Làm chính sách cho nhà ở thương mại nhưng nhiều đô thị vẫn bỏ hoang

22/11/2024 06:18 GMT+7

Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất thí điểm mở rộng các loại đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại (NOTM) thông qua thỏa thuận hoặc đang có quyền sử dụng đất (QSDĐ), bao gồm đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa đất (đối với trường hợp thỏa thuận về nhận QSDĐ). Thời gian thí điểm 5 năm, từ 1.1.2025.

Đại biểu (ĐB) Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đồng tình với việc mở rộng 3 loại đất được làm NOTM, song với 2 loại đất là nông nghiệp và phi nông nghiệp không phải đất ở cần phải "quy định chặt chẽ hơn". Ông cho rằng việc mở rộng này phải đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo diện tích trồng lúa là 3,5 triệu ha đến năm 2030.

Làm chính sách cho nhà ở thương mại nhưng nhiều đô thị vẫn bỏ hoang- Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai)

ẢNH: GIA HÂN

Người dân không đủ tiền mua NHÀ Ở THƯƠNG MẠI

ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng giá bất động sản tăng phi mã khiến người nghèo, người lao động, cán bộ, công chức rất khó mua được nhà. Theo ông Long, cử tri đặt câu hỏi tại sao Chính phủ, Quốc hội không dành cơ chế này để phát triển nhà ở xã hội mà chỉ dành cơ chế cho NOTM.

"Tại sao không dành quỹ đất, nghị quyết thí điểm chính sách để phát triển nhà ở xã hội mà người dân đang rất cần. Chúng ta làm chính sách cho NOTM, trong khi có những đô thị bây giờ không có người ở", ĐB Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) thẳng thắn nói.

Làm chính sách cho nhà ở thương mại nhưng nhiều đô thị vẫn bỏ hoang- Ảnh 2.

Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy giải trình tại phiên thảo luận

ẢNH: GIA HÂN

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy cho biết, theo quy định tại luật Đất đai 2024, nhà đầu tư làm NOTM chỉ được thỏa thuận chuyển nhượng đất ở, đang có QSDĐ thì trong đó phải có đất ở. Còn với phương thức Nhà nước thu hồi đất cho dự án, luật Đất đai 2024 quy định chặt chẽ hơn trước, chỉ thực hiện với dự án có quy mô đất từ 20 ha trở lên.

"Đối với dự án NOTM có quy mô đất dưới 20 ha, theo quy định hiện hành sẽ không thể tiếp cận đất đai vì không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất cũng không thuộc diện nhận chuyển quyền hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu như trong diện tích ấy không có đất ở", ông Duy nêu và cho biết, mục đích ban hành nghị quyết là nhằm tháo gỡ vướng mắc này, tăng khả năng tiếp cận đất đai cho dự án NOTM.

Bộ trưởng TN-MT cũng khẳng định, dù thực hiện theo luật Đất đai hay thực hiện theo cơ chế thí điểm của nghị quyết thì tất cả các dự án đều phải tuân thủ quy hoạch và quy hoạch đó đã phải bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa và độ che phủ rừng ổn định là 42%.

TP.Huế sẽ tách thành 2 quận

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về việc thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư.

Một trong những nguyên tắc khi xây dựng đề án thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư là bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế, trong đó lấy bảo tồn làm cốt lõi để xây dựng và phát triển. Đồng thời, việc thành lập phải đảm bảo mục tiêu tinh gọn, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Sau sắp xếp, TP.Huế trực thuộc T.Ư sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm sáp nhập 2 huyện và thành lập 2 quận (Phú Xuân và Thuận Hóa) trên cơ sở TP.Huế hiện hữu.

Từ 1.7.2025 cho phép bán thuốc online

Chiều 21.11, với 426/430 ĐB tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược, có hiệu lực kể từ 1.7.2025. Một trong những điểm mới của luật sửa đổi, đó là cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử (TMĐT) trên sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng TMĐT bán hàng, website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến (gọi chung là bán thuốc online - PV). Việc bán lẻ thuốc online chỉ được áp dụng với thuốc không kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì được bán thuốc kê đơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.