Lạm dụng án phạt 200.000 đồng: Phạt cho vui?

25/08/2019 10:14 GMT+7

Việc lạm dụng án phạt 200.000 đồng khiến án phạt này trở nên hài hước...

Việc lạm dụng án phạt 200.000 đồng cho nhiều hành vi vi phạm khác nhau về tính chất, khiến án phạt này trở nên hài hước và bị rất nhiều người phản đối, chưa kể không đủ sức răn đe do mức phạt chỉ “gãi ngứa”, cho có.

Nữ cán bộ công an mạt sát người, “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất

Cùng hành vi, hai mức phạt ?

Trong quyết định cấm bay ban hành ngày 24.8, Cục Hàng không VN cho biết, nữ cán bộ Công an Q.Đống Đa (Hà Nội) Lê Thị Hiền (36 tuổi) không chỉ mạt sát, xúc phạm nữ nhân viên hàng không, khi bị ngăn cản bà này còn chửi bới, túm tóc, đạp vào người nhân viên an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật, gây rối tại sân bay theo các điểm a, e, khoản 1, điều 18 Nghị định 92/2015/NĐ-CP.
Nếu chiểu theo các vi phạm này, bà Hiền vi phạm điều 26, Nghị định 162 và có thể chịu các mức phạt hành chính từ 1 - 3 triệu đồng (hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không) hoặc 3 - 5 triệu đồng (hành vi gây rối mất an ninh, trật tự mà chưa đến mức truy cứu hình sự), hoặc 7 - 10 triệu đồng (hành hung nhân viên hàng không).
Điều đáng ngạc nhiên là thời điểm vi phạm hôm 11.8, dù gây rối kéo dài vài tiếng tại sân bay, với các clip bằng chứng đầy đủ, Cảng vụ hàng không miền Nam đã không hề xử phạt bà Lê Thị Hiền theo đúng chức trách và quy định vi phạm trong lĩnh vực hàng không, mà đẩy vụ việc sang cho Đồn công an Tân Sơn Nhất. Tại đây, bà Hiền chỉ bị xử phạt theo khoản 1, điều 5 Nghị định 167 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội với mức phạt 200.000 đồng.

Luật sư lý giải mức phạt 200 nghìn với nữ đại úy công an “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất

Trong khi đó, cũng với hành vi xúc phạm, chửi bới nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng vụ hàng không miền Nam đã phạt 4 triệu đồng với một hành khách Đài Loan hôm 11.8, hoặc với nữ hành khách L.T.M vào tháng 2.
Có 2 vấn đề đặt ra với án phạt dành cho bà Hiền. Thứ nhất, tại sao Cảng vụ hàng không miền Nam không xử phạt theo Nghị định 162? Thứ hai, vụ vi phạm của bà Hiền diễn ra hôm 11.8, nhưng tới 17.8, Đồn công an cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mới đưa ra Quyết định số 0022055/QĐ-XPHC, nhưng quyết định này tới tận 23.8 cũng chưa tới tay bà Hiền thì liệu có phải phạt cho vui?
Theo luật sư Phạm Thanh Bình, Văn phòng luật sư Hồng Hà (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi của bà Hiền phải bị xử phạt theo Nghị định 162 về vi phạm an ninh hàng không. “Việc áp dụng mức phạt nhẹ hơn với bà Hiền đặt ra vấn đề có việc xuê xoa của các cơ quan liên quan hay không, nếu vi phạm của bà Hiền diễn ra bên ngoài sân bay phạt 200.000 là đúng, nhưng diễn ra trong khu vực đặc thù là sân bay thì mức phạt này là không chính xác”, ông Bình nói.

Nữ cán bộ công an mạt sát nhân viên quầy check-in vì hành lý quá cân

Nghịch lý hài hước

Trên thực tế, những bất cập trong quy định xử phạt cũng đang tạo nên những nghịch lý hài hước nhưng khá đáng buồn, như tiểu bậy bị phạt 2 triệu đồng, quấy rối, cưỡng hôn lại chỉ phạt 200.000 đồng.
Cụ thể, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, tiểu bậy bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng, trong khi những hành vi như quấy rối tình dục, có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác lại chỉ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trước đó, vụ ông Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi, Hải Phòng) chỉ bị phạt 200.000 đồng khi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư Golden Palm (Hà Nội) hồi tháng 3 từng gây bức xúc dư luận. Theo luật sư Bình, nếu với trường hợp bà Hiền là lỗi do cơ quan chức năng phạt “không đúng tội” thì với những trường hợp quấy rối như trên, mức phạt trong quy định hiện hành đang quá nhẹ, trong khi các hành vi quấy rối lại đang có dấu hiệu gia tăng.
Ông Bình cho rằng, bên cạnh việc cần xem xét bổ sung các hành vi quấy rối tình dục vào các nghị định, để tạo công bằng, cơ quan xử phạt cũng phải đưa ra mức phạt đúng tội, đúng thời điểm, tránh tình trạng cùng tội mỗi người bị một mức phạt, khiến dư luận nghi ngại và phản ứng.

Nữ cán bộ công an chửi nhân viên an ninh sân bay

Gây rối ở sân bay phải lãnh án tù

Hồi tháng 2, một du khách người Anh lãnh án 6 tháng tù giam về tội chống đối người thi hành công vụ, tấn công tinh thần bằng lời nói đối với nhân viên quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay ở Bali, Indonesia. Nhân viên phát hiện bà Taqaddas ở lại Bali quá thời hạn visa cho phép, mời vào văn phòng làm việc thì lập tức bị người này chửi bới, lăng mạ và tát vào mặt. Một nhân viên khác trong lúc dùng điện thoại ghi hình vụ việc cũng bị nữ du khách buông lời chửi bới và xúc phạm. Trước đó, các công tố viên đã đề nghị mức án 1 năm tù giam.
Tại Mỹ, vợ chồng Ida Shafir (67 tuổi) và Nick Bogomolsky (61 tuổi), mỗi người đã bị truy tố tội chống đối người thi hành công vụ và tấn công tinh thần bằng lời nói đối với nhân viên Hãng hàng không Delta tại sân bay John F.Kennedy (TP.New York) hồi tháng 2, theo Fox News. Do các khoang để hành lý xách tay không còn chỗ nên nhân viên Hãng Delta đề nghị hỗ trợ ký gửi miễn phí. Tuy nhiên, cặp vợ chồng không đồng ý, lăng mạ, đánh, cắn nhân viên và cố tước súng của lực lượng an ninh sân bay. Ở Mỹ, tội chống đối người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt 5.000 - 250.000 USD cùng án tù 1 - 5 năm, còn tội tấn công tinh thần bằng lời nói tùy theo mức độ thì từ 1 năm tù giam cùng 500 USD tiền phạt trở lên. Anh cùng các nước châu Âu cũng có khung hình phạt tương đương.
Phúc Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.