Giải quốc nội xa lạ với xét nghiệm doping
Một thông tin rất buồn là lại có thêm 1 VĐV của tuyển điền kinh VN dương tính với chất cấm tại xét nghiệm mẫu A, nâng tổng số VĐV của đội bị nghi ngờ sử dụng doping tại SEA Games 31 lên thành 3 người - gần bằng số VĐV Việt Nam dính doping tại SEA Games 22 năm 2003 (4 người). Và sắp tới, con số này còn có thể cao hơn. Ca mới nhất của đội điền kinh VN bị phát hiện là VĐV nam cũng vừa giành HCV SEA Games 31. Hai đồng đội cùng tổ với anh ở tuyển điền kinh Việt Nam, một người giành HCV, người còn lại giành HCB.
Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc SEA Games 31 |
NGỌC DƯƠNG |
Những VĐV vi phạm bộ luật Phòng chống doping thế giới đứng trước nguy cơ bị kỷ luật rất nặng. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là thể thao Việt Nam phải làm gì để trong quá trình hội nhập với thể thao quốc tế, chúng ta tiến tới xóa sổ hoàn toàn tình trạng sử dụng doping (vì ngoài các ca bị phát hiện tại hai kỳ SEA Games do Việt Nam đăng cai, nhiều VĐV Việt Nam khác dính doping ở một số giải đấu quan trọng của thế giới, châu lục).
Thể thao đỉnh cao Việt Nam có 41 môn, mỗi năm mỗi môn tổ chức từ 3 - 6 giải quy mô từ trẻ cho đến vô địch quốc gia. Như vậy, trung bình có khoảng từ 123 - 246 giải được tổ chức trong phạm vi toàn quốc nhưng rất ít giải các VĐV được xét nghiệm doping. Lý do chính nằm ở vấn đề “đầu tiên” là tiền đâu. Xét nghiệm doping là một quy trình khoa học, đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế thì kết quả xét nghiệm mới chính xác và có giá trị. Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) đưa ra những tiêu chuẩn hết sức khắt khe về mức độ hiện đại của phòng xét nghiệm (thông thường một phòng thí nghiệm phục vụ công tác xét nghiệm doping có mức đầu tư từ 200 - 300 tỉ đồng), có hệ thống máy móc có thể phát hiện được ít nhất từ 140 - 160 chất cấm (hiện Việt Nam có 1 máy, chỉ phát hiện được 40 chất); về số lượng mẫu mà mỗi phòng xét nghiệm bắt buộc phải thực hiện trong một năm (tối thiểu từ 300 - 500 mẫu). Cả 3 tiêu chuẩn cơ bản này Việt Nam đều chưa thể đáp ứng. Việc giải quốc nội không thử doping, gây ra sự lơ là của các HLV, VĐV và nguy hiểm hơn là không tạo được cho VĐV ý thức về tầm quan trọng của phòng chống doping, khiến VĐV dễ coi thường công tác này, sinh tâm lý chủ quan.
Cần sự “chia lửa” của các liên đoàn và sớm xã hội hóa
Một chuyên gia về doping cho biết: “Thông tư số 17 về phòng chống doping do Bộ VH-TT-DL ban hành cũng nêu rõ vai trò và trách nhiệm của các liên đoàn và hiệp hội thể thao nhưng suốt bao năm qua vai trò này là hết sức mờ nhạt. Chỉ có Liên đoàn Cử tạ Việt Nam là tích cực trong việc hỗ trợ Trung tâm doping và y học thể thao trong vấn đề này. Còn lại thì rất thờ ơ. Chúng tôi mong muốn các liên đoàn chia sẻ về mặt trách nhiệm, trong đó cả đóng góp về kinh phí. Đã đến lúc chúng ta phải xã hội hóa để có nguồn tài chính phục vụ công tác phòng chống doping. Việc tăng cường giáo dục HLV, VĐV là hoạt động phải được tiến hành thường xuyên, không mang tính đối phó để HLV, VĐV không chủ quan, không mất cảnh giác trong quá trình sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng và không cố ý vi phạm. Nhưng nếu chúng ta có thêm biện pháp mang tính kỹ thuật thì rõ ràng công tác phòng chống doping sẽ thiết thực và hiệu quả hơn nhiều”.
Sắp tới, ngành thể thao sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể hơn về việc tất cả VĐV đỉnh cao phải học các khóa về phòng chống doping. Trong tương lai gần, ngoài việc phải đạt chuẩn chuyên môn, các VĐV muốn được dự Olympic hay các đại hội lớn của châu lục - theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế - sẽ phải có chứng chỉ tham gia các khóa học về doping. Việt Nam sẽ tổ chức bằng hình thức học trực tuyến theo giáo trình của quốc tế.
Ngoài ra, Trung tâm y học và phòng chống doping cũng đang đề xuất với Bộ VH-TT-DL bổ sung, sửa đổi một số điều khoản tại Thông tư số 17 về phòng chống doping vì sau vài năm, văn bản này đã bị lạc hậu so với thực tế, khiến việc kiểm soát VĐV trong việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng… gặp nhiều khó khăn.
Bình luận (0)