Làm gì để giúp trẻ bắt nhịp việc học sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19?

23/02/2021 18:15 GMT+7

Sau thời gian nghỉ dài ngày vì dịch Covid-19 , học sinh có tâm lý lười biếng, xao nhãng việc học. Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp con bắt nhịp lại việc học sau kỳ nghỉ dài?

Theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), sau kỳ nghỉ dài ngày vì dịch Covid-19, học sinh sẽ cần thời gian để bắt nhịp với việc học tập khi quay lại trường. “Tôi cũng như hầu hết các cha mẹ có con đang ngồi trên ghế nhà trường đều có chung một nỗi lo là làm sau để các em lấy lại nhịp sinh hoạt và học tập bình thường”, thạc sĩ Minh Hải đau đáu.

Cùng con suy nghĩ về kế hoạch học tập

Với kinh nghiệm là một phụ huynh, đồng thời là người có nhiều kinh nghiệm về hoạt động xã hội với trẻ em và thanh thiếu niên trong nhiều năm, thạc sĩ Minh Hải chia sẻ một số cách để cha mẹ có thể hành động, dần dần đưa con em mình vào nhịp học tập bình thường trở lại.

Học sinh rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp học để phòng dịch Covid-19

Khả Hòa

“Sau kỳ nghỉ dài, cha mẹ hãy ngồi lại trao đổi với con về mục tiêu, kế hoạch học tập của các con trong năm 2021. Việc đầu tiên cha mẹ hãy cởi mở đừng cắt ngang mà để các con nói lên tâm tư nguyện vọng và kế hoạch của bản thân. Sau đó, cha mẹ hãy phân tích những mặt được và chưa được trong năm cũ và đừng quên khen tặng động viên khuyến khích những mặt tốt các con đã đạt được. Ví dụ khen con luôn học tốt môn văn, biết dọn dẹp đồ đạt trong phòng ngủ ngay ngắn… Và cuối cùng hãy cùng con suy nghĩ về kế hoạch học tập phía trước”, thạc sĩ Minh Hải chia sẻ.
Đối với các con đang học ở bậc tiểu học thì theo thạc sĩ Minh Hải, cha mẹ giúp các con đưa ra các mục tiêu ngắn hạn trong học kỳ 2. Ví dụ trong học kỳ 2 con sẽ đứng trong top 3 hoặc top 5 trong lớp, con sẽ cải thiện môn toán có kết quả tốt hơn từ 6 lên 9 phẩy. “Còn với các con đang học ở trung học thì mục tiêu cao hơn một chút. Ví dụ trong năm 2021 con sẽ trở thành học sinh giỏi lý của trường, con sẽ đạt thêm chứng chỉ tiếng Anh, con sẽ mạnh dạn phát biểu trong lớp…", thạc sĩ Minh Hải nói.

Học sinh đeo khẩu trang trong lớp học

Khả Hòa

Tuân thủ thời khóa biểu

Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho rằng: “Không chỉ riêng học sinh mà rất nhiều người trẻ trong chúng ta đều có tâm lý chưa bắt nhịp lại làm việc, học hành bình thường như trước tết. Bởi vì qua những ngày nghỉ dài, trí óc và tinh thần được thư giản, các hoạt động được thực hiện một cách tự do và mang nặng cảm xúc, vì thế khi phải lặp lại quy trình công việc một cách bài bản, khoa học... thì trí não chúng ta gặp một số trở ngại. Chính những trở ngại này sẽ tác động đến tinh thần nên nảy sinh hiện tượng ì tâm lý, vì vậy phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở con em mình nhiều hơn, giúp các em bắt nhịp lại tác phong học hành một cách bình thường”.

Học sinh tại TP.HCM tuân thủ đeo khẩu trang khi đến trường

Ngọc Dương

Là người có hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Lê Văn Sâm, giáo viên của Trường tiểu học Chu Văn An, xã Bình Trung, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), khuyên “Phụ huynh cần nhắc nhở con em mình học tập theo đúng thời khóa biểu của nhà trường quy định, cho dù có học trực tuyến để phòng dịch Covid-19 hay học tập trung. Bên cạnh thời khóa biểu học tập thì phụ huynh cũng lập thời khóa biểu theo dõi con trong việc ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục đều đặn như trước kỳ nghỉ tết. Chẳng hạn, nhắc nhở con em mình nhớ ăn uống đúng giờ, buổi tối tranh thủ ngủ sớm và sáng thức dậy sớm...”, thầy Sâm khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.