Làm giàu từ biển: Rẽ sóng vươn khơi Hoàng Sa

18/07/2022 06:08 GMT+7

Gác lại dự định làm cán bộ xã, ông Phan Văn Hải (xã Quỳnh Lập, TX.Hoàng Mai, Nghệ An ) chuyển sang nghề biển và chỉ ít năm sau, ông đã đóng được 5 con tàu trị giá hàng chục tỉ đồng để vươn khơi, làm giàu, trở thành đầu tàu của làng biển.

Hẹn mãi, tôi mới gặp được Phan Văn Hải, vì ông đang mải đánh bắt ở ngoài khơi. Giá dầu còn mức cao đã khiến nhiều ngư dân phải để tàu nằm bờ vì ra khơi sợ lỗ, nhưng thuyền trưởng 47 tuổi này vẫn liên tục kiên trì bám biển.

Đầu tàu của làng biển

Sau 3 năm làm thuyền viên trên một con tàu vận tải, nhận thấy công việc này khó nhọc, Phan Văn Hải quyết định quay về nhà đi học bổ túc để lấy bằng trung học phổ thông khi đã 22 tuổi. Tốt nghiệp THPT, năm 1999, ông về làm cán bộ Đoàn xã, sau đó được cử đi học đại học tại chức ngành luật để quy hoạch làm cán bộ xã. Sắp đến ngày nhập học, ông Hải bất ngờ thay đổi ý định, không theo đuổi con đường làm cán bộ nữa mà ra khơi đánh cá. “Nhìn cha tôi và chú tôi xoay xở với con tàu cũ, thấy thương. Mình sức dài vai rộng, không ra khơi cũng áy náy”, ông Hải kể. Kể từ đó, ông bắt đầu rẽ sóng vươn khơi trên chiếc tàu cũ của gia đình.

Kiên trì bám biển, từ nguồn tiền thu được bằng đánh bắt hải sản, ông Hải vay thêm vốn đóng thêm tàu. Đến năm 2016, ngư dân này đã đóng con tàu thứ năm, với tổng giá trị hơn 12 tỉ đồng. Hiện cả 5 con tàu này đều liên tục vươn khơi đánh bắt.

Đội tàu 5 chiếc của ông Hải vừa cập bờ sau 13 ngày đánh bắt trên biển trở về

K.HOAN

Trở thành đầu tàu của làng biển, năm 2011, ông Hải được bầu làm Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập. Tháng 9.2021, Chi bộ hội nghề cá trên biển đầu tiên ở Nghệ An được thành lập, do ông Hải làm bí thư. Chi bộ có 15 đảng viên là các chủ tàu, thuyền trưởng. Đây là những người tiên phong kết nối những ngư dân trên biển. “Chi bộ chúng tôi có 2 nhiệm vụ chính là tham gia cứu hộ cứu nạn và tìm kiếm ngư trường. Nếu có tai nạn, các đảng viên tiên phong ứng cứu, khi phát hiện được ngư trường tốt thì có trách nhiệm thông báo cho tàu bạn biết để cùng khai thác”, ông Hải nói.

Khác với các chi bộ trên đất liền, Chi bộ hội nghề cá trên biển rất đặc thù. Riêng việc sinh hoạt cũng phải tranh thủ khi có bão, biển động mạnh, mùa trăng…, các tàu không ra khơi thì mới tập hợp đủ đảng viên. Nếu đảng viên nào đang ở trên biển, chưa kịp về thì sinh hoạt trực tuyến qua điện thoại.

Ba năm trở về trước, lao động đi biển hưởng thu nhập theo năng suất đánh bắt. Nhưng, 3 năm lại đây, nghề biển khó khăn, giá dầu tăng cao đã khiến nhiều người bỏ biển để chuyển sang nghề khác. Khoảng một nửa số lao động trong số gần 1.700 ngư dân ở xã Quỳnh Lập đã chuyển sang đi xuất khẩu lao động và làm các nghề khác vì thu nhập từ đi biển quá thấp. Trong tình thế khó khăn này, ông Hải vẫn tạo được công ăn việc làm cho 25 lao động với mức lương ổn định, từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.

“Nếu mình không đi biển lúc này thì anh em lao động họ sẽ đi làm nghề khác và mình không thể giữ chân họ được. Khi giá dầu giảm, mình cần người làm sẽ rất khó, nhất là tìm lao động có tay nghề tốt. Nghề nào cũng có thăng trầm, mình không bám trụ để vượt qua khó khăn là mình thất bại”, người thuyền trưởng này lý giải.

