Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế nên đã dẫn đến các vụ việc manh động, chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng. Ứng phó thế nào trước các loại tội phạm này?
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên về các vấn đề trên, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, nói: một mặt phải điều chỉnh pháp luật cho phù hợp, mặt khác phải đào tạo con người đồng thời đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để có thể đấu tranh triệt để với các loại tội phạm này. “Nhưng với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, chúng tôi đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ ngành công an luôn luôn cập nhật kiến thức, tự học hỏi để có thể ứng phó kịp thời”.
An toàn mạng máy tính trong tình trạng báo động
Thưa trung tướng, ông đánh giá thế nào về tình hình tội phạm công nghệ cao hiện nay?
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp, tình hình an ninh, an toàn mạng máy tính luôn đặt trong tình trạng báo động với nguy cơ bị tấn công, phá hoại, phát tán vi rút, phần mềm gián điệp, mã độc hại hoặc lợi dụng để hoạt động lừa đảo, trộm cắp tài sản cũng như tổ chức hoạt động cờ bạc, mại dâm trên mạng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Nổi lên một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm như sử dụng các tài khoản ảo để thu hút người tham gia dưới hình thức bán hàng đa cấp, sau đó đánh sập mạng để chiếm đoạt tài sản của người tham gia; tạo dựng các phần mềm bẻ khóa xâm nhập các tài khoản cá nhân, tổ chức để trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản qua mạng; trộm cắp thông tin thẻ tín dụng của các ngân hàng để lấy cắp tiền mua hàng trực tuyến qua mạng; cài đặt các thiết bị đọc, lấy cắp thông tin trên các thẻ tín dụng, thẻ ATM vào các máy rút tiền tự động của các ngân hàng trên địa bàn TP, sau đó làm giả thẻ tín dụng để rút tiền hoặc sử dụng để mua hàng qua mạng; tạo dựng sẵn nhiều kịch bản khác nhau, sử dụng mạng internet, thiết bị viễn thông công nghệ cao thực hiện cuộc gọi giả mạo các cơ quan công quyền giả danh nhân viên của các cơ quan chức năng đang thi hành nhiệm vụ, yêu cầu các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt; sử dụng các trang mạng xã hội để nhắn tin làm quen, giao lưu, kết bạn hoặc đặt vấn đề tình cảm nam nữ, trúng thưởng... sau đó vờ chuyển tiền, quà có giá trị để dẫn dụ người bị hại chuyển tiền cước vận chuyển, thuế, phí hải quan... để chiếm đoạt.
Lực lượng Công an TP đã ứng phó thế nào trước loại tội phạm này?
|
Quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, có những khó khăn, vướng mắc, bất cập gì thưa ông?
Đặc trưng của loại tội phạm này là đối tượng phạm tội thường là người có kiến thức, trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin, thường liên kết chặt chẽ qua các diễn đàn trên mạng internet để trao đổi cách thức, công cụ, kinh nghiệm, thủ đoạn phạm tội và đối phó các cơ quan chức năng; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi và có sự thay đổi liên tục.
Mặt khác, đối tượng chủ mưu, cầm đầu và hệ thống máy chủ hầu hết được đặt ở nước ngoài, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý; tài liệu, chứng cứ hầu hết là dữ liệu điện tử, rất dễ bị tiêu hủy, xóa dấu vết, khả năng phục hồi thấp, việc thu thập, bảo quản chứng cứ chứng minh tội phạm rất khó khăn, nhất là khi có yếu tố liên quan nước ngoài.
Vậy phải có những giải pháp đột phá?
Bên cạnh việc tham mưu cho ngành chức năng chỉ đạo khắc phục những sơ hở trong quản lý mạng internet; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các loại tội phạm công nghệ cao, chúng tôi chú trọng tuyên truyền để nhân dân nắm phương thức, thủ đoạn của tội phạm này, để người dân có ý thức tự phòng ngừa và tích cực cung cấp thông tin hỗ trợ lực lượng công an phát hiện, ngăn chặn…
Giải pháp đột phá nữa là củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường mua sắm, bổ sung trang thiết bị hiện đại; đào tạo, tuyển chọn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin cao để bổ sung cho lực lượng chuyên trách đảm bảo đủ sức đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ.
