“Sản phẩm bí đỏ khô rất tiềm năng ở Việt Nam vì giá trị dinh dưỡng cao, chi phí sản xuất thấp, nhân công ít và dễ bảo quản. Thị trường Hàn Quốc tôi được giới thiệu”, Nguyễn Đình Long chia sẻ.
Học công nghiệp điện nhưng yêu thích nông nghiệp
Nguyễn Đình Long, 28 tuổi, tốt nghiệp ngành công nghiệp điện, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng. Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, trong gia đình có bố mẹ vừa làm nông nghiệp, vừa kinh doanh xăng dầu cho tàu đánh cá, Long cho biết bản thân anh luôn quan tâm tới các vấn đề nông nghiệp, làm sao có thể khởi nghiệp, phát triển bền vững với các nông sản Việt Nam. Long học ngành công nghiệp điện, khi tốt nghiệp ĐH đã có công việc đúng chuyên ngành và thu nhập khởi điểm không tồi (12 triệu đồng mỗi tháng) nhưng anh quyết định nghỉ làm và bắt tay làm nông nghiệp.
Mất 2 năm mò mẫm về mặt hàng nông sản, thị trường, khách hàng qua các mối quan hệ, cổng thông tin điện tử, anh đã tìm ra hướng đi cho mình là bí đỏ sấy khô để xuất khẩu. Hiện, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc theo hợp đồng năm.
|
Anh chia sẻ: "Sản phẩm bí đỏ sấy khô hiện đối tác đang sử dụng làm bột bánh, bột ngũ cốc, bột ăn dặm cho trẻ nhỏ và được sử dụng trong làm đẹp, làm trà. Khi mới làm tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ màu sắc sau chế biến, cách sử dụng máy thái sao cho ít mảnh vụn, cách bảo quản khi chế biến xong”.
Theo anh Long, để nguồn nguyên liệu ổn định, anh tự phát triển vùng và liên kết với bà con nông dân tại Sơn La, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Phòng, làm nhà xưởng đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng. Hiện, nhà xưởng chế biến theo hợp đồng năm cho khách, mỗi 6 tháng là 3.000 tấn bí đỏ.
|
"Nói thì có vẻ dễ dàng, nhưng thực ra những khó khăn tôi đã trải qua không hề nhỏ. Gia đình cũng không ủng hộ ngay từ đầu, những mẻ đầu tiên sản xuất của tôi bị thất bại. Nhưng tôi không nản lòng. Dù không đi theo đúng chuyên ngành tôi học trong Trường ĐH, nhưng thật sự những gì tôi làm ngày hôm nay đều từ những bài học quý giá trên giảng đường", Long bộc bạch.
“Thời gian này tôi đang tạm dừng làm bí để xây dựng nhà máy tại Hải Dương theo hình thức trang trại sản xuất, làm sao để hiệu quả và sáng tạo nhất, không lo lượng nông sản đầu ra, rủi ro thấp. Sắp tới, tại đây sẽ sản xuất không chỉ bí đỏ khô (nguyên liệu và ăn liền) xuất khẩu mà còn làm đậu đũa muối chua xuất Đài Loan. Đỗ tương rau xuất Nhật Bản và một số loại ngũ cốc theo công nghệ của Hàn Quốc”, anh Long chia sẻ.
Người trẻ nhìn xa hơn về nông nghiệp
Là người làm trong lĩnh vực chế biến nông sản, Long cho rằng, để nâng tầm giá trị nông sản, không lo ùn ứ đầu ra nông sản cần phải “giải cứu”, lĩnh vực chế biến cần được đẩy mạnh, thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, cần thực hiện đúng hợp đồng, nhằm tạo uy tín. Trong bối cảnh covid-19 bùng phát ở nhiều nước, đặc biệt Hàn Quốc, cá nhân anh Long và xưởng không bị ảnh hưởng, bởi đơn hàng lớn đã hoàn thiện và xuất xong trước khi bùng dịch.
Long cho hay, sắp tới anh muốn liên kết với những bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp trong nông nghiệp để liên kết vùng nguyên liệu vì sắp tới mình sẽ sản xuất nhiều loại mặt hàng hơn và số lượng lớn hơn, không chỉ riêng bí đỏ khô xuất Hàn Quốc.
|
Bạn trẻ đang khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp cũng cho hay, một trong những lý do anh tâm huyết với nông nghiệp là “nông nghiệp là một ngành tiềm năng nếu biết cách làm phù hợp” .
“Hải Phòng không phải thành phố có lợi thế nhất về diện tích và khí hậu, công nghiệp hoá tại đây phát triển rất nhanh. Theo quan sát của tôi, những người trong gia đình làm nông còn trong độ tuổi lao động bây giờ đa phần đi làm công nhân, còn nhiều bạn trẻ khác đã không còn tha thiết với nông nghiệp. Diện tích canh tác hiện nay thuộc về những người đã quá tuổi lao động, còn nhiều nơi sẵn sàng bỏ hoang ruộng.Thực tế đó cũng chính là cơ hội để cho ai có cái nhìn xa hơn về nông nghiệp. Đặc biệt, khi hiện nay thành phố và các quận huyện quê hương tôi có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ người làm nông nghiệp, phát triển khởi nghiệp nông nghiệp của thành phố”, chàng trai lớn lên ở TP Cảng tạo công ăn việc làm cho bà con với sản phẩm bí đỏ khô xuất Hàn Quốc bộc bạch.
Bình luận (0)