Làm gì để không bị lừa khi đặt phòng khách sạn qua mạng?

08/02/2025 12:40 GMT+7

Không ít người đã bị lừa vì đặt phòng khách sạn qua mạng khi có nhu cầu đi du lịch. Làm sao để không trở thành nạn nhân của vấn nạn này?

Bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng qua fanpage

Mới đây, một trong những câu chuyện gây xôn xao mạng xã hội là sự việc một phụ nữ tên V.T.T ở TP.Hải Phòng bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng qua một fanpage có tick xanh vào ngày 27 tháng chạp vừa qua.

Dân mạng ngỡ ngàng khi chị T. chia sẻ đã chuyển khoản liên tục 7 lần, từ số tiền đặt phòng ban đầu hơn 6,5 triệu đồng, nhưng rốt cuộc bị lừa hơn 1 tỉ đồng.

Làm gì để không bị lừa khi đặt phòng khách sạn qua mạng?- Ảnh 1.

Một phụ nữ ở TP.Hải Phòng bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng qua một fanpage có tick xanh

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Ngày 7.2, Cổng thông tin điện tử Công an TP.Hải Phòng cũng đăng tải bài viết thông tin về vụ việc.

Trong nội dung bài đăng trên Cổng thông tin điện tử Công an TP.Hải Phòng có nêu rõ ban đầu xác định, chị V.T.T bị đối tượng sử dụng fanpage giả mạo, yêu cầu chuyển tiền đặt cọc thuê phòng khách sạn. Sau khi chị V.T.T chuyển tiền đặt cọc thì được thông báo chuyển sai cú pháp, yêu cầu chuyển lại tiền đặt cọc và chuyển thêm tiền để nhận lại tiền đặt cọc đã chuyển nhầm. Do tin tưởng, chị V.T.T tiếp tục sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân chuyển tiền nhiều lần theo yêu cầu của đối tượng. Tuy nhiên, sau mỗi lần chị V.T.T chuyển thêm tiền thì đối tượng lại đưa ra các lý do, lỗi sai và yêu cầu chuyển thêm tiền để khắc phục các lỗi sai đó... Tổng số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt trên 1 tỉ đồng.

Theo anh Hồ Huỳnh An (37 tuổi), chủ homestay Nhà An (ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), cho biết sự việc vừa nêu không mới. Thậm chí rất phổ biến suốt thời gian qua. Những kẻ lừa đã dùng đủ chiêu trò để chiếm đoạt tiền người khác.

"Kẻ lừa tạo ra những fanpage giả mạo các khách sạn, cơ sở lưu trú… Khi có khách liên hệ, kẻ lừa yêu cầu đặt cọc tiền và dùng mọi thủ đoạn để lừa tiền. Homestay của tôi cũng từng bị giả mạo. Khách bị lừa 2 triệu đồng. Sau khi phản ánh với tôi họ mới biết đã bị lừa đảo và chúng tôi từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về vấn nạn này", anh An nói.

Làm gì để không bị lừa khi đặt phòng khách sạn qua mạng?- Ảnh 2.

Rất nhiều fanpage cảnh báo lừa đảo để khách không bị lừa tiền khi đặt phòng qua mạng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Vào cuối năm 2024, fanpage Khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) cũng đăng tải thông tin cho biết đã có gần chục trường hợp khách hàng bị lừa đảo vì chuyển tiền khi đặt phòng du lịch. Trong đó có khách hàng bị mất số tiền gần 20 triệu đồng.

Trên nhiều diễn đàn du lịch, không ít thành viên ta thán từng là nạn nhân của chiêu lừa này. "Tôi từng bị lừa 4,2 triệu đồng khi đặt phòng khách sạn qua mạng. Cụ thể là vào tháng 12.2024, khi chuẩn bị đưa gia đình đi du lịch ở Hà Giang, tôi đã lên mạng thấy fanpage của một khách sạn và nhắn tin để liên hệ đặt phòng. Sau những trao đổi và chốt giá, tôi đồng ý chuyển tiền. Tuy nhiên sau đó bị chặn tài khoản, số điện thoại liên lạc", chị Đỗ Thị Như Liên (32 tuổi), ngụ ở xã An Nông (H.Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho hay.

Ngoài ra, còn nhiều phản ánh từng bị lừa chuyển khoản với số tiền từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng khi đặt phòng khách sạn, homestay, nhà nghỉ… ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Làm gì để không bị lừa khi đặt phòng khách sạn qua mạng?- Ảnh 3.

