Làm cô dâu Việt không nước mắt ở Hàn Quốc, Đài Loan

10/07/2019 14:30 GMT+7

Cô dâu Việt bị đánh ở Hàn Quốc, cô dâu Việt tử nạn ở Đài Loan, những tin tức thi thoảng lại xuất hiện trên báo đài. Lấy chồng nước ngoài có phải luôn đi cùng rủi ro, đâu là cách để cuộc hôn nhân không nước mắt?

Sống và làm việc tại Incheon, Hàn Quốc 10 năm, anh Nguyễn Văn Thường (hiện trú ở huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) cho biết đã gặp rất nhiều cô dâu Việt có cuộc sống tốt với người chồng Hàn.

Tối thiểu, phải biết tiếng

Theo anh Thường, những cô dâu Việt anh gặp ở Incheon phần nhiều kết hôn theo hình thức mai mối, họ đến từ nhiều vùng quê ở Việt Nam, trước khi sang Hàn Quốc sống cùng chồng, họ đều biết một ít tiếng Hàn, sau đó sang đây tiếp tục đi học thêm. “Tối thiểu nhất để có một cuộc sống hòa hợp với người mà mình kết hôn, các cô dâu Việt phải biết tiếng của người ta, rồi phong tục tập quán, những nghi thức tối thiểu trong gia đình, sau đó dần dần sẽ học thêm, nhưng nếu không biết tiếng thì thật sự để hòa nhập rất khó”, anh Thường nói.

Đường phố Incheon nơi anh Thường sinh sống 10 năm

Anh Thường cung cấp

Theo anh Thường, những người đàn ông Hàn Quốc lấy vợ Việt mà anh thường xuyên gặp gỡ, giao lưu thời gian làm việc tại đó là những người quyết đoán, nói là làm, luôn ưu tiên phụ nữ. “Nhiều vụ đàn ông Hàn Quốc bạo hành vợ Việt, nhưng đó không phải là tất cả, có rất nhiều người đàn ông tử tế, thương yêu vợ, con, dạy tiếng Hàn cho vợ, chia sẻ với vợ tất cả các công việc nặng nhọc. Chính phủ Hàn Quốc luôn ưu tiên phụ nữ, nếu phụ nữ sau khi sinh con, đi làm, luôn được ưu tiên công việc nhẹ hơn, để có thời gian cho gia đình. Một đặc trưng nữa mà nhiều cô dâu Việt nên lưu ý, đó là đàn ông Hàn Quốc không thích vợ của mình nói chuyện là mắt trợn trừng, lớn giọng, họ muốn người vợ, trước tiên hãy dịu dàng, mềm mỏng, nếu chồng nói nhưng chưa hiểu thì nên 'dạ, vâng' trước chẳng hạn”, anh Thường cho hay.

Phải hiểu văn hóa, trước khi kết hôn


Anh Hanri, quản trị viên của Fanpage Cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc, cho biết các cô dâu Việt đầu tiên cần phải biết ngôn ngữ cơ bản, văn hóa con người Hàn Quốc. “Khi các cô dâu Việt vừa biết tiếng Hàn, giao tiếp được, hiểu được văn hóa đất nước Hàn, những người chồng rất quý trọng. Còn khi không biết ngôn ngữ, văn hóa cũng không hay, rất khó có thể bắt kịp cuộc sống của họ. Nhiều cô dâu Việt có một cái 'tôi' quá lớn. Khi người chồng là người Hàn Quốc họ có thể nói lớn, nhiều khi gắt gỏng, bởi vì áp lực cuộc sống, công việc, hãy xem điều này là bình thường, đừng để bụng rồi trở thành mối tức giận lâu ngày trong người, dễ dẫn tới đôi co, mâu thuẫn lớn”, anh Hanri nói.
Trong khi đó, anh Thường, người sống ở Hàn Quốc 10 năm cho hay, cô dâu Việt nên chủ động học hỏi, có thể tìm thấy các lớp dạy tiếng, hòa nhập văn hóa tại các nhà thờ ở Hàn Quốc hoàn toàn miễn phí: “Nhiều cô dâu Việt là bạn bè của chúng tôi ở Hàn Quốc họ chịu khó học tiếng Hàn, học nghề, học văn hóa giao tiếp, lễ nghi, ví dụ như cách chào hỏi, cách cúi đầu, điều này cơ bản nhưng nhiều cô dâu Việt mới đầu chưa biết… Khi chịu bỏ cái 'tôi' xuống, chịu khó học hỏi, cần cù lao động, gặp được người chồng thấu hiểu, họ đã có những mái ấm rất hòa thuận”.

