Lái xe an toàn: Cách bật/tắt động cơ ô tô an toàn

27/12/2021 08:00 GMT+7

Với những người mới lái, khởi động xe và tắt động cơ làm sao cho đúng cách và an toàn tưởng chừng như là hành động đơn giản nhưng nếu không thực hiện đúng quy trình có thể xảy ra một số sự cố tiềm ẩn cho xe, nặng hơn là gây tai nạn.

Để việc lái xe được an toàn, phải chú ý tới những nguyên tắc tưởng chừng như cơ bản nhất nhưng đôi khi lại bị người ta phớt lờ. Trong đó, việc bật/tắt động cơ cũng có những lưu ý nhất định.

Chọn tư thế lái thoải mái nhất

Đặt mình ghế lái, chỉnh tư thế một cách thoải mái nhất, thắt dây an toàn đúng cách giúp bạn cảm thấy tự tin về tâm lý và tránh được những tình huống nguy hiểm trên đường, đảm bảo an toàn cho bạn và tránh vi phạm luật giao thông.

Chọn tư thế ngồi đúng và thoải mái nhất trước khi khởi động xe

Đối với các dòng xe cao cấp đã có bộ nhớ vị trí ghế, bạn chỉ việc chọn đúng số đã lưu vị trí của mình trước đó và đừng quên điều chỉnh gương chiếu hậu để có thể quan sát được các vị trí xung quanh một cách bao quát nhất.

Điều kiện an toàn để xe khởi động

Tùy vào từng loại xe mà có thể trang bị chìa khóa cơ truyền thống hoặc nút bấm khởi động start/stop. Hầu hết các loại xe ngày nay đều đã trang bị nút bấm và chìa khóa thông minh. Người lái chỉ cần mang theo bên người và bỏ trong túi quần hoặc túi xách mang theo mình.

  • Đối với xe số sàn: Chân trái đạp côn (ly hợp), chân phải đạp phanh, cần số ở vị trí N, xoay chìa khóa hoặc bấm nút khởi động.
  • Đối với xe số tự động: Hãy đảm bảo đặt cần số ở vị trí “P”, đạp phanh và xoay chìa khóa hoặc bấm nút khởi động để bắt đầu vận hành động cơ.

Lưu ý trong quá trình xe khởi động

Với ổ khóa cơ, bạn phải xoay chìa khóa qua hai điểm dừng và đẩy vào điểm dừng cuối cùng để khởi động xe, đồng thời dùng tay giữ nguyên vị trí. Trong quá trình xe khởi động, tay giữ chìa khóa duy trì ở vị trí cuối cùng cho đến khi nhận thấy động cơ đã hoạt động thì buông ra. Tránh việc giữ chìa khóa quá lâu trong lúc máy đã nổ có thể gây hư hỏng cho củ đề. Nếu bạn giữ chìa khóa xoay hết mức sau khi động cơ đang chạy, bạn sẽ nghe thấy một âm thanh mài rất xấu phát ra từ các bánh răng trong bộ khởi động và các bánh răng trong động cơ đang ma sát với nhau. Điều này tất nhiên gây ảnh hưởng xấu cho xe.

Việc khởi động xe với hệ thống nút bấm và chìa khóa thông minh ngày nay trở nên an toàn hơn

Đối với xe có nút bấm khởi động, thao tác đơn giản hơn nhiều khi chỉ cần đạp phanh, bấm nút và buông ra ngay lập tức, không cần thiết phải giữ nút bấm luôn ấn xuống như cách giữ chìa khóa cơ. Dù vậy, nếu người sử dụng có giữ nút này lâu cũng không ảnh hưởng gì vì xe được khởi động bằng tín hiệu điện tử.

Vì sao không thể khởi động động cơ?

Một số loại xe được thiết kế an toàn trong quá trình khởi động. Nếu bạn bấm nút/xoay chìa khóa mà không thấy xe khởi động thì sẽ có những nguyên nhân sau:

  • Đối với xe số sàn: chưa đạp chân côn/bàn đạp ly hợp, hoặc vị trí cần số không nằm ở “N”
  • Đối với xe số tự động: chưa đạp phanh, hoặc cần số không nằm ở vị trí “P” hoặc “N”

Đối với ổ khóa cơ, nếu chìa khóa không thể xoay qua các nấc thứ nhất hoặc thứ hai và tay lái “cứng đơ”, dấu hiệu cho thấy xe đang khóa tay lái. Trong trường hợp này, bạn cần phải 'lắc lư' hoặc lắc tay lái qua lại một chút trong khi xoay chìa khóa.

