Lạm dụng học thêm sẽ triệt tiêu năng lực tự học và tư duy

28/09/2022 08:30 GMT+7

Học thêm không hẳn xấu, nếu trò muốn cải thiện kiến thức còn thiếu hụt hoặc nâng cao năng lực phục vụ cho các đích đến cao hơn về học vấn. Nhưng học thêm đang bị lạm dụng một cách vô bổ, tiêu cực và đáng báo động.

Vấn nạn học thêm tràn lan không chỉ cướp mất tuổi thơ của thế hệ trẻ, khiến phụ huynh vất vả với gánh nặng chi phí học hành mà điều đáng lo hơn nữa là: Năng lực tự học và tư duy của trẻ bị mài mòn, bị triệt tiêu.

Tự học là kỹ năng quan trọng trong hành trình lớn khôn của mỗi người. Ý thức tự học, thói quen tự học, phương pháp tự học sẽ dần vun bồi từ tấm bé nếu đứa trẻ được người lớn chăm chút cẩn trọng trong việc hình thành niềm hăng say học tập, khám phá tri thức, chiếm lĩnh năng lực. Mỗi học sinh (HS) cần nhận thức được ý nghĩa của việc học, trách nhiệm của HS phải hoàn thành bài tập, khát vọng vượt khó vươn lên trên hành trình làm bạn với con chữ…

Hầu hết các học sinh hiện nay đều đi học thêm

ngọc dương

Tiếc rằng, chúng ta đang chứng kiến một bức tranh hoàn toàn trái ngược: Trẻ 5 tuổi đã buộc rời lớp mầm non gửi đi học chữ trước khi vào lớp 1, trẻ tiểu học sau ngày dài bán trú ở trường vội vàng ôm cặp đến nhà cô giáo rèn luyện thêm, trẻ lớn hơn xoay vần với bạt ngàn lớp học thêm các môn văn hóa. Tình trạng một số giáo viên đứng lớp ép HS đăng ký học thêm là có thật, nên mới có tình huống bi hài: Nộp tiền có mặt ở lớp học thêm của giáo viên chính thức nhưng học điều hay, luyện bài tốt ở địa chỉ uy tín khác.

Gánh nặng chi phí học hành dồn lên phụ huynh. Áp lực học hành trở thành nỗi ám ảnh trong lòng con trẻ. HS phải cắt xén giờ ăn, chơi, ngủ, nghỉ để dành trọn cho việc học. HS bị cướp khoảng thời gian cần thiết để học kỹ năng sống, vun đắp kỷ niệm đẹp với mọi người xung quanh. Và quan trọng là đánh rơi dần thói quen tự học, năng lực tư duy.

Tình trạng học thêm tràn lan và dạy trước chương trình khiến HS lên lớp chẳng hứng thú với giờ học, bởi đã luyện kiến thức, làm bài tập ở lớp học thêm. Tư tưởng chủ quan nảy sinh, thái độ học tập uể oải hiện diện trong một bộ phận người học khiến giáo viên đứng lớp rất vất vả để thực hiện các bước lên lớp cho toàn thể HS. Kiến thức trong chương trình có vẻ thông suốt nhưng chỉ cần giáo viên đổi số liệu, thay yêu cầu là HS rối tinh lên bởi kiểu “học tủ”, “học vẹt” đã ăn sâu mọc rễ.

Càng học thêm nhiều, HS dường như lười tư duy hơn, ít chịu khó suy nghĩ, ngần ngại khám phá một hướng giải quyết vấn đề mới. Bởi tất tần tật những yêu cầu trong sách giáo khoa đã có lò luyện “mớm” trước bài, giáo viên dạy thêm tạo “khuôn mẫu”, trò cứ thế mà “cóp” và “dán”.

Niềm hứng thú học tập bị mài mòn, lòng say mê chinh phục từng đỉnh cao kiến thức và kỹ năng bị triệt tiêu, thử hỏi năng lực tự học cũng như tư duy làm thế nào để nhen nhóm lên và biến thành động lực phấn đấu, vượt khó?

Thực tế buồn ấy đang hiện diện đầy nhức nhối trong nhà trường phổ thông, đi ngược với chủ trương lấy người học làm trung tâm, cản trở khát vọng nâng cao năng lực tự học, tư duy phản biện và sáng tạo của người học. Dạy học thêm tràn lan, biến tướng cần nhanh chóng đấu tranh loại bỏ để trả lại trọn vẹn bức tranh giáo dục khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.