Làm giàu từ biển: Phất lên nhờ đội tàu không lưới

12/07/2022 06:30 GMT+7

Kiên trì theo đuổi nghề câu ở ngư trường Hoàng Sa với những công nghệ khai thác 'có một không hai', đội tàu 'khủng' đã giúp ngư dân Lê Văn Thiên (47 tuổi, trú P.Thuận Phước, TP. Đà Nẵng ) thành tỉ phú, góp phần giải quyết sinh kế cho hàng chục lao động.

Nuôi cá biển trong khoang tàu

Con tàu ĐNa 90888 do ông Thiên làm thuyền trưởng cập cảng cá Thọ Quang (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) vào một ngày cuối tháng 6. Khác với cảnh thương lái tới thu gom hàng để đem ra chợ, hải sản từ tàu của ông Thiên chuyển ngay đến những thùng nước biển của chủ các nhà hàng.

Đội tàu của tỉ phú ngư dân Lê Văn Thiên thường xuyên hiện diện ở Hoàng Sa để đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

HOÀNG SƠN

Chuyến biển nào cũng vậy, 4 tàu cá do ông Thiên làm chủ luôn được các nhà hàng săn đón ngay từ đầu. “Không như các tàu cá khác, 4 tàu của tôi gồm ĐNa 90888, ĐNa 91156, ĐNa 91158 và ĐNa 91162 đều có thể nuôi cá trong… khoang. Bởi vậy, họ mua cá của tôi không hỏi cá tươi hay không, mà hỏi cá sống có nhiều không”, ông Thiên dí dỏm.

Tất nhiên là cá được nuôi phải còn sống thì các nhà hàng mới cất công đến tận tàu để “đón cá” về phục vụ thực khách. Còn nếu không sống được, ông Thiên liền cho ngay vào khoang đá nên độ tươi ngon cũng thuộc vào hàng đỉnh.

Ngư dân Lê Văn Thiên với con cá cờ “khủng” câu được ở ngư trường Hoàng Sa

S.X.

Ông Thiên kể, hồi mới từ quê Hà Tĩnh vào Đà Nẵng theo nghiệp đi biển, ông cũng theo nghề lưới vây như nhiều ngư dân. Thế rồi, hơn 10 năm trước, ông được tận mắt chứng kiến những ngư dân Indonesia khai thác hải sản bằng cần câu tay. Số lượng thu được tuy không bằng dùng lưới nhưng hiệu quả lại rất cao nhờ cá tươi nên được giá.

“Tôi mạnh dạn từ bỏ nghề lưới vây và đóng tàu để vươn khơi câu cá bằng tay. Khác hoàn toàn so với dùng lưới, cá bắt được từ lưỡi câu vẫn còn sống nên khi cho vào hầm thì “cá sẽ chết trong đá”, giữ được độ tươi sau 10 ngày, có mẻ đạt đến gần 100%. Các nhà hàng rất ưa chuộng hải sản của chúng tôi nên khi tàu rời bến là yên tâm ngày về sẽ không thiếu đầu ra”, ông Thiên nói.

Điểm đặc biệt nhất trên các con tàu của ông Thiên là bên trong khoang có hầm hút nước biển để nuôi cá vừa câu được. Hằng ngày ở ngư trường Hoàng Sa, các loại cá cam, cá mú, cá khế, cá thu, cá hồng… dính câu đều được các ngư dân tuyển chọn để cho vào “bể” chăm sóc. Cá không đủ chuẩn thì cho vào hầm lạnh ngay để đảm bảo độ tươi ngon.

Làm chủ công nghệ mới

Cũng nhờ hành nghề câu tay nên trên 4 tàu cá của ông Thiên khi nào cũng sạch sẽ. Các ngư dân sau khi kết thúc buổi câu liền thu cần, vệ sinh khoang cẩn thận.

Dẫn tôi tham quan 4 con tàu neo tại cảng sông Hàn, ông Thiên cho biết nghề câu giúp ông và các bạn thuyền sống trong môi trường thoải mái hơn, không phải chịu cảnh lao động nặng nhọc với lỉnh kỉnh ngư lưới cụ, giàn đèn…, cũng không phải hít thở mùi cá nồng nặc vì để lâu ngày.

“4 con tàu đều được tôi đóng mới với công suất từ 800 - 830 CV cùng nhiều trang bị hiện đại, nhất là hầm lạnh bảo quản. Nhưng đặc biệt nhất là con tàu ĐNa 90888 với hệ thống sản xuất đá viên trực tiếp từ nước biển ngay trên tàu theo công nghệ của Nhật Bản”, ông Thiên tự hào giới thiệu.

Có lẽ không nhiều tàu cá Việt Nam sở hữu chiếc máy sản xuất đá trực tiếp này. Ông Thiên kể, năm 2019, sau khi tìm hiểu cách thức khai thác cá trên biển cùng với sự khảo sát kỹ lưỡng, một tổ chức của Nhật Bản đã tài trợ cho tàu của ông thiết bị làm đá lạnh từ nước biển trị giá hơn 1 tỉ đồng và chuyển giao kỹ thuật bảo quản tiên tiến. Quy trình vận hành chiếc máy khá đơn giản.

