Sẽ đón giao thừa cùng bạn bè
Không ít bạn trẻ như Nguyễn Ngọc Bảo Hân (25 tuổi, nhân viên văn phòng làm việc tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chọn cách đón giao thừa cùng bạn bè nhưng năm nay tránh những nơi tập trung đông người do lo ngại dịch Covid-19.
"Năm ngoái, mọi người hẹn gặp nhau tại nhà một người bạn để đón giao thừa. Người mang rượu, người mang giò chả, còn tôi thì mang bánh đến góp vui. Đến thời khắc giao thừa, tất cả bạn bè đều kéo ra bờ sông cùng ngắm pháo hoa", Bảo Hân kể.
Còn năm nay vì tình hình dịch bệnh nên cô chỉ đặt bàn tại một quán bar nhỏ ở P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức) để họp mặt cùng vài người bạn và chờ đến thời khắc giao thừa bước sang năm mới 2022.
Bảo Hân (áo đen, bên trái) đón giao thừa Tết Dương lịch cùng bạn bè hồi cuối năm 2020 |
NVCC |
Trong khi đó, Nguyễn Thị Ngọc Mai (24 tuổi, ngụ chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP.HCM) cho biết cô sẽ đón giao thừa ở một nơi xa thay vì cùng gia đình ở TP.HCM như mọi năm.
Với Mai, giao thừa là thời điểm để cô lên những kế hoạch mới sau một năm vô cùng khó khăn vì dịch Covid-19.
“Tôi muốn thử một điều gì đó mới nên lên kế hoạch đi thăm Vườn Quốc gia Cát Tiên cùng với bạn bè. Tôi muốn được đón không khí năm mới ở một nơi được bao bọc bởi thiên nhiên và cây cối. Đó là những gì tôi muốn thay đổi đầu tiên trong năm mới”, Mai chia sẻ.
Thời khắc bên gia đình
Trong khi đó, một số bạn trẻ chọn cách đón giao thừa bên cạnh người thân, gia đình. Chẳng hạn, Tô Anh Đào (26 tuổi, nhân viên truyền thông làm việc tại Q.3, TP.HCM) cho hay cô sẽ bắt chuyến tàu để về Hà Nội đón giao thừa cùng gia đình như mọi năm.
“2021 là một năm đầy khó khăn. Dù các kế hoạch công việc cuối năm còn dang dở nhưng tôi vẫn sẽ về nhà, chung vui với gia đình trong thời khắc đón năm mới. Chỉ cần được về nhà, nấu ăn cho cha mẹ, ngồi xem TV lúc nửa đêm đã là quá hạnh phúc”, Đào nói.
Nhóm bạn trẻ tụ họp đón giao thừa cùng nhau |
NVCC |
Còn Trần Thanh Thảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cô sẽ không đón giao thừa ở ký túc xá như những năm trước. Lý do là nữ sinh viên này rời khỏi TP.HCM để về quê tránh dịch suốt 6 tháng qua.
“Tôi cảm thấy giao thừa năm nay thật khác, giao thừa trong dịch bệnh, giao thừa được ở cùng gia đình và không tụ tập đông người”, Thảo chia sẻ.
Đón giao thừa một mình và nhắn tin cho bạn bè
Một số bạn trẻ khác như Lê Thị Tuyết Lan (25 tuổi, làm trong ngành điện tử tại Bình Dương) lại chọn cách đón giao thừa một mình do cô phải tập trung làm việc sau nhiều tháng công việc bị đình trệ vì đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua.
Bên cạnh đó, cô lo ngại tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên quyết định không về quê ở tỉnh Tiền Giang.
Những buổi tiệc nhẹ được bạn trẻ tự tay tổ chức trong đêm giao thừa |
NVCC |
Trong đêm giao thừa, Tuyết Lan dự định sẽ tự nấu ăn, xem bộ phim yêu thích tại nhà trọ ở Bình Dương và nhắn tin trò chuyện cùng bạn bè để quên đi nỗi nhớ nhà.
Cô gái 9X chia sẻ: “Tôi sẽ không về quê nên không thể quây quần bên gia đình để cảm nhận không khí năm mới. Giao thừa ở nơi xa buồn lắm nhưng với những gì trải qua trong năm nay, nghĩ lại bản thân vẫn còn có việc làm đã là rất may mắn".
Bình luận (0)