“Ăn nằm” với biển
Một buổi trưa hè, ông Võ Xuân Cẩm, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.Phổ Quang, đưa chúng tôi đến làng chài ở tổ dân phố Hải Tân, P.Phổ Quang. Đi qua đoạn đường bê tông rộng rãi, chỉ ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự hoành tráng, ông Cẩm bảo: “Nhà ngư dân Nguyễn Thành Sơn đây. Nó đi săn cá biển, xây được ngôi nhà to bự này đây”.
Vào nhà gặp ông Sơn, chúng tôi nhận ra ngay ông là một ngư dân chính hiệu, bởi màu da đen đặc trưng của người hay đi biển. Trò chuyện về nghề, về những tháng năm “ăn nằm” với biển, chúng tôi cảm nhận sự chất phác toát ra từ từng lời nói của ông Sơn, một phẩm chất điển hình của những ngư dân chuyên làm bạn với sóng nước mênh mông.
Ông Sơn kể 18 tuổi ông đã theo người lớn ra biển đánh cá, vừa kiếm tiền vừa học nghề. Chỉ sau 2 năm tích lũy, ông Sơn đã tự sắm được tàu cá, 1 chiếc tàu có mã lực 33 CV, dài gần 13 m. Thời đó, nhiều thanh niên còn ham chơi thì ông Sơn đã chí thú làm ăn. Có tàu cá rồi, ông cùng 9 lao động trên tàu bắt đầu ra khơi kiếm ăn. “Đánh bắt vùng lộng nên nghe ở đâu có cá là chạy ghe tới liền. Tụi tui ra tận biển Dung Quất, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) chứ không loanh quanh biển gần nhà”, ông Sơn nhớ lại.
Con tàu đánh bắt cá kiếm xa bờ của ngư dân Nguyễn Thành Sơn |
HẢI PHONG |
Ông Sơn kể, năm 2005 ông cùng anh em trên tàu ra đánh cá nổi ở vùng biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Có một đêm, tàu kéo lưới lên mà vừa mừng vừa lo, phập phồng sợ rách lưới, vì cá quá nhiều: gần 5 tấn cá. Chỉ một đêm thôi mà ông kiếm được mấy mươi triệu đồng. Ngày đó, bà con làng chài Quảng Ngãi hễ nghe đến ông Sơn đều tấm tắc khen: nhỏ mà giỏi.
Ông Sơn cho biết khi đó dầu đi biển chỉ 3.000 - 4.000 đồng/lít, vàng khoảng 800.000 đồng/chỉ nên mấy mươi triệu là rất nhiều tiền. “Anh em đi bạn (lao động trên tàu) mỗi năm kiếm 50 - 60 triệu đồng/người, nên ai cũng phấn khởi. Còn chủ tàu kiêm thuyền trưởng mức thu nhập thì gần 5 - 6 lần như thế”, ông Sơn kể.
Nghề săn cá kiếm
Đến hôm nay, ông Sơn không còn đánh bắt gần bờ nữa mà vươn khơi đánh bắt cá xa bờ với con tàu QNg 94857 TS, dài 16,5 m, rộng 5,2 m, công suất 718 CV, phần lớn thời gian đánh bắt ở vùng biển nằm giữa 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ khi đi biển đến giờ, chưa bao giờ ông Sơn tự thỏa mãn với con tàu mình đang có, mà khi có tiền, ông sẽ sắm mới ngư lưới cụ, đóng tàu to hơn để ra khơi thuận lợi hơn. Con tàu hiện giờ là chiếc thứ 5 mà ông Sơn có được.
Ngư dân Nguyễn Thành Sơn trước cảng Mỹ Á (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) |
Về biển Mỹ Á (TX.Đức Phổ), nghe mọi người nói là vùng nổi tiếng với việc ngư dân chuyên đi “đánh kiếm”, thấy là lạ, chúng tôi hỏi ra thì biết đó là họ dùng lưới rê nổi để đánh bắt cá kiếm. Nói về lưới đánh cá này, ông Sơn cho biết năm 2018, ông đầu tư 1,3 tỉ đồng mua nguyên dàn lưới dài khoảng 18 km, nặng chừng 3,3 tấn. Còn về loài cá kiếm nói trên, được ví như hung thần đại dương, vì đầu nhọn như lưỡi kiếm, xiên qua con mồi để ăn mồi. Loài cá này khi lớn, có con dài đến 4 m, nặng đến 500 kg. Vậy mà ông Sơn lại theo đuổi nghề bắt loại cá dữ này.
Ông Sơn kể cá kiếm hay di chuyển khắp nơi, nổi lên mặt nước để bắt cá khác làm mồi, vì vậy tàu cũng phải di chuyển theo, khi thì đuổi từ phía sau, lúc thì chặn phía trước. Với nghề săn cá kiếm, mỗi mẻ lưới kéo lên được 3 - 4 con cũng vui rồi, còn 5 - 6 con cũng được xem là “trúng mánh”. Bởi mỗi con 200 - 300 kg với giá bán từ 45.000 - 60.000 đồng/kg thì cũng thu nhập kha khá.
