Làm dâu miền Trung

31/10/2020 06:34 GMT+7

Tôi nhớ lần đầu được dắt về thăm nhà người yêu, bà ngoại tôi đã dặn dò đứa cháu gái vụng về đểnh đoảng là: Để ý nghen con, nhà người ta gốc miền Trung, khó tánh kỹ lưỡng lắm đó! Tôi “dạ” mà không khỏi lo âu hồi hộp.

Có phải do vậy, mà lúc mẹ chồng tương lai đưa cho tôi một cái khăn lau lớn, nói kèm một câu ngoại ngữ… “tiếng Trung”, tôi chỉ nghe hiểu chắc chắn được chữ “lau”. Bấy nhiêu là cũng đủ xài rồi! Tôi tự tin ngồi xuống, cầm cái giẻ ấy mà mạnh dạn lau nhà. Cuối cùng thì tá hỏa khi nghe chồng (chưa cưới) “dịch” lại, là: Trời ơi cái khăn lau chén sao con lại mang quăng xuống sàn!
Ấn tượng ban đầu khá bi đát thế, nhưng thật ra mẹ chồng tôi rất hiền. Nhiều năm làm con dâu mẹ, tôi chưa từng thấy mẹ giận dữ lớn tiếng với ai bao giờ. Những cãi cọ đành hanh duy nhất, chính là giữa “hai ông bà già” với nhau. Bố chồng tôi hơi gia trưởng, thích giữ tiền, lại có chút nóng nảy cộc cằn. Tôi tất nhiên là không ủng hộ lối sống ấy, từng nhiều lần tỉ tê “xúi” mẹ chồng làm một cuộc thay đổi hoành tráng. Nhìn cái cách mà mẹ nhường nhịn, chiều chồng con, mà tôi “mắc mệt”. Chẳng hiểu sao phải khổ thế. Ví như có lần khách ở quê lên mang cho con gà sống. Mẹ đem nấu cháo. Tới bữa cơm, cả gia đình đã ngồi vào bàn, thì bố chồng tôi tuyên bố “hôm nay kiêng không ăn gà”. Thế là giữa trưa nắng, mẹ chồng tôi tất tả đứng dậy, đội nón đi bộ ra chợ, mua một miếng thịt ba rọi về luộc vội cho chồng.
Nhưng dần dà tôi hiểu ra, vì đâu mẹ chồng tôi giữ mãi cái nết cam chịu, hy sinh, chịu thương chịu khó của người ngoài ấy, dù sống trong Sài Gòn cũng mấy năm rồi. Nhất là khi cuộc sống ngày càng tốt hơn, mà mẹ vẫn cần kiệm giản dị, hầu như chẳng sắm sửa gì cho riêng mình. Có món nào ngon, tốt, mẹ đều để dành cho chồng, con, rồi sau này là đám cháu…
Chính mẹ là người đã dạy tôi nấu nướng rành rẽ các món miền Trung mà chồng tôi ưa thích. Cá ngừ kho thơm, châm nhiều nước để ăn bún. Nem chua chợ Huyện, gỏi sứa, chả cá, mắm mực, dưa gang muối… Trong nhà lúc nào cũng thủ sẵn mấy ràng bánh tráng. Cái tiết mục “bánh tráng nhúng” cũng là một kỷ niệm khó quên của tôi ngày mới chập chững làm dâu. Mẹ bảo lặt rau nhúng bánh tráng ăn sáng, con. Tôi răm rắp làm theo, xong quay qua hỏi, ăn bánh tráng với gì hả mẹ? Thì rót chén nước mắm. Dọn mâm lên, tôi tiếp tục hỏi: Vậy ăn bánh tráng với gì để con chuẩn bị? Mẹ chồng tôi chưng hửng, còn tôi vẫn còn hoang mang: Có bánh tráng, có rau, có nước chấm rồi, nhưng ăn với cái gì?
Hóa ra, khác với miền Nam coi bánh tráng chỉ là “lớp vỏ”, “giấy gói”, người Trung xem bánh tráng là… lương thực. Chỉ cần có bánh tráng và nước chấm, là có thể phối hợp với bất kỳ cái gì có sẵn. Rau sống, măng hầm, thịt kho, cá chiên, trứng luộc trứng rán… gì cũng được.
Ban đầu lạ lẫm, sau tôi quen dần, chuyển trạng thái sang nghiện. Cái mùi mè thơm thơm trên cái bánh tráng mỏng ấy sao dễ ghiền quá. Tôi cũng lây cái tính tiết kiệm, siêng năng của mẹ chồng. Không lãng phí, xài hoang, ngay cả cái bịch ni lông đựng rác cũng có thể dùng lại. Mười năm tôi làm dâu, mẹ chồng một tay phụ tôi ẵm bồng chăm cháu. Lột vỏ tỏi, giã gừng xay nghệ, hầm chân giò… ngày tôi nằm ổ. Hôm mẹ mất, tôi mới hiểu cái nghĩa tào khang là thế nào, khi nhìn cảnh bố chồng cố thủ trong phòng, nhất định không chịu ra từ biệt mẹ. Ông lả người ngồi một chỗ, nước mắt cứ âm thầm chảy ra, không nghe một tiếng nấc...
Bố chồng tôi bệnh nhiều năm trước khi đi theo mẹ. Từng ấy ngày tháng, chồng tôi một tay chăm bẵm lo toan. Anh là người có một chén cơm thì sẽ dành cho bố trước. Rồi tới con. Xong là vợ. Cuối cùng mới là bản thân. Lấy chồng người Trung, bạn hẳn sẽ bất ngờ khi nhận được sự đối xử rưng rưng dành cho gia đình bên vợ. Không nề hà kiểu cách, chẳng phô trương nói nhiều. Cứ lầm lũi kiệm lời, mà “Thằng rể dễ nhờ dễ sai còn hơn cả con trai ruột”. Đây là câu cảm ơn gián tiếp má tôi dành cho chàng rể người Trung. Sau gần hai mươi năm làm dâu người Trung, từng đi qua cả những lúc chênh chao, tôi hiểu, má tôi đã nhận được về sự an lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.