Chủ động học hỏi, chấp nhận khác biệt

Chị Nguyễn Thu Hằng, 28 tuổi, giáo viên tiếng Việt tại TP.Đài Bắc, Đài Loan, người kết hôn với người Đài Loan, hiện cả hai có cuộc sống hạnh phúc, cho rằng các cô dâu Việt, dù kết hôn với người nước ngoài, đang sống ở bất cứ quốc gia nào cũng nên nắm rõ luật pháp nước đó, chủ động tìm hiểu và biết được những thông tin của các đơn vị cứu trợ của nước sở tại, gặp phải vấn đề bị bạo hành,… có thể gọi tới đường dây nóng nào để xin hỗ trợ..., điều này chính là bảo vệ mình.
Khác biệt văn hóa, theo chị Hằng không phải là trở ngại lớn trong các cuộc hôn nhân, vì kể cả khi kết hôn với người trong cùng một nước đôi khi cũng sẽ xảy ra vấn đề khác biệt về thói quen, nề nếp sống… Chính vì thế, khi sống trong một môi trường mới, các cô dâu Việt cần tìm hiểu và làm quen với thói quen mới của những người trong gia đình chồng hoặc vợ. Khi bản thân mình có thể chủ động tìm hiểu và làm quen, chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của người khác; đồng thời thẳng thắn, tích cực chia sẻ những khó khăn của cá nhân, sẽ giúp cho mối quan hệ trong gia đình tốt hơn.

Hằng (áo đỏ) cùng các học viên lớp học tiếng Việt tại Đài Loan

Ảnh chị Hằng cung cấp

“Ví dụ mẹ chồng tôi (người Đài Loan) không thích ăn nước mắm, tôi lại không ăn quen xì dầu của Đài Loan, vậy là trên bàn ăn sẽ có 2 chén nước chấm. Ngay từ đầu tôi đã giải thích và chia sẻ với mẹ về thói quen ăn uống, mẹ tôi hoàn toàn tán thành việc này... Khi lập gia đình, hòa nhập văn hóa của một gia đình ở một quốc gia khác, cần tìm hiểu và thích ứng. Bản thân ai cũng cần chịu khó học hỏi và mạnh dạn trao đổi, đừng đề cao cái 'tôi'. Giống như mình mua cá cảnh mới về chẳng hạn, mình phải để cá trong túi, rồi ngâm trong bể một lúc để cá quen với nhiệt độ nước trong bể mới thả vào, nếu không nó sẽ bị sốc nhiệt độ hoặc không thích nghi môi trường mới”, chị Hằng chia sẻ.

Thay đổi định kiến “lấy chồng nước ngoài”

 
Chị Nguyễn Thu Hằng cho rằng là người Việt lấy chồng nước ngoài ít nhiều sẽ gặp phải những dị nghị và định kiến. Điều này không thể tránh khỏi, bởi đây là hệ lụy của việc “môi giới hôn nhân trước đây” để lại. Tuy nhiên chị từng tiếp xúc với những cô dâu Việt tích cực. Dù bị hiểu lầm hoặc khinh thường, nhưng họ luôn cố gắng tìm mọi cơ hội học tập và khẳng định mình. 
“Ở Đài Loan có rất nhiều lớp học miễn phí cho người di dân mới, như: lớp tiếng Trung miễn phí, lớp học trang điểm,… thậm chí có những lớp học từ tiểu học trở lên, tạo điều kiện cho phụ nữ đi học và có cơ hội học lên ĐH. Quá trình học tập và tiếp xúc với người mới, môi trường mới sẽ giúp các cô dâu Việt hiểu biết nhiều thông tin tốt hơn, chủ động công việc, tài chính, phát huy điểm tốt của bản thân...”, Thu Hằng chia sẻ.

Học luật để bảo vệ chính mình

Chị Phạm Thu Hà, 36 tuổi, định cư ở Đài Loan 16 năm, đang sống ở TP Đào Viên, thông dịch viên tự do, người nhiều lần giúp đỡ, hỗ trợ cho các cô dâu Việt kém may mắn tại đây cho biết, rất khó để nói trước những rủi ro trong hôn nhân ở bất cứ đâu, kể cả là kết hôn trong nước hay là kết hôn với người nước ngoài.
“Mỗi cô dâu Việt cần chuẩn bị trước, nếu xảy ra việc không may thì phải làm như thế nào để bảo vệ lấy mình, vì sẽ không ai biết trước tương lai sẽ ra sao. Lấy chồng nước ngoài không tránh khỏi bất đồng về nhiều thứ, nhất là những người lấy chồng nước ngoài qua môi giới, không có tình cảm. Trước khi lấy chồng nước ngoài, các cô dâu Việt nên học tất cả các luật căn bản về luật hôn nhân của nước sở tại mà mình sẽ lấy chồng và sinh sống ở đó. Đây là một phần để bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra bạo lực gia đình”, chị Phạm Thu Hà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.