Theo nghề lưới rê nổi săn cá kiếm từ nhiều năm nay, ông Sơn cùng 9 lao động trên tàu chưa bao giờ thất bại. Mỗi chuyến biển đi - về gần 20 ngày, luôn kiếm được từ 15 - 20 tấn cá kiếm, thu về từ 300 - 500 triệu đồng. Đặc biệt trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành, nhưng tàu cá của ông Sơn vẫn trúng lớn. Có chuyến đi trong tháng 8, chỉ ra biển 5 ngày đã kéo được 7 tấn cá, trong đó có một mẻ lưới được gần 2 tấn, về bờ bỏ túi 400 triệu đồng.
Nói về giá xăng dầu tăng hiện nay, ông Sơn bảo cũng gây khó khăn cho ngư dân, có điều ông vẫn đảm bảo anh em trên tàu kiếm được ít là 10 triệu, còn nhiều là 30 triệu đồng/phiên biển. Hơn nữa, với loài cá kiếm này, ngư dân không phải lo về giá cả lên xuống. Vì cá này có giá trị kinh tế cao, nên từ trước đến nay đầu ra luôn được các công ty, thương lái tại nhiều tỉnh thành thu mua ổn định.
Ngư dân Nguyễn Thành Sơn (bìa trái) trên tàu cá của mình |
Luôn học hỏi
Khi chúng tôi hỏi vì sao ông luôn thắng trong mỗi phiên biển, thì ngư dân Sơn cười hiền, chia sẻ đó là nhờ ông luôn học hỏi kinh nghiệm nghề từ người đi trước, rồi học từ anh em cùng đi biển chung trên tàu cá. Ngoài ra, khi đi đến vùng biển hay có cá khoảng thời điểm nào là phải ghi chép. Khi di chuyển, nhìn vào màu nước tự nhiên, có thể phát hiện cá đang di chuyển. Cụ thể như khi theo lòi nước (dòng chảy), thấy nước đục khác thường là biết cá di chuyển, thì chạy theo bủa lưới hoặc chạy tàu chặn đầu lại.
“Đó là chưa kể, cá đóng (di chuyển nổi lên mặt biển) theo trăng vào tháng giêng, hai âm lịch. Khi trăng lên cá không nổi, nhưng trăng lặn thì cá mới nổi lên. Tàu từng đánh được 8 tấn cá theo trăng kiểu này”, ông Sơn kể. Cũng theo ông Sơn, phải đầu tư ngư lưới cụ thật tốt mới mong đánh cá hiệu quả. Điển hình như năm 2018, nhờ đầu tư lưới cụ mới, tốt nên tàu ông Sơn luôn thắng khi ra khơi.
Hiện nay, sau thời gian “đại tu” tàu cá, ông Sơn còn thay mới dàn lưới 160 tấm lưới, chi phí 850 triệu đồng. Nhờ những kinh nghiệm đi biển và luôn nâng cấp ngư lưới cụ, tàu săn cá kiếm của ông Sơn thu về mỗi năm tiền tỉ, xây nhà khang trang và cho con cái ăn học đàng hoàng.
Ngôi nhà tiền tỉ của gia đình ngư dân Nguyễn Thành Sơn |
Tình nghề, tình quê
Ông Võ Xuân Cẩm, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.Phổ Quang, không tiếc lời khen khi nói về ngư dân Nguyễn Thành Sơn. Trong nghề biển, ông Sơn là người đi đầu trong đầu tư thiết bị ngư lưới cụ để đánh bắt hiệu quả. Hàng chục tàu cá cùng nghề ở đây cũng làm theo và mang lại hiệu quả, đời sống khấm khá hơn. Đáng nói nữa là, khi đánh bắt chỗ nào trên biển có cá, ông Sơn còn gọi các tàu khác cùng đến để làm chung, cùng hưởng lợi.
“Làng xóm, ai có hoạn nạn, chỉ cần đến nhà là nó đóng góp liền, còn đóng góp nhiều nữa, rất là mau mắn. Hàng chục trường hợp đã được Sơn giúp đỡ mà không câu nệ điều gì”, ông Cẩm nói.
Cũng theo ông Cẩm, hiện ngư dân Sơn còn là “đầu tàu” của quỹ tương trợ ngư dân ở địa phương. Quỹ này huy động theo cách: sau mỗi phiên biển trở về, các tàu cá đóng góp từ 200.000 - 400.000 đồng vào quỹ, tàu nào trúng đậm thì góp tiền triệu. Từ những đồng tiền tình nghĩa đó, sẽ hỗ trợ cho những ngư dân hoạn nạn, khó khăn trong đời sống, giúp họ có cần câu để vươn lên.
Còn nhớ vào tháng 11.2019, 8 ngư dân trên tàu cá Quảng Bình ăn ốc bị ngộ độc ngoài vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), chính ngư dân Sơn đã lái tàu ra đón họ vào đất liền cấp cứu, sau đó 7 ngư dân được cứu sống. “Lâu lâu, anh em Quảng Bình lại gọi điện hỏi thăm, nghĩa tình lắm. Đời người đi biển nhiều bất trắc nhưng cũng vui hơn với cái nghĩa, cái tình người”, ông Sơn nói. (còn tiếp)
Bình luận (0)