Lần đầu giao KPI tăng trưởng cho các địa phương
Hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ ngày 5.2 vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng GRDP của một số địa phương được giao như Hà Nội là 8%, TP.HCM 8,5%, Bình Dương 10%, Đồng Nai 10%, Đà Nẵng 10%, Bà Rịa-Vũng Tàu 10% (trừ dầu thô, khí đốt), Quảng Ninh 12%, Hải Phòng 12,5%, Ninh Thuận 13%, Bắc Giang 13,6%...
Chính phủ cũng giao các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh thành tập trung nắm chắc diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; có tư duy đổi mới, đột phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và tăng trưởng GRDP của địa phương. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành, lĩnh vực theo hằng tháng, hằng quý; gửi Bộ KH-ĐT ngay trong tháng 2 để tổng hợp, theo dõi. Các đơn vị cũng sẽ báo cáo đánh giá tình hình thực hiện, cập nhật kịch bản tăng trưởng (nếu có) và kiến nghị, đề xuất giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng, gửi Bộ KH-ĐT trước ngày 25 hằng tháng.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng của 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương trong 1 năm. Trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn so với mức đạt được năm 2024. Điều này vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để mỗi ngành, địa phương phấn đấu, đồng thời thể hiện quyết tâm cao nhất của Chính phủ trong năm mới.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng đầu năm mới cho các ngành, địa phương là một cách tiếp cận khác so với trước đây, một cách điều hành vĩ mô khác của Chính phủ. Điều này là cần thiết trong bối cảnh cải cách thể chế và bộ máy nhà nước theo hướng hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực. Bản thân mỗi địa phương sẽ có động lực phát triển và sau khi có chỉ tiêu và cam kết thực hiện cần có cách làm mang tính đổi mới sáng tạo. Tránh sự cạnh tranh dàn trải, đồng đều. Sự phát triển đó để bền vững vẫn phải dựa trên sự đồng thuận của doanh nghiệp với thế mạnh cạnh tranh riêng. Đồng thời, không quên việc kết nối vùng và chia sẻ nguồn lực chung trong quá trình phát triển. "Sự hứng khởi và tự tin của nền kinh tế từ cú bứt phá ngoạn mục các mục tiêu tăng trưởng 2024 đã tạo niềm tin và kỳ vọng mới trong năm 2025 và các năm tiếp theo", TS Nguyễn Quốc Việt lạc quan.
Đa dạng hóa và làm mới các động lực tăng trưởng
Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên cho năm nay, chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành cho rằng đây là "mục tiêu thách thức". Bởi bức tranh toàn cầu năm 2025 có thể có một số điểm không thuận lợi cho phát triển kinh tế như xung đột địa chính trị và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Đó là chưa nói tới rủi ro biến đổi khí hậu đi kèm các thảm họa thiên tai cũng như quá trình phục hồi kinh tế tiếp diễn nhưng còn chậm chạp. Các đối tác kinh tế lớn của VN như Mỹ và Trung Quốc được dự báo có mức tăng trưởng năm 2025 chậm hơn so với năm 2024. Điều này có thể có tác động tiêu cực đến thương mại và xuất khẩu của VN. Trong điều kiện bên ngoài có thể không thuận thì các nhân tố bên trong, gồm tiêu dùng trong nước và chi tiêu công cần trở thành động lực chính cho tăng trưởng năm 2025.
Ông Thành phân tích: Tiêu dùng hiện chiếm trên dưới 70% GDP (tiêu dùng dân cư là 60% GDP). Do đó, tăng trưởng mạnh tiêu dùng sẽ bù đắp cho sự chậm lại trong xuất khẩu. Mặc dù việc cắt giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% được gia hạn thêm đến giữa năm 2025, nhưng chỉ biện pháp này có thể sẽ không đủ mạnh. Cần thêm các giải pháp về thủ tục xuất nhập cảnh, visa, quảng bá, phát triển sản phẩm… để du lịch VN trở nên thực sự hấp dẫn. Chính sách hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương và lao động mất việc làm, dôi dư trong tiến trình tinh gọn bộ máy Đảng, Nhà nước cũng cần được thực thi kịp thời, chu đáo. Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia.
"Theo Bộ KH-ĐT, giải ngân đầu tư công tăng 1% tương ứng với tốc độ tăng trưởng GDP tăng 0,058%. Ngoài ra, cứ 1 đồng vốn đầu tư công giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Các động lực tăng trưởng vào năm 2025 sẽ cần được đa dạng hóa hơn nữa, với những nỗ lực mạnh mẽ hơn để thực hiện hiệu quả các biện pháp kích thích tài khóa và hỗ trợ doanh nghiệp cũng như đầu tư vào hạ tầng. Điều này càng quan trọng khi dư địa chính sách tiền tệ trong hỗ trợ tăng trưởng có thể bị thu hẹp. Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư và khu vực tư nhân cần được vực dậy, củng cố qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và việc đảm bảo điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định", TS Võ Trí Thành chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đánh giá: Những rủi ro, thách thức chính năm 2024 và còn tiếp diễn trong năm 2025 như khủng hoảng địa chính trị gia tăng, khó đoán định; các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn thấp hơn so với trước dịch Covid-19 và chưa bền vững; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn dù đã dịu bớt… Vì vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2025, cần tiếp tục đẩy mạnh cách mạng về tinh gọn tổ chức - bộ máy, chống lãng phí; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm kịp thời tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về pháp lý, hoàn thuế GTGT, định giá đất, tiếp cận đất đai, vốn…
Song song đó, phải tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư công cũng như thúc đẩy tiêu dùng. Việc khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp mới như chip bán dẫn, AI, chuỗi khối, vật liệu mới... cũng phải được đẩy mạnh. Chính phủ phải tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế, phí, và các chính sách tín dụng - tiền tệ để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh hơn.
