Qua phản ánh của người dân, ngày 13.4, PV Thanh Niên đến thôn Gần Reo, chứng kiến cảnh người dân sống gần mỏ đá Gần Reo phản ánh đang phải chịu khổ vì tiếng ồn từ việc khai thác đá, chế biến cùng việc vận chuyển đá diễn ra ngày đêm trong nhiều năm qua.
Bụi mịt mù và tiếng ồn "tra tấn"
Quan sát của PV, tại mỏ đá có nhiều máy móc, phương tiện hoạt động, đứng cách xa khoảng 500 m vẫn nghe tiếng máy xay đá vận hành.
Con đường dân sinh trục chính qua thôn Gần Reo xe chở đá liên tục ra vào, hằng ngày người dân sống 2 bên đường phải gánh chịu bụi mù mịt, rung chấn do những xe tải lớn chở đá chạy qua.
Còn những hộ dân sống dọc con đường từ ngã ba nhà thờ của thôn đi vào mỏ đá Gần Reo, ngoài việc hứng bụi mù còn phải chịu tiếng ồn "tra tấn" từ sáng sớm đến chiều tối từ việc khai thác, chế biến đá.
Ông Lê Quang Vương (nhà gần mỏ đá Gần Reo) cho biết, gia đình ông phải chịu tiếng ồn, bụi mù từ nhiều năm qua. Vườn cà phê, vườn canh tác rau của gia đình ông và các hộ dân khác lấm lem bụi đất, đá. Ông mong muốn chủ đầu tư sớm trải nhựa con đường để thoát cảnh bụi mù mùa nắng, sình lầy mùa mưa.
Còn hộ ông Trương Thành Tư thì cho biết, vườn canh tác xà lách của gia đình ông ngoài việc hứng bụi, đá dăm từ đường tràn xuống vườn, vào mùa mưa nước còn chảy từ đường xuống ngập hết vườn.
Hứa làm đường nhưng cả chục năm không thấy
Ông K'Preo, nguyên Trưởng thôn Gần Reo, cho biết tình trạng mỏ đá Gần Reo gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm qua khiến người dân rất khổ cực. "Mỏ đá khai thác cả ngày có khi cả ban đêm. Xe chở đá đi tiêu thụ chạy cả đêm, mỗi khi qua ổ gà gây rung chấn khiến nhiều nhà sống 2 bên trục đường bị ảnh hưởng", ông K'Preo nói.
Cũng theo ông K'Preo, trước đây khi ông còn làm trưởng thôn, có cuộc họp UBND xã Liên Hiệp và chủ mỏ đá hứa sẽ làm đường nhựa cho bà con. Tuy nhiên, đến nay cả chục năm trôi qua nhưng không thấy làm đường.
Xung quanh vấn đến này, ông Huỳnh Thanh Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết, để trải nhựa con đường đi vào mỏ đá có 9 hộ phải thu hồi đất với diện tích gần 1.300 m2. Tuy nhiên do bà con chưa thống nhất giá đền bù nên chưa thể thực hiện.
Cũng theo ông Vũ, mỏ đá Gần Reo hiện do Công ty TNHH Tín Thái đang khai thác (trước đây mỏ đá này thuộc Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt). Theo giấy phép môi trường mà UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho chủ đầu tư, mỗi năm mỏ đá này được phép khai thác 100.000 m3 đá nguyên khối. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu đơn vị khai thác phải bảo đảm giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung và các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Cụ thể, yêu cầu bố trí thời gian khai thác phù hợp, các máy móc có tiếng ồn lớn không vận hành trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; hạn chế hoạt động đồng thời các máy móc có độ ồn cao.
Ngoài ra, mỏ đá phải gắn biển báo giao thông khu vực nội và ngoại mỏ. Trong quá trình vận chuyển các xe phải được phủ bạt kín thùng xe để hạn chế rơi vãi, phát tán bụi ra môi trường.
Cũng theo người dân, thời gian gần đây, chủ mỏ đá có cho phun nước con đường dân sinh mà xe chở đá chạy qua, tuy nhiên do trời nắng nóng và cường độ xe chạy lớn nên việc này như "muối bỏ bể". Vì thế, các hộ dân vẫn phải hứng bụi mỗi ngày.
Một số hình ảnh môi trường bị ảnh hưởng xấu do việc khai thác và vận chuyển đá ở Gần Reo.
Bình luận (0)