Bị nhiều fanpage mạo danh nên một khu du lịch đăng bài cảnh báo khách hàng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Để không bị lừa

Anh Nguyễn Tiến Nghĩa (31 tuổi), chủ khách sạn Bảo Vy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói: "Kẻ lừa thường tạo fanpage na ná với các cơ sở lưu trú, khiến nạn nhân mất cảnh giác. Thậm chí kẻ lừa còn đầu tư hẳn fanpage có tick xanh. Chính vì thế nhiều nạn nhân dễ dàng sập bẫy lừa. Và khi sự việc xảy ra, nạn nhân bị lừa tiền, còn các khách sạn, nhà nghỉ… bị mất uy tín. Vì lẽ đó, cả phía cơ sở lưu trú lẫn người có dự định đặt phòng cần có sự chủ động phòng tránh chiêu lừa này".

Anh Nghĩa nói thêm: "Các cơ sở lưu trú cần thường xuyên đăng bài cảnh giác trên fanpage, website để lưu ý cho khách biết. Còn khách khi có nhu cầu thuê phòng phải hết sức thận trọng, tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi chuyển khoản. Khách chỉ nên chuyển tiền thanh toán dịch vụ với tài khoản ngân hàng doanh nghiệp đã công bố chính thức hoặc đã đăng ký với cơ quan nhà nước. Cần gọi điện thoại để xác thực một cách nhanh chóng. Khi trao đổi qua điện thoại, có thể hỏi một số thông tin. Nếu nhận câu trả lời một cách ấp úng, không rõ ràng… thì hãy hủy ý định đặt phòng ở nơi ấy".

Làm gì để không bị lừa khi đặt phòng khách sạn qua mạng?- Ảnh 4.

Nhiều khu du lịch, cơ sở lưu trú đăng bài cảnh báo cho khách

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Chị Nguyễn Thảo Tâm (30 tuổi), chủ khách sạn Tân Hưng (Q.10, TP.HCM) cho rằng: "Khi được báo giá phòng rẻ một cách bất thường, giảm đến 30 – 50% chẳng hạn, thì hãy cẩn thận. Dành một khoảng thời gian để kiểm tra thông tin trên nhiều nền tảng khác nhau, từ fanpage, tài khoản TikTok, website, email, số điện thoại… của khách sạn để đối chiếu thông tin".

"Theo tôi, để không bị lừa đảo khi đặt phòng, nên đặt phòng qua các ứng dụng có uy tín", chị Tâm chia sẻ thêm.

Anh Hồ Huỳnh An thì lưu ý: "Đừng quá cả tin mà vội vàng chuyển tiền. Để không rơi vào cảnh bị lừa, mất tiền oan uổng, hãy hết sức thận trọng. Cần né những người hối thúc việc chuyển tiền".

"Với những cơ sở lưu trú làm ăn uy tín, họ sẽ không ngần ngại cung cấp giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ. Thế nên khi đặt phòng qua mạng, khách có thể yêu cầu họ cung cấp. Nếu không được cung cấp, rất có thể đó là fanpage giả mạo", anh An nói.

Lừa đảo từ fanpage có tick xanh, vì sao?

Trở lại câu chuyện người phụ nữ chuyển khoản liên tục 7 lần, từ số tiền đặt phòng ban đầu hơn 6,5 triệu đồng, sau đó bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng qua fanpage tick xanh, nhiều người thắc mắc: "Vì sao fanpage có tick xanh của Facebook, nghĩa là được xác minh, có uy tín, mà vẫn dám lừa đảo?".

Trả lời câu hỏi này, anh Lâm Văn Trường (31 tuổi), giám đốc một công ty về dịch vụ marketing ở đường Lâm Văn Bền (Q.7, TP.HCM), cho biết: "Fanpage có tick xanh không hẳn an toàn, chưa chắc là "chính chủ". Có thể, fanpage ấy từng bị hack. Hoặc cũng có thể fanpage ấy được thuê, bởi hiện nay dịch vụ cho thuê tick xanh fanpage Facebook khá phổ biến. Trường hợp khác, kẻ lừa đã lập công ty ma rồi cung cấp thông tin giả để được Facebook cấp tick xanh. Không ngoại trừ trường hợp kẻ lừa đã mua fanpage có sẵn tick xanh để dễ dàng qua mặt người khác nhằm phục vụ cho hành vi lừa đảo".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.