Lạm dụng thuốc giảm đau, ăn uống thất thường, cô gái bị thủng dạ dày

19/12/2024 09:49 GMT+7

Nữ sinh viên K.L (20 tuổi, quê Phú Yên, ngụ TP.HCM) đột ngột bị đau bụng dữ dội nên được bạn học đưa vào bệnh viện gần nhà cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là u nang buồng trứng bên phải kèm xuất huyết. Tuy nhiên, sau đó cơn đau của em không cải thiện mà càng lan rộng và dữ dội hơn. Người nhà quyết định chuyển đến Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn điều trị.

Ngày 18.12, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Vũ Quang (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, người bệnh được chụp CT và cho kết quả có dịch và khí tự do trong ổ bụng lượng nhiều. Đây là dấu hiệu điển hình của viêm nhiễm lan rộng toàn bộ màng bụng do thủng dạ dày, một tình trạng cần được phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức.

Ê kíp nhanh chóng tiến hành phẫu thuật nội soi để khâu thủng dạ dày, rửa sạch ổ bụng. Các bác sĩ tạo 3 lỗ nhỏ trên bụng, khéo léo khâu lỗ thủng dạ dày và rửa sạch ổ bụng. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm. Trong thời gian hậu phẫu, người bệnh được tiếp tục điều trị nội khoa chống viêm dạ dày để tránh nguy cơ thủng dạ dày tái phát. Sau 5 ngày, người bệnh đã hồi phục và xuất viện.

Bác sĩ Quang cho biết thủng dạ dày là biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày - tá tràng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nhanh chóng gây viêm phúc mạc (lớp lót bên trong thành bụng) do dịch dạ dày sẽ tràn vào ổ bụng gây viêm nhiễm lan rộng. Nếu chậm trễ người bệnh sẽ rơi vào sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ.

Nếu trước đây người bệnh bị viêm phúc mạc toàn thể trong ổ bụng phải trải qua cuộc mổ mở với đường mổ dài dọc theo đường giữa bụng thì hiện nay phẫu thuật nội soi mang lại nhiều ưu điểm vượt trội. Điển hình là sẹo mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, giảm đau, rút ngắn thời gian hồi phục và giảm thiểu nguy cơ dính ruột.

Lạm dụng thuốc giảm đau, ăn uống thất thường, cô gái bị thủng dạ dày- Ảnh 1.

Các bác sĩ trong quá trình can thiệp khâu dạ dày cho bệnh nhân

ẢNH: THU HẰNG

Không tự ý lạm dụng thuốc giảm đau, ăn uống thất thường

Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, do đi học xa nhà nên L. thường xuyên ăn uống thất thường dẫn đến viêm loét dạ dày mạn tính. Tuy nhiên, mỗi lần đau L. sẽ ráng chịu qua cơn hoặc mua thuốc giảm đau về nhà tự uống mà ít khi thăm khám điều trị.

Theo bác sĩ Quang, trường hợp bệnh nhân trên là một ví dụ cho thấy hậu quả nghiêm trọng của việc tự ý dùng thuốc giảm đau lâu ngày dẫn đến tình trạng nguy hiểm phải nhập viện. Các loại thuốc giảm đau, đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm không steroid, có thể gây tác dụng phụ tổn thương niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ loét và thủng dạ dày. Thay vì tự ý dùng thuốc, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp.

"Tuyệt đối không được uống thuốc giảm đau khi đói vì có thể gây viêm, loét dạ dày, nặng hơn là xuất huyết, thủng đường tiêu hóa. Để bảo vệ dạ dày, các loại thuốc giảm đau nên được uống sau khi ăn no. Người bệnh cũng không nên tùy tiện tăng liều thuốc giảm đau để phòng những biến chứng đáng tiếc", bác sĩ nhấn mạnh.

Bác sĩ Quang cho biết, viêm loét dạ dày không chỉ gây ra những cơn đau bụng đơn thuần. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm loét dạ dày có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến thủng dạ dày. Người bệnh nên có chế độ ăn lành mạnh, không bỏ bữa, hạn chế ăn các thức ăn chua, cay, không sử dụng các thức uống có tính chất kích thích dạ dày như rượu, bia, cà phê, nước có ga… Cần ngủ đủ giấc và tránh thức khuya. Thường xuyên tập thể dục, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu. Đặc biệt nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần khi đã được chẩn đoán là viêm loét dạ dày.

"Nếu có các biểu hiện của viêm loét dạ dày - tá tràng với các triệu chứng như nóng rát vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn), ợ hơi, ợ chua… hãy đến thăm khám để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm", bác sĩ khuyến cáo.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.