Làm đúng, nói đúng

Ai mà không cảm thấy bất an khi đọc tin về chuyện 'hai cô gái uống nước trong quán' bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội chỉ vì quên không mang giấy tờ tùy thân?

Nghe như thể người thi hành công vụ xem thường pháp luật tới mức ngang ngược.
Và cũng chẳng ai không nhảy dựng lên khi nghe chuyện cán bộ phường tự tiện bẻ khóa xông vào nhà dân bắt đi 9 con gà Đông Tảo. Nghe cứ như thể người thi hành công vụ xem thường người dân tới mức lộng hành.
Chẳng còn gì có thể nói thêm về cách hành xử đó của nhân viên công vụ ngoài hai chữ: sai rồi!
Không sai sao được, khi anh xem thường giá trị và nhân phẩm của người dân tới mức dễ dàng đẩy người ta vào trung tâm bảo trợ xã hội. Lý do trực tiếp chỉ là vì không xuất trình được giấy tờ tùy thân để chứng minh tư cách công dân và danh dự của mình.
Không sai sao được, khi anh có thể tùy tiện xâm nhập gia cư của người dân bằng một cách thức rất khó hình dung là của chính quyền. Những quyền cơ bản của người dân trong trường hợp này dường như bị xâm phạm nghiêm trọng, bao gồm quyền tài sản và quyền nhà ở.
Nhưng tại sao lại có thể sai một cách khó hiểu như thế?
Trước hết có lẽ là do nhận thức. Rằng khi làm một việc được xem là đúng đắn, tốt đẹp thì mặc nhiên có quyền bất chấp thủ đoạn, cách thức. Nhất là trong trường hợp nhân danh chính quyền nữa.
Chính quyền yêu cầu người dân không nuôi nhốt gà trong khu vực dân cư đô thị đông đúc để bảo đảm vệ sinh, tránh việc bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến cộng đồng, xét ra, là một việc đúng đắn và rất đáng ủng hộ. Người dân nào vì lợi ích, sở thích riêng của mình mà đi ngược lại với chủ trương vì sức khỏe cộng đồng cần được chính quyền can thiệp điều chỉnh. Nhưng chọn lối can thiệp, điều chỉnh bằng cách bẻ khóa để thu giữ tài sản thì đó chỉ có thể là cách thức hợp với thời chiến mà thôi. Những cách giàu sự tôn trọng và hợp tác với người dân hơn như thuyết phục, nhắc nhở, cảnh báo, lập biên bản xử lý công khai có làm chứng của cộng đồng sao lại không được sử dụng?
Người dân không có giấy tờ tùy thân mà lại không hợp tác đầy đủ với chính quyền để tự chứng minh danh dự của mình là một hành xử không phù hợp trong xã hội hiện đại. Nhưng ngay cả như thế thì người thi hành công vụ cũng có thể có những cách thức điều chỉnh khác phù hợp hơn việc đẩy họ ngay vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Ngay như chuyện ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM trong lúc tranh luận nóng nảy thốt ra câu nói gây tranh cãi “về rừng U Minh mà sống” có lẽ cũng cùng cách nghĩ như thế.
Làm việc đúng nhưng phải bằng những cách thức đúng, đó là bài học lớn mà nhân viên công vụ cần thấm thía để thực hành trong tiếp xúc công dân, nhất là trong bối cảnh người dân được “vũ trang” về phương tiện truyền thông, mạng xã hội như hiện nay.
Làm trúng - nói trúng chưa đủ, còn phải học cách làm đúng - nói đúng với dân nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.