Mặc sắc phục công an thì phải bình tĩnh
Thưa trung tướng, dư luận rất đồng tình khi mới đây ông chỉ đạo tạm đình chỉ một thiếu úy công an xô xát với người bán hàng rong. Vì sao vẫn còn xảy ra tình trạng này, thưa ông?
Phải nói rằng ý thức người dân còn hạn chế nên đã dẫn đến nhiều vụ việc chống đối người thi hành công vụ đáng tiếc xảy ra. Trong thời gian qua, tình hình chống người thi hành công vụ trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Từ năm 2012 - 2015 xảy ra 282 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó chủ yếu là chống lại lực lượng cảnh sát. Nguyên nhân chủ yếu như tôi vừa nói là do ý thức chấp hành pháp luật, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế dẫn đến vi phạm pháp luật vẫn xảy ra nhiều, khi bị xử lý thường có tâm lý chống đối; mặt trái của kinh tế thị trường và những tác động tiêu cực từ văn hóa phẩm độc hại làm cho đạo đức một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ bị suy thoái, hình thành tư tưởng xem thường pháp luật, xem thường người thi hành công vụ.
Nhưng mặt khác cũng phải nhận thấy rằng trình độ thực thi công vụ, khả năng giao tiếp, phương pháp xử lý của một bộ phận cán bộ chiến sĩ trong từng tình huống cụ thể còn hạn chế; tác phong, ngôn phong trong khi thực hiện nhiệm vụ chưa chuẩn mực, thiếu kiên quyết; một số cán bộ chiến sĩ chưa thực hiện nghiêm túc quy trình công tác, cách ứng xử và giải quyết, giải thích cho người dân chưa rõ ràng, thiếu thuyết phục, cá biệt còn có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây ức chế cho người dân.
Trở lại vụ việc xô xát với người bán hàng rong nói trên, người dân có thể quá khích nhưng chúng tôi không chấp nhận việc hành xử của công an làm nhiệm vụ. Mình mặc sắc phục công an thì phải bình tĩnh, kể cả nếu bị chửi bới, nhục mạ. Mình nóng quá, kiềm chế không được nên từ chỗ người đúng lại thành sai.
tin liên quan
Tạm đình chỉ thiếu úy công an xô xát với người bán rong ở Hồ Con RùaCông an quận 3 (TP.HCM) vừa tạm đình chỉ công tác thiếu úy Bùi Xuân Hải, liên quan đến việc xô xát với người bán rong ở khu vực Hồ Con Rùa.
Hạn chế tình trạng này bằng cách nào, thưa trung tướng?
Ngoài việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, chúng tôi đặc biệt chú trọng xây dựng quy trình thực thi công vụ một cách cụ thể, minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở cho cán bộ, chiến sĩ giải quyết vụ việc xảy ra trong quá trình thực thi công vụ.
Công an TP tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, nâng cao trình độ thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong quá trình công tác. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời giải quyết các yêu cầu, kiến nghị liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của tổ chức, công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Hỗ trợ dân khi có sự cố thiên tai
Trung tướng Lê Đông Phong chia sẻ: “Công an TP.HCM đã triển khai kế hoạch về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 và thực hiện việc tăng cường các biện pháp ứng phó, hướng dẫn, điều tiết giao thông, hỗ trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai, sự cố trên các tuyến, trong đó trọng tâm: huy động lực lượng phản ứng nhanh sẵn sàng triển khai ngay trên mọi khu vực của TP khi xảy ra các sự cố như mưa lớn, triều cường, ngập nước, cây đổ...
Khi xảy ra các sự cố về thiên tai, tùy tình hình cụ thể Ban Giám đốc Công an TP triển khai lực lượng khẩn trương phối hợp với các lực lượng khác làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn người dân lưu thông vào các tuyến đường tránh, khu vực an toàn; hỗ trợ, giúp đỡ người dân (nhất là khu vực bị cô lập, người già, phụ nữ, học sinh, trẻ em...) đến nơi trú ẩn an toàn; ngăn chặn không để bọn tội phạm lợi dụng để trộm cắp, hôi của, cướp giật...”.
|
Bình luận (0)