Đột phá về thể chế, tạo hứng khởi và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp
Không chỉ cần vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt tăng trưởng cao trong năm 2025, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu thực hiện được các giải pháp đồng bộ sẽ tạo đà để VN tăng trưởng dài hạn trên con đường bước vào kỷ nguyên mới. TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh để thực hiện mục tiêu rất cao, đầy thách thức này, các chính sách vĩ mô cần được ban hành một cách cẩn trọng, đánh giá kỹ tác động đa chiều và có lộ trình triển khai cụ thể. Thể chế và quản lý nhà nước cần tăng tính hiệu lực, hiệu quả do vậy cần hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. Đồng thời, thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu. Đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững. Tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, cũng như những rào cản trong môi trường kinh doanh, đảm bảo mọi chủ thể kinh tế đều thực sự được hoạt động bình đẳng, tự do kinh doanh theo cơ chế thị trường đầy đủ.
"Thực hiện các cải cách đột phá về thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tạo niềm tin và sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và sự tin tưởng vào môi trường kinh doanh của VN là một trong những yếu tố then chốt để doanh nghiệp trụ lại và phục hồi. Đây cũng là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng trở lại trong giai đoạn cực kỳ khó khăn vừa qua. Khâu đột phá này cần đi vào thực chất hơn nữa như tinh giản các chính sách, văn bản, quy định pháp luật hay giấy phép điều kiện kinh doanh cụ thể thế nào, không nên áp dụng kiểu tinh giản đồng phục, cơ học. Đảm bảo quyền tự do và bình đẳng trong kinh doanh, quyền tiếp cận tài sản, xây dựng đầy đủ luật chơi của nền kinh tế thị trường làm kim chỉ nam cho đột phá thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra điểm nghẽn về thể chế và thể hiện quyết tâm cải cách, tinh gọn bộ máy, đưa đất nước đứng trước cơ hội thay đổi mạnh mẽ. Nếu làm tốt, có lộ trình phù hợp, VN có thể đạt mức tăng trưởng cao cho giai đoạn 5 năm hay 10 năm sau nữa", TS Nguyễn Quốc Việt nhận định.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Đột phá về thể chế, cách mạng về tinh gọn tổ chức - bộ máy, chống lãng phí… là mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện nhanh. Đó là sớm hoàn thành các đề án sáp nhập, cơ cấu lại, tinh gọn tổ chức bộ máy và tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng và thực chất. Song song đó là đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, nhất là lãng phí (tập trung vào 5 lĩnh vực gồm đất đai, bất động sản, tài sản công, đầu tư công và tài nguyên). Chính phủ cũng cần thực thi cơ chế, chính sách đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ tâm và tầm, tinh thần trách nhiệm cao cùng với tiến trình cải cách tiền lương, cơ chế, chính sách tạo động lực, bảo vệ cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Song song đó Chính phủ cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, bình ổn thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội… Theo chuyên gia này, với những thành công quan trọng ban đầu, đột phá về thể chế sẽ tạo cơ sở để niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng nhanh.
Chuẩn bị các kịch bản tăng trưởng khác nhau
Mục tiêu và tính khả thi gắn với con số tăng trưởng GDP năm 2025 không chỉ đơn thuần là mối quan tâm về mặt định lượng. Chúng ta phải chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng khác nhau để vượt qua thách thức một cách hiệu quả. Trong bất cứ trường hợp nào, cải thiện điều kiện và niềm tin thị trường cùng ứng xử khéo léo trong quan hệ đối tác, nhất là với những đối tác quan trọng nhất, là điều cốt yếu. Quan trọng hơn, câu chuyện tăng trưởng năm 2025 cần được xem là việc tạo dựng nền tảng vững chắc để VN đột phá phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Điều này đòi hỏi thể chế phải được định hình chuẩn chỉnh cùng một bộ máy chính trị và bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả và việc triển khai nhanh chóng nhưng hợp lý các dự án kết cấu hạ tầng.
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành
Ở kịch bản cơ sở (xác suất 60%), kinh tế VN sẽ tăng trưởng khoảng 8% năm 2025. Kịch bản tích cực (xác suất 20%) tăng trưởng GDP có thể cao hơn, đạt 9 - 9,5% và kịch bản tiêu cực (20%) thì tăng trưởng kinh tế VN năm 2025 dự báo ở mức 7 - 7,5%.
Với kịch bản cơ sở, cùng với đà phục hồi tăng trưởng toàn cầu và tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024 cùng với quyết tâm đột phá thể chế; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được phát huy, khai thác hiệu quả cao hơn; ổn định vĩ mô được giữ vững, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 12%, đầu tư (gồm cả đầu tư công và tư) và tiêu dùng tăng cao hơn (từ 10 - 12%) so với năm 2024; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 10 - 12%; năng suất lao động tăng 6 - 6,5%, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP khoảng 45 - 48%; kinh tế số chiếm khoảng 16 - 18% GDP; hệ số ICOR ở mức 5 - 5,5 lần (thấp hơn giai đoạn 2011 - 2019)...
TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV
Bình luận (0)