Làm gì với những cuốn sách khuyến khích tiêu diệt động vật hoang dã? - Kỳ 2: Kiên quyết gạn đục khơi trong

30/09/2015 15:29 GMT+7

(TNO) Nhà nước ta quyết định cấm đốt pháo, pháo bị loại bỏ khỏi đời sống. Nhà nước ta quyết định toàn dân phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không ai dám làm trái. Nhưng tình hình lại không diễn ra như vậy đối với những việc cấm săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã .

(TNO) Nhà nước ta quyết định cấm đốt pháo, pháo bị loại bỏ khỏi đời sống. Nhà nước ta quyết định toàn dân phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không ai dám làm trái. Nhưng tình hình lại không diễn ra như vậy đối với những việc cấm săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã.

Các bài thuốc đông y cổ đại hầu như không sử dụng các bộ phận của động vật hoang dã, trừ những bộ phận có thể tái tạo được - Ảnh: WWFCác bài thuốc đông y cổ đại hầu như không sử dụng các bộ phận của động vật hoang dã, trừ những bộ phận có thể tái tạo được - Ảnh: WWF
Ngày xưa vua Minh Mệnh chỉ cho phép dùng gỗ tứ thiết để xây dựng đền chùa miếu mạo, cấm dân chúng sử dụng các loại gỗ quý này trong xây dựng nhà cửa, nhờ chủ trương đó mà giữ được rừng.
Ngày nay chủ trương cấm phá rừng rầm rộ tiền hô hậu ủng nhưng không giữ được rừng, bởi vì gỗ quý vẫn được dùng một cách hợp pháp trong các công trình dân dụng. Các hậu bối chúng ta còn lâu mới theo kịp sự sáng suốt của cha ông.
Trung Quốc là một anh rất “đểu” trong chuyện này, họ cấm khai thác gỗ và không cấm sử dụng gỗ quý nhưng lại hạ thuế nhập khẩu gỗ xuống khoảng 10 lần sau khi gia nhập WTO để “xuất khẩu” phá rừng ra các nước khác. Sự “đểu” đó chúng ta tuyệt đối không nên học.
Việc bảo vệ động vật hoang dã cũng như bảo vệ rừng không đơn giản như cấm đốt pháo hay yêu cầu đội mũ bảo hiểm. Có quá nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo. Nhưng bảo vệ thiên nhiên cũng cấp thiết như chữa một ngôi nhà đang cháy, thấy cái gì làm được là phải lập tức làm ngay, không thể đợi có sự “đồng bộ”. Một trong những chuyện chúng ta có thể “thấy” và có thể làm ngay là triệt tiêu các nhân tố “kích cầu”. Trước hết là “xử lý” những cuốn sách mà tôi đã nói ở kỳ trước. Các cuốn sách đó cùng những tài liệu biến tấu từ chúng hiện đang là nhân tố “kích cầu” lớn nhất.
Cần một cuộc khảo sát và thẩm định nghiêm túc hai cuốn sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh và Nam Dược thần hiệu (cũng như các cuốn sách tương tự) - Ảnh bài một bản sách ​Hải Thượng y tông tâm lĩnh
Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông được nhân dân coi là những “thần y”, là các danh nhân lịch sử. Hai ông có y thuật cao siêu và nhân cách lớn, những người như vậy bao giờ cũng sống thuận với thiên nhiên, không lý gì lại đưa ra các bài thuốc tiếp tay cho sự hủy diệt sự sống nơi hoang dã. Có nhiều căn cứ để khẳng định hai cuốn Hải Thượng y tông tâm lĩnhNam Dược thần hiệu không phải là của Lê Hữu Trác và Tuệ Tĩnh, hoặc nội dung của chúng chỉ có một phần là của hai ông, phần khác do người đời sau đưa những kinh nghiệm dân gian hoặc tự ý thêm thắt vào. Thời đại ngày nay cũng không thể “đốt” sách, cũng khó mà thu hồi hoặc cấm. Tôi xin đề xuất các giải pháp khôn ngoan :
Thứ nhất, bên cạnh việc tăng nặng hình phạt đối với việc săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ, phải bổ sung các điều luật nhằm cấm việc tuyên truyền phổ biến hoặc lưu hành các tài liệu nhằm kích thích việc săn bắt và giết hại động vật hoang dã, kể cả các tài liệu về y dược và ẩm thực.
