Một trong những điều quan trọng nhất giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong những ngày tết là đảm bảo vệ sinh khi chế biến. Người nấu cần rửa tay trước, trong và sau khi nấu, đặc biệt là trong những trường hợp chế biến rau sống, theo trang tin The Conversation (Úc).
Sự kỹ lưỡng này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, các dụng cụ làm bếp như thớt, dao, kéo cần dùng riêng biệt cho thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo. Nếu dùng dao vừa cắt thịt để cắt lên rau củ thì sẽ làm các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột trên thịt sống lây nhiễm lên rau củ. Rau củ bị nhiễm khuẩn nếu không chế biến kỹ sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Nếu có thể, thực phẩm sau khi nấu chín nên được bảo quản ở nhiệt độ từ 60 độ C trở lên. Cách này có thể giúp tiêu diệt mọi vi khuẩn còn sót lại.
Việc bảo quản và vận chuyển thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn gây bệnh đường ruột sẽ phát triển mạnh trong vùng nhiệt độ từ 5 đến 60 độ C. Do đó, nếu bảo quản trong tủ lạnh thì nhiệt độ cần dưới 5 độ C. Trong trường hợp cần vận chuyển thực phẩm thì nên dùng các hộp đựng cách nhiệt để giữ thực phẩm nóng ở nhiệt độ từ 60 độ C trở lên.
Ngoài ra, nếu bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh thì cần để thịt sống và hải sản tách biệt với các món đã nấu chín hoặc rau ăn sống. Cách này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ vi khuẩn lây nhiễm chéo.
Một điều cũng hết sức quan trọng là không ăn thực phẩm đã hết hạn. Do đó, người tiêu dùng cần kiểm tra ngày hết hạn trước khi mua, chế biến hoặc ăn bất kỳ loại thực phẩm nào.
Không những vậy, dù ít gặp nhưng vẫn có những trường hợp thực phẩm dù vẫn còn hạn sử dụng nhưng lại bị hỏng. Dấu hiệu nhận biết thực phẩm hỏng là thay đổi màu sắc, kết cấu và mùi vị. Khi thấy những bất thường này thì hãy lập tức bỏ đi, theo The Conversation.
Bình luận (0)