“Chỉ cần cho tàu ra đến vùng biển đủ độ sâu, độ mặn (thường thì cách bờ khoảng 10 hải lý), tôi sẽ ra sau đuôi tàu khởi động máy. Sau khoảng 20 phút hút nước biển, máy sẽ cho ra những viên đá lạnh rồi đẩy thẳng xuống hầm chứa của tàu”, ông Thiên nói.

Nhờ tiếp thu tốt sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản trong công nghệ bảo quản cá bằng nước đá biển nên cá trên tàu của ông Thiên khi nào cũng tươi ngon, gần như tuyệt đối, bởi cá không bị chết trước khi đông lạnh. Ngay khi vừa câu lên, cá được đưa vào hầm nước đá mặn để “làm ngất” chứ không làm chết bằng lực tác động, vì như vậy sẽ làm giảm chất lượng thịt. Kế tiếp, cá được đưa ngay vào hầm bảo quản để “ngủ đông”. Nhờ việc đi biển ngắn ngày, thường là dưới nửa tháng, nên cứ hễ tàu về bờ là hải sản được các nhà hàng “đón” ngay.

“Ba năm được lắp đặt chiếc máy độc đáo này, tôi đã tiết giảm nhiều chi phí. Cũng nhờ nó mà thương hiệu “Thiên cá sống” được nhiều người biết đến. Tôi mong những ngư dân khác cũng mạnh dạn đầu tư thiết bị và công nghệ bảo quản mới để nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh cho hải sản. Khi đó, nghề đi biển nhàn hơn mà thu nhập cũng cao hơn”, ông Thiên trải lòng.

Giàu vì bạn

Trò chuyện với tôi, lúc nào ngư dân Lê Văn Thiên cũng nhắc đến những người đi bạn (thuyền viên) cho mình. Ông bảo, dân gian có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ”, ông có được cơ ngơi như ngày hôm nay cũng chính là nhờ những người đi bạn cho mình.

“Họ là những người đi bạn nhưng cũng là những người bạn thân thiết của tôi. Không có họ thì gia đình tôi không thể có xe, có 2 căn nhà, có 4 con tàu như bây giờ”, ông chia sẻ.

Để 4 con tàu có thể hiện diện ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, ông Thiên cần khoảng 40 lao động (khoảng 10 người/tàu). Chính đội ngũ này giúp ông kiếm được khoảng 2 tỉ đồng/năm sau khi trừ các khoản chi phí. Dù ở thời điểm thuận lợi hay khó khăn, ông Thiên lúc nào cũng cố gắng bao lo ăn uống, dành khoản thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng/thuyền viên. Bởi ông tâm niệm rằng họ có yên tâm đi bạn, gắn bó với những con tàu thì hải sản mới có thể về bờ, giúp ông ăn nên làm ra.

Thế mới có chuyện khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 8.2021, cả TP.Đà Nẵng bị “phong tỏa”, dù tàu thuyền không thể xuất bến để có nguồn thu nhưng ông Thiên vẫn nuôi ăn, trả “lương cứng” 5 - 10 triệu đồng/ngư dân để họ có thể lo cho gia đình.

“Anh em gắn bó cả đời trên biển cả, không nề hà làm giàu cho mình, vậy thì hà cớ gì những lúc khốn khó trong dịch dã mình lại để anh em đói khổ được”, ông tâm sự.

Xúc động hơn, mỗi năm sau khi được nhà nước hỗ trợ 1,6 tỉ đồng tiền dầu theo Quyết định 48 của Chính phủ, ông Thiên chỉ lấy một nửa để tái đầu tư cho đội tàu. 800 triệu đồng còn lại, ông chia đều cho các thuyền viên.

“Số tiền đó là công sức của anh em. Họ xứng đáng nhận được. Tôi có 4 con tàu đó nhưng nếu không có thêm 3 thuyền trưởng, không có máy trưởng, thuyền viên thì tàu làm sao hiện diện ở ngư trường Hoàng Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo được”, ông lý giải.

Từng là hộ nghèo của địa phương, để vươn lên làm giàu từ biển cả, ngư dân Lê Văn Thiên thấm thía sự đồng hành của những người bạn thuyền. Trước đây, mỗi chuyến tàu ra khơi tốn khoảng 50 triệu đồng tiền dầu, thì nay đã tăng gấp đôi. Dù vậy, để các bạn thuyền không nản lòng, ông vẫn cho 4 tàu ngang dọc Hoàng Sa câu cá biển.

“Trước đây, mình thu được 10 thì nay thu được 5. Nếu ít quá, mình cố gắng bù vào cho anh em. Làm sao phải giữ cuộc sống ổn định cho anh em thì họ mới gắn bó lâu dài với mình”, ông Thiên đúc kết.

(còn tiếp)

Làm giàu từ biển

'Đánh kiếm' xa bờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.