Hai cô bé Vũ Thị Thu Hường và Trần Anh Thư, học sinh lớp 8 Trường THCS Trương Định (TT.Phước Dân, H.Ninh Phước, Ninh Thuận) rất yêu bài bích báo Truyền thuyết bí ẩn của tháp Poklong Garai của mình. Ở đó có 2 bức ảnh tháp trầm mặc, những dòng chữ xanh đỏ vàng vui tươi, có câu chuyện về tuổi trẻ xấu xí nghèo khó và sự thành đạt sau này của vị vua đã xây tháp. “Tháp để tưởng nhớ ngài Klong Garai, một vị vua đã được thần thoại hóa… Khi người Chân Lạp thường xuyên đánh phá quê hương, ông đi dẹp loạn. Ông cũng xem địa thế để xây tháp. Khi băng hà, ông được phụng thờ ở đây”, bài báo của hai em Hường và Thư viết.
Trước đó, các em cùng với nhiều bạn lớp 6, 7 cùng trường đã được nhà nghiên cứu Cao Trung Vinh (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) hướng dẫn cách thể hiện một câu chuyện di sản địa phương. Vì thế, các em đã biết lên kế hoạch để tìm thông tin, cách sử dụng hình ảnh cho bài báo. Việc tổ chức một trang báo tường lớn cũng được hướng dẫn, làm sao để có nhiều dạng bài viết trên đó: cả câu đố vui, phóng sự ảnh, bài viết… “Chúng tôi hướng dẫn các em kể chuyện bằng hình ảnh, phỏng vấn nghệ nhân nắm giữ di sản. Các em cũng biết cách viết các câu chuyện di sản trong cộng đồng Chăm. Sau cùng sẽ đưa tất cả lên báo”, ông Vinh nhớ lại.
Tờ báo tường khi ra đời rất đa dạng. Làm gốm, hướng dẫn cách làm gốm. Trò chơi với trống ghi năng. Di tích Poklong Garai. Những ngày hội ở địa phương… Đặc biệt, những từ ngữ bằng tiếng Chăm cũng được khuyến khích sử dụng.
Chính vì quá hấp dẫn nên thời gian dự kiến cho một buổi học là 45 phút nhưng các em say mê kéo dài thêm cả chiều. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho sinh hoạt này vào buổi chiều để có thể có thêm thời gian.
Làm bích báo di sản là một phần trong dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh tài trợ. Về dự án này, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng việc người trẻ tìm hiểu và làm ra các sản phẩm liên quan đến di sản văn hóa của cộng đồng mình nên được khuyến khích. Làm bích báo di sản cũng là một ví dụ sinh động cho điều này.
Bình luận (0)