Lâm Đồng đối mặt với hạn hán

17/03/2015 09:34 GMT+7

Tỉnh Lâm Đồng đang bước vào cao điểm mùa khô hạn, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp thiếu nước tưới, người dân đang dốc sức chống hạn.

Tỉnh Lâm Đồng đang bước vào cao điểm mùa khô hạn, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp thiếu nước tưới, người dân đang dốc sức chống hạn.

 
Nông dân Lâm Đồng chủ động khoan giếng để cứu hạn cho cà phê Nông dân Lâm Đồng chủ động khoan giếng để cứu hạn cho cà phê - Ảnh: Lâm Viên
Nhiều hồ nước cạn kiệt
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 217 hồ chứa, 86 đập dâng. Hiện nay mực nước các hồ chứa trung bình thấp hơn cùng kỳ các năm hơn 25cm. Tại các huyện, thành phố trong tỉnh, các hồ chứa vừa và nhỏ mực nước đều xuống thấp, nhiều hồ đã xuống dưới mực nước chết hoặc cạn kiệt. Mực nước của một số hồ thủy lợi lớn như hồ Đạ Tẻh (H.Đạ Tẻh), hồ Đắk Lông Thượng (H.Bảo Lâm), hồ Ka La (H.Di Linh), Tuyền Lâm (TP.Đà Lạt)… đều ở dưới mực nước dâng bình thường vài mét. Còn sông Đồng Nai, đoạn chảy qua tỉnh Lâm Đồng, mực nước đã xuống dưới mức “min”, không đủ cột nước bơm khiến ba trạm bơm điện lớn trên đoạn sông này gồm trạm Đức Phổ, Phù Mỹ, Phước Cát (H.Cát Tiên) phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân, do các nhà máy thủy điện dọc sông Đồng Nai tích nước, điều tiết nước không hợp lý, không xả nước về hạ lưu.
Ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, cho biết thêm một số hồ chứa, đập dâng bị hư hỏng, bồi lấp trong nhiều năm qua nhưng địa phương không có kinh phí để duy tu, sửa chữa, còn nguồn kinh phí xin T.Ư hỗ trợ (57 tỷ đồng) trong năm 2015 vẫn chưa được bố trí. Cũng theo ông Ngôn, nếu nắng nóng kéo dài tình hình hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến hàng ngàn ha cây trồng.
Tận dụng mọi nguồn nước cứu cà phê
Ngay sau những ngày nghỉ tết, nhiều hộ dân H.Di Linh, vùng trọng điểm trồng cà phê đồng loạt “ra quân” chống hạn, tưới nước đợt hai cho cây cà phê. Theo Phòng Nông nghiệp H.Di Linh, những vùng bị khô hạn nặng, thiếu hụt nguồn nước cao gồm xã Gia Bắc, Sơn Điền, Tam Bố, Tân Nghĩa… người dân phải dựng lều, thức thâu đêm để bơm nước tưới cây. Ông K’Sim (thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa) cho biết gia đình ông có 7 sào cà phê nhưng để hoàn thành một đợt tưới phải mất ba ngày. “Do nguồn nước cạn kiệt, cứ tưới được hai tiếng đồng hồ thì phải dừng năm tiếng chờ đợi mới có nước tưới tiếp” - ông K’Sim cho biết. Theo thống kê của H.Di Linh, toàn huyện có gần 42 ngàn ha cà phê nhưng chỉ có 48 công trình thủy lợi bao gồm các hồ chứa, đập dâng, chỉ đảm bảo nước tưới cho khoảng 7 ngàn ha cây trồng các loại. Trước thực tế này, những năm qua người dân Di Linh đã chủ động đào 4.000 ao hồ tích nước, hơn 900 giếng khoan để tận dụng nguồn nước ngầm tưới cho cây cà phê và một số cây trồng khác. Thế nhưng, trong đợt tưới thứ hai rất quan trọng này, nguồn nước chỉ đáp ứng được khoảng 66% diện tích cà phê toàn huyện. Do đó huyện Di Linh chủ động điều tiết lại lịch xả nước của các hồ, đập, vận động nhân dân nối nhiều máy bơm để tưới chống hạn cho diện tích cà phê ở vùng cao hoặc xa nguồn nước. Tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng… người dân chủ động khoan giếng để tìm nguồn nước cứu hạn.
Giải pháp chống hạn lâu dài, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Công thương chỉnh sửa, bổ sung và qui định rõ một số nội dung trong qui trình vận hành thủy điện Đồng Nai 4, ưu tiên cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kiến nghị Cục Tài nguyên môi trường sớm xây dựng qui trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên lưu vực sông Đồng Nai, làm cơ sở cho các nhà máy thủy điện vận hành xả nước phục vụ tưới và chống hạn. Bên cạnh đó đề nghị T.Ư hỗ trợ kinh phí để gia cố, nạo vét các hồ đập; nhân rộng mô hình nhóm hộ đào ao cứu hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.