Lăng kính bạn đọc:

Làm gì để cao tốc thực sự là cao tốc?

M.Giao
(tổng hợp)
24/05/2023 05:37 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng tốc độ cho phép trên các tuyến cao tốc ở nước ta còn thấp, cần phải nâng tốc độ lên, và quan trọng hơn là phải luôn đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Như Thanh Niên đã thông tin, nhiều người vui mừng, hào hứng khi các tuyến cao tốc mới đi vào hoạt động, nhưng sau đó họ lại hụt hẫng khi tốc độ cho phép của các tuyến này vẫn khiêm tốn. Cụ thể, cả 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm chỉ được lưu thông với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tối thiểu 60 km/giờ.

Lăng kính bạn đọc: Làm gì để cao tốc thực sự là cao tốc ? - Ảnh 1.

Hệ thống đường cao tốc của VN vẫn được đánh giá là "thấp tốc", không đạt hiệu quả khai thác

T.N

Cục Đường cao tốc mới đây đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu khả năng nâng tốc độ tối đa cho phép đối với một số tuyến cao tốc đủ điều kiện kỹ thuật lên 90 km/giờ. Nhưng ngay cả khi đề xuất này được thông qua, hệ thống đường cao tốc của VN vẫn được đánh giá là "thấp tốc", không đạt hiệu quả khai thác.

Đưa vào khai thác từ tháng 2.2010, cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 61,9 km theo quy hoạch là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, mặt cắt ngang tuyến chính 8 làn cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc này giúp thời gian đi từ TP.HCM tới Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như trước đó. Thế nhưng đưa vào khai thác chưa được bao lâu, lưu lượng xe, số vụ tai nạn liên quan đến cao tốc tăng sau khi dừng thu phí vào đầu năm 2019 khiến tuyến đường đã phải giảm tốc độ tối đa từ 120 km/giờ xuống còn 100 km/giờ, tốc độ tối thiểu từ 80 km/giờ chỉ còn 60 km/giờ, chậm hơn cả quốc lộ.

Tương tự, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức cho xe chạy tạm dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2022, nhưng rất nhiều chủ phương tiện lưu thông qua tuyến đường này thắc mắc vì sao trục giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với khu vực ĐBSCL, khi khai thác chắc chắn mật độ xe rất lớn, nhưng chỉ có 4 làn xe, mặt đường quá hẹp, thậm chí còn không có làn khẩn cấp. Tốc độ lưu thông tối đa trên tuyến cao tốc này cũng chỉ đạt 80 km/giờ...

Trong khi đó, tại Mỹ hay châu Âu, hệ thống giao thông đường bộ chủ yếu là các tuyến cao tốc, tốc độ lưu thông rất cao (100 - 200 km/giờ), thậm chí một số nước có freeway không hạn chế tốc độ như Đức.

"Nhiều lúc chậm như rùa bò"

Nói về cao tốc ở VN, bạn đọc (BĐ) Mai Nguyễn kể: "Nhớ một lần đi công tác với một vài người Hàn Quốc trên xe, tôi hớn hở giới thiệu đây là cao tốc mới được xây dựng, rất tốt, chạy nhanh lắm, họ há hốc mồm không hiểu tôi đang nói gì. Đến đoạn có bảng đề dòng chữ freeway thì họ mới gật gật đầu… Tôi hỏi ở bên các anh có hay đi cao tốc không, họ nói: "Từ Seoul lên xí nghiệp là 300 km, chúng tôi đi trong 2 giờ hoặc 2 giờ 15 phút". Tôi nghe xong "tắt đài" luôn".

Nên nâng cao ý thức tham gia giao thông trước khi nâng cao tốc độ cho phép. Ra đường bây giờ ai cũng ngán ngẩm với kiểu lái xe đánh võng, tạt đầu để điền vào chỗ trống.

Thu Tran

Người tham gia giao thông bớt "khôn lỏi" sẽ tạo nên nét văn hóa đẹp và an toàn khi lưu thông.

N.Phong

Thu phí cao lên và tăng cường xử phạt nóng ngay và luôn ở các lối ra để bảo đảm các xe không bảo đảm an toàn, các tài xế không đủ kỹ năng lái xe an toàn không dám đi vào cao tốc.

Hoàng Lão Tà

BĐ S.A Plaza cho biết: "Tôi đã đi các cao tốc: Bắc Giang - Lạng Sơn, Cam Lộ - Túy Loan, Lộ Tẻ - Rạch Giá, TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang và nổi bật là Hà Nội - Lào Cai. Chỉ xin đưa ra một câu: Hãy bỏ tên cao tốc và đặt lại tên là "đường không có xe 2, 3 bánh và phương tiện thô sơ".

Cùng ý kiến, BĐ Nguyen PTV cho rằng: "Cao tốc ở VN, theo tiêu chuẩn của thế giới, thì cũng chỉ là cái đường bình thường thôi, chứ 100 - 120 km/giờ, thậm chí còn có 80 km/giờ thì không thể gọi là cao tốc được". BĐ An Vo Thanh thì thẳng thắn: "Cao tốc gì mà chạy nhiều lúc chậm như rùa bò".

Thiệt hại cho nền kinh tế

Để cao tốc thực sự là cao tốc, đó là mong muốn của nhiều BĐ trước thực trạng cao tốc hiện nay ở nước ta. Trong đó, nhiều BĐ lưu ý đến ý thức của người tham gia giao thông.

BĐ Doãn Minh Khang Duy góp ý: "Tốc độ trên cao tốc và các đường lớn ở nước ta thấp có nhiều nguyên nhân và tôi thấy một nguyên nhân quan trọng là ý thức của tài xế tham gia giao thông. Luật ghi rõ: xe chạy tốc độ thấp phải đi bên phải theo chiều đi của mình. Nhưng thực tế rất nhiều xe chạy rất chậm mà cứ chiếm làn bên trái, rồi xe đi dàn hàng ngang nữa, cản trở xe muốn vượt. Như vậy thì đường to cỡ nào cũng không thể đạt tốc độ lưu thông cao được".

Cùng bức xúc, BĐ Nguyen Long cho biết: "Hạ tầng chỉ là một phần, cái quan trọng nhất là ý thức của lái xe. Với ý thức của nhiều lái xe hiện nay, thì có đến 10 làn cũng vẫn cứ tắc như thường và còn mất an toàn". BĐ P.I thì lưu ý: "Cần lắm việc nâng cấp dạy lái xe. Phải biết ý thức từ lúc học, thì sau này tài xế mới có ý thức để mà lái".

Trong khi đó, BĐ Nguyen Huu Bieu nêu ý kiến: "Tốc độ lưu thông trên cao tốc chậm làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Tốc độ thấp dẫn đến phải tăng số lượng phương tiện vận tải, tăng lượng tiêu hao nhiên liệu, tăng khí thải gây ô nhiễm môi trường, tăng thời gian giao hàng… Tại sao không quy định là 120 km/giờ (tối đa) và 100 km/giờ (tối thiểu) hoặc chí ít là 120 km/giờ (tối đa), 80 km/giờ (tối thiểu) và xử phạt các xe chạy thấp hơn quy định 10%?". BĐ Thanhhieu0812 cho rằng: "Tình hình khai thác trên các tuyến cao tốc chưa đạt hiệu quả cao cho lưu thông. Nên đầu tư cho giai đoạn 2 càng sớm càng tốt".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.