Khoảng 1 giờ 13 ngày 21.4, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP.Hà Nội nhận tin báo xảy ra cháy tại nhà số 116 khu tập thể B9 Kim Liên, ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch (P.Kim Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội), đã huy động 1 xe chỉ huy, 4 xe chữa cháy thuộc Công an Q.Đống Đa và Công an Q.Hai Bà Trưng đến hiện trường ứng cứu.
Đến khoảng 1 giờ 23, đám cháy được dập tắt.
Vụ cháy ở nhà tập thể B9 Kim Liên khiến 5 người tử vong |
trần cường |
Vụ cháy khiến anh Bùi Ngọc Lâm (39 tuổi, con trai chủ nhà) và cháu Bùi Quang Huy (12 tuổi, con anh Lâm) bị thương. 5 người tử vong, gồm: bà Đoàn Thị Mảnh (74 tuổi, chủ nhà), chị Đỗ Mai Hương (37 tuổi, con dâu bà Mảnh), anh Bùi Ngọc Khánh (37 tuổi, con ruột bà Mảnh), cháu Bùi Nam Phong (10 tuổi, con trai anh Lâm), và cháu Bùi Gia Hưng (1 tuổi, con trai anh Lâm).
Để hạn chế những vụ việc thương vong đau lòng như trên, Công an TP.Hà Nội cho biết mỗi hộ gia đình cần theo phương châm chủ động phòng hơn là chống PCCC.
Nhân chứng kể lại vụ cháy nhà ở Hà Nội khiến 5 người tử vong thương tâm |
Mỗi căn hộ cần tối thiểu 2 lối thoát nạn
Theo Công an TP.Hà Nội, trường hợp xảy ra cháy, nổ, cần bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn đã định sẵn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số 114, chính quyền, công an địa phương nơi cư trú. Sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy.
Mỗi căn hộ cần dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, chủ động trang bị các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vòi mềm dẫn nước để vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết. Các gia đình nên trang bị thêm các bình chữa cháy xách tay để nơi cố định, dễ thấy, dễ lấy và tập luyện cho người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã trang bị.
Mỗi căn hộ cần bố trí tối thiểu 2 lối thoát nạn, chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn, có đèn pin chiếu sáng đề phòng khi mất điện. Không bố trí đồ vật cản trở lối thoát nạn. Dự kiến tình huống thoát nạn an toàn cho người, khi có cháy.
Cơ quan chức năng về phòng cháy chữa cháy khuyến cáo không lắp lồng sắt, lưới sắt, chuồng cọp, biển quảng cáo ở lan can. Trường hợp đã lắp thì phải thiết kế ô cửa thoát nạn và quy định rõ vị trí để chìa khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây tự cứu để thoát nạn khi cháy xảy ra.
Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn. Đối với nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp.
Về hệ thộng điện và thiết bị điện, các giải pháp tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện trong nhà bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật. Lựa chọn dây dẫn điện có chất lượng cao, tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện.
Cần lắp đặt, rà soát lại hệ thống điện đảm bảo an toàn |
trần cường |
Khi đấu nối dây điện phải đúng kỹ thuật, nối so le và được cuốn băng cách điện. Không được câu mắc sử dụng điện tùy tiện. Không mắc dây điện xuyên qua mái tôn, mái lá...; thay mới các dây điện có lớp cách điện bị ải mục, các mối nối dây điện phải bịt kín cách điện. Trước mọi dụng cụ tiêu thụ điện phải có thiết bị bảo vệ như cầu chì, aptomat thích hợp.
Quá trình sử dụng cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện, mạng điện bị hư hỏng. Lưu ý không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm. Không nên sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm và đặt trên các đồ vật có khả năng bắt cháy cao, hấp thụ nhiệt tốt như chăn, ga, gối, đệm…
Mỗi người phải tự nâng cao ý thức PCCC
Công an TP.Hà Nội cũng khuyến cáo tại các căn hộ, mỗi thành viên cần tự nâng cao ý thức PCCC, tuân thủ quy định về PCCC tại nơi cư trú, loại trừ những nguyên nhân gây cháy do vô ý, bất cẩn. Người lớn có trách nhiệm giáo dục trẻ em ý thức được việc PCCC là hệ trọng, nghiêm cấm các trường hợp chơi diêm, nghịch lửa, đốt rác, đốt vàng mã... bất cẩn gây cháy.
Phải bố trí một góc bếp nấu ăn an toàn, không kê bếp sát vách lá, sàn gỗ. Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.
Mỗi căn hộ cần tối thiểu 2 lối thoát nạn |
trần cường |
Cơ quan công an lưu ý nguyên tắc, trước khi ra khỏi nhà phải kiểm tra tắt bếp, tắt đèn, kiểm tra các dụng cụ tiêu thụ điện. Trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại bếp nấu, tắt các đèn dầu... Không nên tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ cao như: xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy trong nhà khi không cần thiết.
Trường hợp phải dự trữ thì phải bảo quản trong các dụng cụ kín, chắc chắn, để cách xa các nguồn nhiệt. Không để xăng dầu gần bếp, không đong, rót xăng dầu gần ngọn lửa, không dùng xăng thắp đèn thay dầu hỏa, không để đèn dầu trong mùng khi ngủ. Hạn chế sử dụng các loại vật liệu dễ cháy (gỗ tấm, tấm nhựa, mút xốp...) để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm phòng ngừa cháy lan.
Không để đồ dùng, vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 1m. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương nến trên bàn thờ. Chỉ đốt nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Phải có khu đốt vàng mã riêng biệt, khi đốt phải trông coi, che chắn tránh cháy lan hoặc gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
Công an TP.Hà Nội cho rằng người dân cần thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng. Khi phát hiện có rò rỉ gas, hoặc ngửi thấy mùi gas tuyệt đối không bật bộ phận đánh lửa của bếp, không bật công tắc điện, đèn hay bất cứ dụng cụ thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nào; nhanh chóng mở cửa để gió tự nhiên vào cho thông thoáng khu vực nhà bếp, đồng thời kiểm tra vị trí bị rò rỉ. Yêu cầu những người không có nhiệm vụ bình tĩnh rời khỏi khu vực nguy hiểm, sử dụng máy điện thoại ngoài khu vực nguy hiểm để báo cho nhà cung cấp.
Bình luận (0)