Mặc dù ít đất sản xuất, nhưng nhờ cần cù chịu khó và mạnh dạn phá bỏ thế độc canh cây lúa chuyển sang mô hình luân canh rau màu mà gia đình chị Huỳnh Thị Sấp (người dân tộc Khmer, ngụ ấp Bình Tốt B, xã Vĩnh Phú Tây, H.Phước Long, Bạc Liêu) đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá, với thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.
Chị Sấp kể, trước đây gia đình chị chỉ có 4 công đất ruộng, nhưng do đất lung trũng, nhiễm phèn nặng, cỏ năn cỏ lác mọc đầy nên trồng lúa năng suất rất thấp. Do đó, dù chí thú làm ăn, chuyên cần lao động nhưng do sản xuất độc canh cây lúa nên nguồn thu nhập chỉ đủ sống đắp đổi qua ngày, chẳng thể “ngóc đầu” lên được.
Năm 2011, sau khi tính toán, chị Sấp bàn với chồng chuyển toàn bộ 4 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang luân canh trồng rau màu.
Ban đầu, anh chị quyết định chuyển sang trồng dưa hấu. Nhờ cần cù, siêng năng, chịu khó học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật từ những người có thâm niên trong nghề trồng dưa hấu ở địa phương; đồng thời thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông để nâng cao kiến thức trong trồng trọt nên ngay vụ dưa đầu tiên, gia đình chị trúng lớn.
Vụ dưa chỉ kéo dài 2 tháng, nhưng sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình chị còn lời trên 20 triệu đồng. Chị Sấp so sánh: “Trồng lúa rất vất vả, đến mùa thu hoạch tính ra mỗi công chỉ còn lời hơn 1 triệu đồng. Trong khi trồng dưa hấu thời gian ngắn, nhưng lợi nhuận thu được gấp cả chục lần, lại ít tốn công chăm sóc”.
tin liên quan
Bí quyết làm giàu: Biến đất hoang thành vàngTừ khu đất hoang cằn cỗi, ông Lê Xuân Quang đã biến chúng thành một trang trại trù phú, mỗi năm doanh thu hơn 1,5 tỉ đồng.
Từ thành công bước đầu với mô hình trồng dưa hấu, chị Sấp bàn với chồng quyết định đầu tư thuê xe cuốc để cải tạo 5 công đất vườn đang bị bỏ hoang để tiếp tục chuyển sang trồng rau màu.
Số đất này chị Sấp chia ra thành 2 khoảnh: 2 công trồng luân canh bắp trái, còn 3 công trồng rau mác, bồ ngót. Theo chị Sấp, trồng bắp ít tốn công chăm sóc, đặc biệt giá bắp luôn ổn định từ 1.500 - 1.800 đồng/trái nên mỗi đợt thu hoạch thu lời trên 10 triệu đồng. Còn rau mác là loại rau rất dễ trồng lại ít tốn công chăm sóc, thời gian thu hoạch kéo dài. Chỉ cần gieo hạt một lần ở vụ đầu tiên, các vụ sau cây kết trái, hạt già sẽ rụng xuống tiếp tục tạo giống phát triển và cho năng suất không thua vụ trước.
Với 3 công đất trồng rau mác, bình quân mỗi ngày gia đình chị Sấp thu hoạch từ 100 - 150 kg cung cấp theo nhu cầu của thương lái.
Rau mác được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ mạnh ở các chợ đầu mối trong khu vực ĐBSCL nên giá cả ổn định. Hiện thương lái đến tận nhà chị Sấp thu mua với giá dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Chị Sấp còn tận dụng đất trống quanh nhà, đất bờ bao trồng thêm hàng ngàn gốc rau bồ ngót, dù diện tích không nhiều nhưng cũng giúp cho gia đình có thêm nguồn thu nhập kha khá. Tính chung, với mô hình luân canh bắp, dưa hấu, rau mác, rau bồ ngót... mỗi năm gia đình chị có nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng.
Từ một hộ nghèo “thiếu trước, hụt sau”, nhờ chí thú làm ăn và mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả, gia đình chị Sấp đã có “của ăn của để”. Hiện nhiều nông dân ở H.Phước Long đang học hỏi, áp dụng mô hình luân canh rau màu của chị Sấp để thoát nghèo.
tin liên quan
Tự tạo cơ hội: Trồng rau trong nhà lướiAnh Huỳnh Đức Phú (45 tuổi) ở P.Phú Lâm, TP.Tuy Hòa là người đầu
tiên ở Phú Yên mạnh dạn đầu tư nhà lưới và phân chuồng để trồng rau
sạch.
Bình luận (0)