Làm cha cũng phải học

20/08/2021 06:50 GMT+7

Tôn vinh tình yêu thương có trách nhiệm của người làm cha là điều nhóm Làm cha là thế hướng tới.

Anh Nguyễn Đức Chung, nhóm Làm cha là thế, nhớ mãi câu hỏi của vợ khi mới sinh con đầu lòng. Chị nói: “Con là của chung. Em cũng làm việc, cơm nước như anh, em cũng mệt. Tại sao mỗi khi nửa đêm em gọi anh dậy cùng em chăm con, anh lại khó chịu với em?”. Anh Chung chợt tỉnh. “Vì tôi mệt nên tôi được quyền khó chịu ư? Vì để được việc, nên tôi được quyền cáu gắt ư? Vì buồn bã, nên tôi được quyền bỏ mặc cảm xúc của vợ và con ư? Tất cả chỉ là ngụy biện…”, anh Chung chia sẻ.
Bà Hoàng Tú Anh, Phó giám đốc Trung tâm sức khỏe và dân số CCIF, chia sẻ cảm giác khi đọc những tâm sự cũng là hành trình tự vấn bản thân này của anh Chung. “Khi mình đòi hỏi vợ việc gì thì mình đã đáp ứng những việc vợ mong mỏi hay chưa. Khi định cáu giận với con thì mình lại nghĩ tại sao con có thể bao dung mình vô điều kiện mà mình lại cáu giận với con. Những câu hỏi đó vô cùng xúc động. Để đưa ra một thái độ dễ chịu với vợ với con cũng đòi hỏi một quá trình luyện tập”, bà nói.
Anh Chung không đơn độc, dù những người như anh chưa phải là nhiều trong xã hội hiện nay. Cộng đồng Làm cha là thế mà anh là thành viên, sau 2 năm thành lập hiện đã có 1.000 người tham gia. Cộng đồng này có mục đích tôn vinh những ông bố tích cực và hướng tới tình thương yêu có trách nhiệm của người cha. Họ cũng có nhiều hoạt động như cùng nhau thảo luận theo các chủ đề: Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, kinh nghiệm làm cha, kinh nghiệm chăm sóc con cái, kết nối nghề nghiệp giữa con cái và bố mẹ… Nhóm có các chuyên gia về giới, tâm lý, giáo dục và quyền trẻ em như bà Hoàng Tú Anh và nhiều người khác.
Cộng đồng cũng có những ông bố rất nổi tiếng trên mạng. Chẳng hạn, anh Lê Xuân Đức, chủ kênh YouTube Bố Con Sâu. Trên kênh của mình, anh cùng các con làm rất nhiều video ca nhạc, hai bố con anh Đức cùng đệm đàn guitar và hát. Các video triệu view không khó kiếm trên kênh này.
Trên hành trình Làm cha là thế, các anh cũng bắt gặp nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, tại sao khi con hư thì ngay lập tức người nghe sẽ quay sang nhìn mẹ đứa trẻ. Tại sao lại phải nín nhịn vợ như thế, sao phải khiên cưỡng làm những việc nhà vì đàn ông phải thế này thế kia. Về điều này, anh Chung chia sẻ mình thực sự hạnh phúc khi “mài cái tôi” của mình đi. Chỉ có điều, sau những cuộc “mài” như thế, người cha với tình yêu đầy trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.