Lái xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: Cần lưu ý gì?

07/03/2024 15:11 GMT+7

Tổng chiều dài không quá lớn (chỉ khoảng 56 km) và đi qua toàn khu vực bằng phẳng, tuy nhiên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng là tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn do lưu lượng xe rất đông và ý thức tham gia giao thông của không ít tài xế chưa cao.

Là một trong những tuyến đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khởi công xây dựng vào đầu tháng 10.2009 và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng toàn tuyến từ tháng 2.2015.

Cao tốc này có chiều dài 55,7 km, đi qua địa phận TP.HCM và tỉnh Đồng Nai; do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Về thiết kế, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được chia thành hai thành phần. Đầu tiên là đoạn từ An Phú - Vành đai II có chiều dài 4 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/giờ với quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5 m, chiều rộng mặt đường 2x7,5 m và chiều rộng làn dừng khẩn cấp 2x3 m. Phần thứ hai là đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ (riêng khu vực cầu Long Thành có tốc độ thiết kế 100 km/giờ); với quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, chiều rộng nền đường 27,5 m, chiều rộng mặt đường 2x7,5 m và chiều rộng làn dừng khẩn cấp là 2x3 m.

Lái xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: Cần lưu ý gì?- Ảnh 1.

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài gần 56 km, là tuyến đường huyết mạnh, cửa ngõ của TP.HCM

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có ký hiệu toàn tuyến là CT.29. Điểm đầu tuyến là nút giao thông Long Trường thuộc thành phố Thủ Đức (TP.HCM), giao với đường Vành Đai 3, điểm đầu tuyến dẫn là nút giao thông An Phú cũng thuộc TP.Thủ Đức; và điểm cuối tại nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Trước đây, theo quy hoạch từ năm 2015 đến 2021, toàn bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từng là một phần của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tuy nhiên, hiện tại đã được tách ra thành một tuyến cao tốc độc lập và được ví như tuyến đường huyết mạch của TP.HCM. Đồng thời có vai trò cực kỳ quan trọng, là cửa ngõ kết nối đô thị lớn nhất Việt Nam với khu vực Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế lớn ở miền Trung và miền Bắc.

Lưu ý gì khi lái xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây?

Có thể nói, so với nhiều tuyến cao tốc khác trên cả nước, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ có chiều dài trung bình, mặt đường bằng phẳng và gần như không có những đoạn đường dốc cao hay cong khuất tầm nhìn. Hạ tầng trên tuyến đường này về cơ bản cũng đủ đảm bảo an toàn với 2 làn chính và một làn dừng khẩn cấp mỗi chiều. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Thực tế, mỗi năm vẫn có khá nhiều vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường này.

Lái xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: Cần lưu ý gì?- Ảnh 2.

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng là tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, do đó các tài xế lái xe qua tuyến đường này cần tập trung và tuân thủ các quy định an toàn

Theo anh Lê Đoàn Thanh - một tài xế thường xuyên di chuyển qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, lỗi mà các tài xế hay mắc phải khi đi qua tuyến đường này là lái xe bám quá sát các xe phía trước, dẫn đến nhiều vụ tai nạn liên hoàn. Bên cạnh yếu tố khách quan đến từ lưu lượng phương tiện đông (nhất là dịp cuối tuần hay lễ, tết); nguyên nhân chính chủ yếu do tâm lý chủ quan, không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn.

"Đặc biệt, tại những đoạn gần nút giao với Quốc lộ 51 (hướng từ TP.HCM về Đồng Nai) thường có nhiều xe rẽ qua lối ra để đi TP.Vũng Tàu, hay khu vực chân cầu Long Thành đến Trạm thu phí Long Phước có biển báo tốc độ giới hạn giảm đột ngột, nếu lái xe không tập trung sẽ rất dễ dẫn đến những tình huống tai nạn", anh Thanh lưu ý.

Trong khi đó, ông Hoàng Viết Nhân - một tài xế xe khách chạy tuyến Long Khánh - TP.HCM chia sẻ, một trong những "vấn nạn" thường gặp trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tình trạng lái xe không tuân thủ các quy tắc về tốc độ và nhường đường. Cụ thể là tình trạng chạy chậm nhưng vẫn "khư khư" ôm làn trái (làn trong cùng sát dải phân cách) diễn ra thường xuyên.

Lái xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: Cần lưu ý gì?- Ảnh 3.

Tình trạng các xe không giữ đúng khoảng cách an toàn, không tuân thủ các quy tắc về tốc độ, nhường đường thường xuyên diễn ra trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

"Hầu như mỗi ngày lái xe đi trên cao tốc này (cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) tôi đều rất ức chế vì liên tục gặp những ô tô chạy kiểu "rùa bò" nhưng thích ôm làn trái. Nhiều xe thậm chí chạy dưới tốc độ tối thiểu theo quy định (60 km/giờ) nhưng nhất quyết không chịu lách vào làn giữa mà đi. Kiểu lái xe này không những gây cản trở giao thông mà còn là nguồn cơn dẫn đến nhiều vụ tai nạn khi các xe phía sau phải liên tục chuyển làn để vượt".

Bên cạnh đó, "tài già" này cũng đề nghị cơ quan chức năng cần xem xét tăng cường giám sát và tiến hành xử phạt nghiêm đối với những trường hợp tài xế lái xe chạy sai tốc độ quy định , kể cả chạy quá chậm; hoặc cố tình lái xe dàn hàng, chèn đường các phương tiện phía sau, không ít lần gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài trên cao tốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.