(TNTS) Bạn dùng máy vi tính thường xuyên và cảm thấy mắt căng, khô rát, mỏi cổ, mỏi lưng... Vậy là bạn bắt đầu gặp rắc rối rồi đấy!
|
Những người suốt ngày ngồi lì trước màn hình vi tính có nguy cơ đối mặt với nhiều “bệnh văn phòng”, trong đó đặc biệt là các bệnh về thị giác. Theo một thống kê tại Mỹ, có tới 75% người thường xuyên dùng máy vi tính gặp các rối loạn chức năng mắt có tên gọi là hội chứng về mắt do sử dụng máy vi tính hay hội chứng thị lực vi tính (computer vision syndrome, CVS).
CVS là gì ?
VN tuy chưa có con số thống kê cụ thể về CVS, nhưng có một thực tế là ngày càng nhiều người làm việc trong văn phòng mắc các tật về mắt như cận thị, loạn thị hoặc các rối loạn khác. Số người mắc hội chứng này đặc biệt cao ở những thành phố lớn bởi lượng người sử dụng máy vi tính rất cao. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Mắt TP.HCM ghi nhận lượng người đến khám và điều trị các hội chứng này ngày càng đông. Những triệu chứng mà người mắc hội chứng CVS thường gặp là: mắt bị căng thẳng hay mệt mỏi, khô mắt, nóng rát, ngứa hoặc chảy nước mắt, mắt bị mờ, nhức đầu và đau hốc mắt, ngoài ra còn kèm thêm chứng đau cổ và đau lưng. Nếu bỏ qua các triệu chứng ban đầu và không điều trị đúng cách, người bệnh có thể đối mặt với tình trạng nghiêm trọng hơn như mắc phải tật khúc xạ.
Theo bác sĩ, tiến sĩ Trần Hải Yến, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn tới CVS đối với những người thường xuyên ngồi trước máy tính. Chẳng hạn, khi chăm chú nhìn vào máy tính, lượng nước mắt đến giác mạc sẽ giảm khiến mắt bị khô hoặc khi có quá nhiều ánh sáng chói hay ánh sáng phản xạ từ màn hình chiếu vào mắt, vị trí đặt màn hình không đúng... Trong lúc sử dụng máy tính, do quá chăm chú, ta thường chớp mắt rất ít, chỉ bằng khoảng 2/3 số lần so với bình thường. Thêm vào đó, do màn hình máy tính thường đặt cao hơn tầm mắt khiến ta phải nhướng mắt lên và mở to mắt ra, điều này làm cho mắt bị khô và đó là nguyên nhân dẫn đến các rắc rối về mắt.
|
Rắc rối cộng hưởng
Làm việc nhiều với máy tính mà không lưu ý điều chỉnh các thói quen có hại, bạn sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của hội chứng CVS. Trong trường hợp bạn có sẵn tật khúc xạ, các hệ lụy sẽ càng rắc rối hơn. Khi bị tật khúc xạ, việc đầu tiên là bạn nên đeo kính khi sử dụng máy vi tính do các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị, cận thị nếu không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đúng sẽ dễ dẫn đến nhức mỏi mắt nếu thời gian làm việc trên máy tính quá lâu. Và khi đó, rắc rối của bạn sẽ càng trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn.
Nhận biết được mình có bị tật khúc xạ hay không thực ra chẳng phải là chuyện dễ. Rất nhiều người bị viễn thị, loạn thị, cận thị ở cấp độ nhẹ đã không để ý đến thị lực của mình để đến khi tình trạng bệnh nặng mới tìm đến bác sĩ. Vậy nên, khi gặp các dấu hiệu như nhìn mờ hay mỏi mắt khi làm việc với máy vi tính, bạn nên lưu tâm vì đó là biểu hiện của các rắc rối liên quan tới tật khúc xạ. Khi đó, bạn nên đi đo mắt ở cơ sở đủ tiêu chuẩn, các chuyên gia nhãn khoa và khúc xạ sẽ cho bạn lời khuyên về việc đeo kính thích hợp.
Người ở tuổi lão thị (thường sau 40 tuổi) cũng cần phải dùng kính phù hợp khi làm việc với máy tính. Kính đeo mắt phù hợp sẽ giúp chúng ta tránh khỏi nhức mỏi mắt, đau đầu mỏi gáy và mỏi cổ...
Hãy bảo vệ “cửa sổ tâm hồn”
Bạn là nhân viên văn phòng, kế toán viên, biên tập viên báo chí... thì chuyện phải làm việc hằng ngày với máy vi tính là điều bắt buộc. Bạn không thể tránh nguy cơ bị CVS bằng cách không làm việc với máy vi tính nữa. Theo bác sĩ - tiến sĩ Trần Hải Yến, vấn đề quan trọng nhất để giúp tránh CVS hoặc giảm nguy cơ bị hội chứng này là điều chỉnh thói quen làm việc. Theo đó, bạn hãy chú tâm hơn tới việc chớp mắt, nên rời mắt khỏi màn hình sau vài phút làm việc. Sau mỗi giờ ngồi trước màn hình, nên cho mắt nghỉ 15 phút. Ngoài ra, việc có những khoảng nghỉ ngắn trong thời gian làm việc với máy tính còn giúp giảm nguy cơ bị các chứng nguy hiểm về thần kinh, cột sống... Khi cảm thấy mắt bị khô, bạn có thể sử dụng thêm nước mắt nhân tạo. Đối với những người đeo kính, tiếp xúc máy tính thường xuyên khiến mắt dễ khô hơn, vì thế việc “làm ướt mắt” là rất quan trọng.
Việc bố trí chỗ ngồi, máy vi tính, đèn chiếu sáng hợp lý ở nơi làm việc cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc giảm nguy cơ bị CVS. Khoảng cách từ màn hình đến mắt nên nằm trong phạm vi 50 - 60 cm và tâm màn hình nên thấp hơn tầm mắt 20 cm. Màn hình để quá thấp hoặc quá cao so với tầm mắt, hoặc để lệch qua một bên sẽ không chỉ làm tăng nguy cơ bị hội chứng CVS mà còn có thể khiến bạn dễ bị mỏi gáy, cổ và bị các chứng bệnh về cột sống.
Cuộc sống hiện đại với bao áp lực buộc con người ta phải làm việc thường xuyên với máy tính và các thiết bị cầm tay như điện thoại di động, máy tính bảng. Các công cụ này là trợ thủ đắc lực để giúp cho cuộc sống thêm tiện nghi, nâng cao hiệu suất công việc. Tuy nhiên, chúng cũng là những “sát thủ” âm thầm nếu chúng ta không biết cách sử dụng hợp lý. Cho nên, lời khuyên ở đây là mỗi người hãy biết cách “thoát ly” khỏi máy tính mỗi khi có thể để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Bình luận (0)