năm khi nhiều DN đã bị thua lỗ nặng, khả năng trả nợ rất thấp.
Đặc biệt, trong khi nhiều nước đã mạnh tay chi ra những gói hỗ trợ rất lớn cho DN, đưa lãi suất về gần bằng 0%, khoanh nợ và không tính lãi suất thì VN hoàn toàn không có. Một số DN có thể được giãn nợ nhưng vẫn phải trả đủ lãi suất. Vì vậy, quan trọng là NHNN nên mạnh tay hơn, cung cấp gói cho vay với lãi suất 0% cho một số đối tượng DN gặp khó khăn lớn, trong các nhóm ngành nghề ưu tiên. Thông qua các NH, gói lãi suất này có thể được giải ngân cho DN và cộng thêm khoảng 2% phí quản lý. Từ đó sẽ có tác dụng lan tỏa mạnh hơn trên thị trường, góp phần đưa mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
Bình luận (0)