Thứ hai, tổ chức một cuộc khảo sát và thẩm định nghiêm túc hai cuốn sách Hải Thượng y tông tâm lĩnhNam Dược thần hiệu (cũng như các cuốn sách tương tự). Tham gia cuộc khảo sát và thẩm định này có các chuyên gia có y tín về y dược học hiện đại và cổ truyền, các nhà sử học, ngôn ngữ học trong nước và quốc tế. Sau khi khảo sát và thẩm định, nếu không đủ căn cứ để khẳng định hai cuốn sách này là của Tuệ Tĩnh và Lê Hữu Trác thì tách tên tuổi hai vị ra khỏi hai cuốn sách và loại bỏ các bài thuốc sử dụng động vật hoang dã cũng như các bài thuốc biết chắc là có hại cho tính mạng người dùng, chẳng hạn các bài thuốc chứa chì hoặc thủy ngân, trước khi cho lưu hành. Nếu vẫn giữ tên tuổi của hai vị đối với cuốn sách, thì ngoài việc loại bỏ những bài thuốc sử dụng động vật hoang dã và các bài thuốc biết chắc là độc hại nói trên, cần thiết phải loại luôn những bài thuốc không có tác dụng chữa bệnh bị nghi ngờ là không phải của các vị. Đừng nghĩ là có những bệnh nhất thiết phải dùng đến dược liệu từ động vật, vì ngay cả đối với các bài thuốc sử dụng 36 loài động vật hoang dã ghi trong Hải Thượng y tông tâm lĩnh được cho là của Lê Hữu Trác, trong chính cuốn sách đó cũng ghi những bài thuốc trị những bệnh tương tự bằng thảo dược. Đây là cách gạn đục khơi trong những di sản của tiền nhân. Lịch sử văn bản học thế giới có nhiều thực tế thêm thắt như thế này, chẳng hạn như cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử, nhiều chương được các nhà nghiên cứu khẳng định không phải của ông. Tuy nhiên, đối với sách triết học hay văn học thì không gây tác hại lập tức đến cuộc sống con người, nên người ta vẫn cứ để kèm theo bình luận, còn sách y dược lại rất nguy hiểm, nhất thiết cần phải loại bỏ. Tôi tin các nhà chuyên môn về y dược cũng như về lịch sử nếu phối hợp với nhau chắc sẽ làm được việc này.
Thứ ba, rà soát lại tất cả các tài liệu về y dược được lưu hành một cách chính thống, trước hết là các tài liệu được giảng dạy trong các trường y dược và kiên quyết loại bỏ các tài liệu khuyến khích săn bắt và giết hại động vật hoang dã. Sau khi có các điều luật nói trên, các tài liệu này trở nên bất hợp pháp. Phải xử phạt thật nặng các cơ quan truyền thông cũng như xuất bản lưu hành các tài liệu khuyến khích săn bắt và giết hại động vật hoang dã một cách bất hợp pháp này.
Thứ tư, khuyến khích việc nghiên cứu áp dụng thảo dược trong phòng và chữa bệnh. Trên thế giới cũng như trong nước, đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích nổi trội của thảo dược so với dược liệu lấy từ động vật. Thực tế trong dân gian cũng như truyền thống của nền y dược dân tộc chân chính chủ yếu đều sử dụng thảo dược. Các bài thuốc đông y cổ đại cũng hầu như không sử dụng các bộ phận của động vật hoang dã, trừ những bộ phận có thể tái tạo được, chẳng hạn như xác ve, xác rắn khi con vật lột vỏ. Và không chỉ ngày xưa, nhiều thầy thuốc đông y chân chính hiện nay cũng chữa bệnh theo truyền thống đó, tuyệt đối không sử dụng các bộ phận của động vật hoang dã.
Chúng ta đều biết bộ máy tuyên truyền của chúng ta rất mạnh và rất có hiệu quả khi quyết tâm thực hiện một chủ trương chính sách. Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm, việc loại bỏ các thứ “tri thức” gây hại cho con người và cho môi trường không những không hề bị mang tiếng là hạn chế tự do thông tin mà chắc chắn sẽ được đông đảo người dân đồng thuận và thế giới hưởng ứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.