Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng, diễn ra chiều tối 20.12, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu kiên quyết xử lý cán bộ kiểm lâm, chủ tịch UBND các xã bao che, tiếp tay cho việc việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng…và khẳng định không có vùng cấm.
Hiện trường vụ phá rừng bạch tùng ở TK 249, H.Lâm Hà (Lâm Đồng) |
lâm viên |
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, so với năm 2020, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 190 vụ, tương ứng giảm 28%; diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng giảm 9,53% ha, tương ứng giảm 21%; lâm sản thiệt hại giảm 472 m3, tương ứng giảm 19%. Tuy nhiên, có nhiều vụ vi phạm luật quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là các vụ lấn chiếm đất rừng, phá rừng đều không được phát hiện ngay từ đầu, và có 34% số vụ “vắng chủ” nên công tác điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Đối với công tác trồng rừng, thực hiện kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh, các địa phương trong toàn tỉnh đã trồng được hơn 6 triệu cây xanh các loại, đạt 179,4% so với kế hoạch được UBND tỉnh giao.
Năm 2021 tỉnh Lâm Đồng trồng được trên 6 triệu cây xanh các loại |
lâm viên |
Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đánh giá, tuy số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm, nhưng tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng vẫn còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương như: Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương, Đức Trọng… Ông Hiệp khẳng định có sự bao che, tiếp tay của lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng và chính quyền các xã nên rừng mới bị phá và lấn chiếm.
Rừng dổi ở vùng giáp ranh huyện Lạc Dương - Lâm Hà bị triệt hạ hàng loạt |
lâm viên |
Do đó, ông Hiệp yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng, có hình thức kỷ luật phù hợp với 3 Hạt trưởng hạt kiểm lâm Đam Rông, Lâm Hà và Lạc Dương; các chủ tịch xã có rừng bị phá, lấn chiếm. “Phải kiên quyết xử lý không có vùng cấm”, Ông Hiệp nhấn mạnh.
Kiểm tra hiện trường vụ cưa hạ rừng thông ở H.Lạc Dương |
lâm viên |
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao nhiệm vụ trong năm 2022 mục tiêu là phải giảm từ 25 - 35% số vụ, số diện tích và số lâm sản thiệt hại so với năm 2021, chứ không chỉ giảm 10% như Sở NN-PTNT đưa ra. Yêu cầu Công an tỉnh tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng trong công tác kiểm tra, truy quét ngăn chặn các điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp. “Yêu cầu các đơn vị Công an, Viện KSND, TAND tỉnh Lâm Đồng chủ động và tăng cường phối hợp điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng”.
Bình luận (0)