Làm chậm tiến triển bệnh thận mạn

22/03/2024 07:04 GMT+7

Mặc dù bệnh thận mạn là những tổn thương không thể phục hồi nhưng các tiến bộ mới trong y khoa hiện nay đã có thể góp phần làm chậm tiến triển của bệnh.

Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) đã tiếp nhận trường hợp bà Đ.T.X (67 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM). Bà X. nhập viện trong tình trạng suy nhược cơ thể, nôn mửa liên tục và phù toàn thân. Tại phòng khám khoa Nội thận - Thận nhân tạo, bác sĩ đã tiến hành thăm khám chuyên sâu và chẩn đoán bà X. bị hội chứng thận hư, bệnh thận mạn giai đoạn 3. 

Sau thời gian điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch kết hợp chế độ ăn giảm đạm, các triệu chứng bệnh đã dần được cải thiện.

Làm chậm tiến triển bệnh thận mạn- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân bị bệnh thận

M.T

Cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh thận mạn

Th.S-BS Trần Minh Hoàng, khoa Nội thận - Thận nhân tạo, BV ĐHYD TP.HCM cho biết, bệnh thận mạn là một vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng trên toàn cầu, gây ra nhiều lo ngại cho cộng đồng. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn trong dân số toàn cầu khoảng 8,6%. Tại BV ĐHYD TP.HCM ghi nhận 19,1% trong tổng số 1.500 người đến khám tổng quát mỗi ngày có bất thường chức năng thận, bất thường nước tiểu hoặc siêu âm thận; sau theo dõi 3 tháng khoảng 11,5% được xác định là có bệnh thận mạn thực sự. Như vậy, cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh thận mạn ở mọi giai đoạn.

Điều đáng báo động là bệnh thận mạn thường không có triệu chứng điển hình ở giai đoạn sớm. Đến khi bệnh nặng hoặc có biến chứng, các dấu hiệu mới trở nên rõ ràng nhưng lại khó điều trị. Do đó, người dân cần có ý thức trong việc bảo vệ thận, đặc biệt những người có yếu tố cao (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, người lớn tuổi, béo phì, lupus ban đỏ,...) cần định kỳ tầm soát để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Bỗng dưng phát hiện sống 51 năm chỉ với 1 quả thận

Nhiều tiến bộ trong làm chậm tiến triển bệnh thận mạn

Theo TS-BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, BV ĐHYD TP.HCM, việc chẩn đoán tìm ra nguyên nhân gốc rễ để điều trị đúng người đúng bệnh. Đặc biệt, với thế mạnh đa chuyên khoa của bệnh viện, khoa còn phối hợp với nhiều chuyên khoa khác giúp điều trị hiệu quả cho người bệnh, nhất là người có nhiều bệnh lý phức tạp.

Ở giai đoạn cuối, người bệnh thận mạn cũng có nhiều lựa chọn trong các biện pháp điều trị thay thế thận. Nhiều tiến bộ mới trong điều trị chẳng những giúp giảm tỷ lệ tử vong mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống, chẳng hạn nước RO siêu tinh khiết tiệt trùng bằng nhiệt, lọc hấp phụ, HDF Online, lọc màng bụng tự động tại nhà, ghép thận...

Bạn đọc có thể xem thêm thông tin về bệnh thận mạn thông qua chương trình "Những tiến bộ mới trong làm chậm tiến triển bệnh thận mạn" do Trung tâm Truyền thông phối hợp cùng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tổ chức. Xem chi tiết tại: https://bit.ly/tienbomoilamchamtientrienbenhthanman.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.