Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không màu mè, đi thẳng vào đề xuất giải pháp để Việt Nam hút được khách quốc tế

15/03/2023 11:56 GMT+7

Không chỉ còn tập trung phân tích nguyên nhân du lịch Việt Nam đi trước về sau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp, chuyên gia phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức sáng nay (15.3): "Không màu mè, không biểu diễn, đi thẳng vào vấn đề, đề xuất các giải pháp để Việt Nam thu hút được khách quốc tế. Từ đó, chỉ rõ ai làm, làm bao lâu thì xong...".

Giảm thuế để hút khách chơi golf

Tham gia phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam khẳng định từ 15.3.2022, khi Chính phủ cho phép mở cửa toàn diện, các doanh nghiệp du lịch đã tích cực khôi phục hoạt động và du lịch Việt Nam bắt đầu khởi sắc. Du lịch nội địa phục hồi nhanh với số lượng kỷ lục, năm 2022 đã đón 101,3 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2019. 

Làm gì để kéo khách 'sộp' đến Việt Nam tiêu tiền?  - Ảnh 1.

Việt Nam sở hữu nhiều sân golf đẳng cấp thế giới

N.A

 Mặc dù các doanh nghiệp đã rất cố gắng nhưng du lịch Việt Nam vẫn ở nhóm thấp trong khu vực về đón khách quốc tế, năm 2022 đón 3,5 triệu lượt, chỉ đạt 70% kế hoạch. Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08, trong đó, có việc cần làm ngay là chuyển giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất và các ưu đãi về thuế sử dụng đất của các cơ sở du lịch.

"Chúng ta cần có thêm nhiều chính sách tập trung thu hút đối tượng khách có mức chi trả cao. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển loạt sản phẩm mới như du lịch golf. Năm 2019, trong 5 triệu khách Hàn Quốc đến Việt Nam thì có hơn 1 triệu khách đi đánh golf, mang đến doanh thu hàng tỉ USD cho ngành du lịch. Chúng tôi đề nghị giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với khách đi đánh golf là khách du lịch để thu hút thêm nhiều đối tượng khách hạng sang này tới Việt Nam" - ông Vũ Thế Bình đề xuất.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành nhiều giải pháp để đón khách quốc tế có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Vận hành nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, bà Nguyễn Thị Nga cho biết đối tượng khách quốc tế cao cấp có mức chi tiêu cao gấp 2 - 3 lần đối tượng khách bình thường. Họ chi tiêu trung bình 200 - 300 USD/ngày, thời gian lưu trú 3 - 4 ngày. Mới đây, khách sạn của BRG ở Phú Quốc tổ chức đám cưới cho tỉ phú Ấn Độ, trong 5 ngày thu về doanh thu trên 7 tỉ đồng. 

"Những con số này cho thấy chúng ta nên tập trung khai thác dòng khách cao cấp, lưu trú dài ngày. Trong đó, đối tượng khách chơi golf là tiềm năng lớn nhất với du lịch Việt Nam hiện nay. Trong 2017 và 2022, Việt Nam được vinh danh là điểm đến du lịch golf tốt nhất, chúng ta cũng đã tổ chức được những giải golf hàng đầu châu Á. Tuy vậy, chính sách thuế đối với khách du lịch chơi golf khá "nặng". Với doanh thu 100 đồng thì khách phải nộp thuế 30 đồng, mức thuế thu nhập cá nhân cộng tiêu thụ đặc biệt lên tới 30%, trong khi các nước xung quanh chỉ thu từ 5 - 7%. Cần điều chỉnh để thu hút khách du lịch nhiều hơn, đồng thời tăng thời gian lưu trú cho các đối tượng khách có tiềm năng chi tiêu lớn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đa dạng sản phẩm, cho khách sộp ở lại nhiều ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn" - bà Nguyễn Thị Nga nêu ý kiến.

Để khách quốc tế không "mang tiền đến rồi lại mang tiền về"?

Dẫn thống kê từ World Data lịch sử khách quốc tế đến các nước trong khu vực Đông Nam Á từ năm 2008 đến 2019, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, nếu xét về số lượt khách du lịch quốc tế hàng năm, tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách tới Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên top 4 ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khi các nước về cơ bản giữ được doanh thu bình quân trên 1 khách thì Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6. Tổng mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam chỉ bằng 40% so với Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không màu mè, đi thẳng vào đề xuất giải pháp để Việt Nam hút được khách quốc tế - Ảnh 2.

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị

VGP/NHẬT BẮC

Một nguyên nhân rất lớn khiến khách quốc tế đến Việt Nam "mang tiền đến lại đem tiền về", theo ông Hạnh Nguyễn, do Việt Nam đang bỏ lỡ 2 loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm. Tất cả các nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu... đều sử dụng mô hình factory outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch. Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28.2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỉ USD trong năm 2020.

"Liên kết chuỗi giá trị là "chìa khóa" giúp ngành du lịch Thái Lan phát triển mạnh và các thành phần trong chuỗi giá trị, từ giao thông đến lưu trú, dịch vụ... đều hưởng lợi. Chúng ta cần phát động một chiến dịch liên kết cùng thúc đẩy du lịch như chiến dịch "SMILE" mà Thái Lan đã làm, trong đó, nhà nước đóng vai trò điều phối, liên kết các hãng hàng không, lữ hành tới điểm đến, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ. Các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế và nhận về bù trừ hoa hồng. Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục", ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiến kế.

Mua sắm và liên kết cũng là hai yếu tố mà Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ kỳ vọng Chính phủ nhanh chóng xây dựng chính sách tập trung phát triển. Theo ông Kỳ, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, người dân phải thắt chặt chi tiêu thì giá cả là vũ khí cạnh tranh rất quan trọng trong cuộc đua cạnh tranh điểm đến. Hiện nay, giá bán tour bình quân 1 đêm ở Việt Nam là 60 USD trong khi Thái Lan chỉ 30 USD, Malaysia là 50 USD... Điều này giúp các nước, nhất là Thái Lan thu hút khách rất nhanh và mau chóng phục hồi du lịch. 

"Chìa khóa của họ là liên kết. Toàn bộ hệ thống từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển... đều kết nối thành chuỗi, chia nhau lợi nhuận để tất cả cùng có lời mà vẫn giảm được giá tour cho du khách. Trong khi cách làm ở Việt Nam là ông nào cũng muốn làm hết mọi dịch vụ để ôm lời, không ông nào chịu nhường ông nào, không thể liên kết giảm giá" - ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.

Bên cạnh đó, ông Kỳ nhấn mạnh tất cả các thị trường du khách vào Việt Nam đều có nhu cầu mua sắm nhưng chúng ta không có những khu mua sắm lớn, miễn thuế, giảm giá để phục vụ nhu cầu của khách. Vì thế, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation đề nghị Chính phủ cùng các địa phương ban hành những chính sách tập trung phát triển dịch vụ mua sắm, liên kết, đồng thời nhanh chóng gỡ khó về các vấn đề visa, nhập cảnh, thuế và tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp ngành du lịch.

"Để du lịch nhanh phục hồi thì cần chính sách đột phá, linh hoạt, nhanh, đủ lâu, đủ thấm. Chính sách của Việt Nam hiện có rất nhiều thiệt thòi so với các nước, nếu chúng ta không có đột phá trong hành động thì tốc độ tụt hậu sẽ ngày càng xa" - ông Nguyễn Quốc Kỳ lo ngại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.