Mọi người đều đã biết giấc ngủ kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim, trầm cảm và lo lắng. Trong khi nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của giấc ngủ chất lượng đối với sức khỏe.
Giờ đây, các nhà khoa học từ Trường Y Tongji, Đại học Khoa học và công nghệ Huazhong và Bệnh viện đa khoa Dongfeng (Trung Quốc) muốn xem xét ảnh hưởng của kiểu ngủ đối với nguy cơ mắc bệnh tim mạch theo thời gian, bao gồm bệnh tim mạch vành và đột quỵ.
Nghiên cứu bao gồm hơn 15.000 người trung niên đã nghỉ hưu, không mắc bệnh tim mạch hoặc ung thư khi bắt đầu nghiên cứu.
Những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi và được khám sức khỏe vào 2 thời điểm cách nhau 5 năm.
Các nhà nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu di truyền để xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch của những người tham gia.
Họ đã sử dụng bảng câu hỏi để xác định chất lượng giấc ngủ của người tham gia. Trong đó, kiểu ngủ được định nghĩa "tối ưu" là kiểu ngủ có 4 yếu tố sau:
- Giờ đi ngủ từ 22 giờ đến 24 giờ.
- Ngủ 7 - 8 giờ mỗi đêm.
- Chất lượng giấc ngủ tốt hoặc khá.
- Ngủ trưa từ 60 phút trở xuống, theo chuyên trang sức khỏe Healthline.
Trong thời gian theo dõi trung bình gần 5 năm, có 3.669 người mắc bệnh tim mạch, bao gồm 2.986 trường hợp mắc bệnh tim mạch vành và 683 trường hợp đột quỵ.
Kết quả đã phát hiện, những người có kiểu ngủ tối ưu trong suốt 5 năm (nghĩa là duy trì được kiểu ngủ tối ưu lâu dài) có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành thấp hơn 16% và nguy cơ đột quỵ thấp hơn 34% so với những người không có kiểu ngủ tối ưu trong suốt 5 năm.
Cả những người duy trì được kiểu ngủ tối ưu chỉ trong một thời gian ngắn cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn so với người không duy trì được kiểu ngủ tối ưu lâu dài.
Riêng những người có nguy cơ di truyền mắc bệnh tim mạch, nếu duy trì được kiểu ngủ tối ưu lâu dài, vẫn có nguy cơ mắc bệnh này thấp. Cụ thể, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành thấp hơn 35% và nguy cơ đột quỵ thấp hơn 52% so với người vừa có nguy cơ di truyền mắc bệnh tim mạch không duy trì được kiểu ngủ tối ưu lâu dài, theo Healthline.
Bình luận (0)