Nguy hiểm trong quá trình khởi động

Đối với xe ô tô đời mới hiện nay, các hãng xe đã nâng cao tính năng an toàn, việc bật động cơ đòi hỏi một loạt các điều kiện (đã đề cập ở trên) mới có thể hoạt động, do vậy rủi ro trong quá trình khởi động xe là rất ít.

Dù vậy, vẫn có những dòng xe đời cũ, nhất là xe số sàn phải đặc biệt lưu ý đến cần số trong quá trình khởi động. Nếu bạn bật động cơ trong khi cần số vẫn nằm ở các vị trí, đặc biệt là số 1, đồng thời chân côn không được đạp xuống hết thì nhiều khả năng xe sẽ ngay lập tức “bắt số” và chồm về phía trước rất nhanh mà bạn không thể kiểm soát, có thể gây tai nạn nếu xung quanh có vận cản hoặc người đi bộ.

Vô lăng thỉnh thoảng có thể bị “khóa” nếu có tác động trong lúc xe tắt máy, lúc này cần xê dịch và “lắc lư” tay lái một chút để mở khóa

Động cơ khởi động bao lâu thì có thể bắt đầu lăn bánh?

Nếu xe đã tắt máy không hoạt động trong một thời gian tương đối (có thể là qua 1 đêm), động cơ xe cần được “làm nóng” trước khi lăn bánh. Các chuyên gia về ô tô cũng cảnh báo, khởi động máy quá ngắn là nguyên nhân dẫn đến các hỏng hóc không đáng có. Động cơ sẽ kém bền vì dầu máy chưa bơm đủ vào buồng đốt.

Khởi động xe trong khoảng thời gian phù hợp với thời tiết bình thường là 30 - 40 giây. Nếu nhiệt độ xuống thấp, thời gian khởi động sẽ lâu hơn. Hầu hết các loại xe đều tự động đưa tua máy lên cao (khoảng 2.000 vòng/phút) nếu nhận thấy động cơ chưa đủ nóng, ngay sau khoảng thời gian này, động cơ được đưa về chế độ hoạt động bình thường với vòng tua dưới 1.000 vòng/phút. Lúc này, xe có thể lăn bánh bình thường.

Mặt khác, không nên khởi động động cơ quá lâu. Bởi khi xe chạy không tải, nhiệt độ của động cơ không đạt được đến mức như xe lăn bánh. Axít và hơi ẩm không bay hết sẽ đọng lại xi-lanh đến khi động cơ được làm nóng hoàn toàn. Chúng là tác nhân gây hiện tượng ăn mòn động cơ.

Nếu bạn chỉ dừng xe và tắt máy trong khoảng thời gian ngắn trong ngày, việc làm nóng động cơ trước khi lăn bánh là không cần thiết. Dấu hiệu nhận biết là xe hoạt động ở vòng tua bình thường khi khởi động máy.

Tắt động cơ sao cho đúng cách?

Trước khi kết thúc hành trình một vài phút, tài xế hãy tắt điều hòa giúp cơ thể dần làm quen với nhiệt độ bên ngoài, tránh sốc nhiệt. Vì vậy, trước khi kết thúc chuyến đi khoảng 1 - 2 phút, hãy tắt điều hòa, đồng thời chạy quạt gió để làm khô cửa gió, tránh tụ ẩm sinh nấm mốc gây mùi, đồng thời cũng giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Nên tắt điều hòa trước khi kết thúc hành trình từ 2-3 phút, vừa tốt cho xe, vừa tránh cho hành khách bị sốc nhiệt

Khi đỗ xe và kết thúc hành trình, nên để động cơ hoạt động không tải khoảng 30 giây trước khi tắt hoàn toàn. Đặc biệt thao tác này rất có ý nghĩa đối với xe có trang bị hệ thống tăng áp (Turbo). Khi di chuyển quãng đường dài, khả năng cao một số bộ phận như tăng áp sẽ nóng hơn các bộ phận còn lại trong động cơ. Việc tắt máy ngay sau đó đồng nghĩa với việc ngưng dòng chảy của dầu trong động cơ, dẫn đến việc để lại dầu nóng ở bộ phận tăng áp và kết quả là dầu bị phân hủy.

Hiện tượng này sẽ làm giảm đặc tính bôi trơn của dầu, ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ và khiến việc phải thay dầu diễn ra thường xuyên hơn bình thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.