Cái khó ló cái khôn. Từ khi giá dầu tăng cao, ông Hải đã chuyển hướng bằng cách sử dụng một trong số 5 con tàu của gia đình làm tàu hậu cần, 4 tàu khác chuyên đánh bắt. Thay vì mỗi chuyến đi biển 5 - 7 ngày, thì nay ông quyết định kéo dài thời gian gấp đôi để tiết kiệm dầu. Cách làm này đã giúp ông giảm được rất nhiều chi phí. Thấy cách làm này hiệu quả, ông Hải đã chia sẻ với các bạn tàu khác và ông đang tìm cách kết nối để thành lập các đội tàu hỗ trợ nhau.

“Kéo” ngư dân ra Hoàng Sa

Ngư trường truyền thống của ngư dân Nghệ An là vịnh Bắc bộ. Năm 2014, ông Hải là người tiên phong tạo thêm ngư trường mới cho ngư dân Nghệ An, đó là vùng biển Hoàng Sa. Trong những lần neo đậu với tàu cá từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, ông Hải lân la tìm hiểu ngư trường này.

Nhận ra vùng biển Hoàng Sa dồi dào về hải sản, nhất là đánh bắt trên vùng biển này còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ông Hải quyết định rẽ sóng vươn khơi. Ông vận động các chủ tàu khác cùng đi, nhưng ban đầu, nhiều người lo ngại vì ngư trường này xa. “Ngư trường truyền thống của chúng tôi lâu nay chỉ trong phạm vi 70 - 80 hải lý. Ra Hoàng Sa cách 380 hải lý nên nhiều người ngại. Tôi thì nghĩ trước lạ sau quen, cứ đi rồi sẽ thành đường”, ông Hải nói.

Không chỉ bám biển làm giàu, thuyền trưởng Phan Văn Hải là người luôn hỗ trợ ngư dân khác trong cứu hộ, cứu nạn và tìm kiếm ngư trường mới

KHÁNH HOAN

Thế là vào năm 2014, con tàu 720 CV của ông Hải lần đầu tiên vươn ra Hoàng Sa. Ngày ra khơi, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Nghệ An đến tặng hoa cho ông, nhưng ông không dám nhận vì sợ đi không đến nơi cũng ngại. Rất may, chuyến đi ấy đã thuận buồm xuôi gió, hải sản dồi dào, đánh bắt xong có tàu của thương lái Phú Yên thu mua ngay trên biển.

Năm đó, ông Hải thực hiện 3 chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa, mỗi chuyến 20 ngày. Sau khi thấy ông Hải mở đường thành công, ngư dân xã Quỳnh Lập và một số xã khác ở Nghệ An bắt đầu cùng vươn ra Hoàng Sa. Năm 2015 có 7 tàu đến Hoàng Sa, năm 2016 tăng lên 16 tàu và đến nay có hàng trăm tàu.

Xứng danh “đầu tàu”

Lo lắng, trăn trở vì rác thải trên biển do chính ngư dân thải xuống, người thuyền trưởng này đã đề xuất lập đề án ngư dân bảo vệ môi trường biển. Ông Hải nói bây giờ vùng biển cách bờ hàng chục hải lý vẫn có rác thải. Đó là túi ni lông, chai nhựa, tất tay do ngư dân thải ra. Khi lặng gió, nhiều loại rác thải bám vào lưới, rất mất công để gỡ.

Vì vậy, ông Hải đề xuất lên chính quyền xã xây dựng mô hình ngư dân bảo vệ môi trường biển. Mỗi tàu sẽ trang bị một thùng đựng rác, các loại rác thải sau khi dùng được bỏ vào thùng. Khi tàu vào bờ, thùng rác sẽ giao lại cho hội phụ nữ phân loại rồi bán ve chai. Mô hình này rất có hiệu quả, được nhiều ngư dân hưởng ứng, góp phần giảm thiểu rác thải trên biển.

Bên cạnh đó, thuyền trưởng Phan Văn Hải còn luôn hỗ trợ ngư dân khác trong cứu hộ, cứu nạn. Năm 2010, tàu của ông về đến cửa Cờn (P.Quỳnh Phương, TX.Hoàng Mai) tránh cơn bão số 7 thì nhận được thông báo từ trạm kiểm soát biên phòng có 1 tàu của ngư dân xã Quỳnh Lập bị hỏng máy, đang trôi tự do trên biển, cách bờ 13 hải lý. Biên phòng đã nhờ nhiều tàu nhưng không tàu nào dám đi vì sóng to gió lớn nguy hiểm. Lúc này trời đã về chiều, gió và sóng bắt đầu lớn dần. Nhìn thấy vợ con của 7 ngư dân tàu gặp nạn đang khóc lóc, cầu cứu, ông Hải quay lại nói với các ngư dân trên tàu của ông: “Đi”.

Khi tàu vừa ra khỏi cửa lạch, một thuyền viên sợ đi cứu bạn gặp nguy hiểm nên đã nhảy xuống bơi vào bờ. Mất 2 giờ, nhờ xuôi gió nên tàu cá của ông Hải đã tiếp cận được tàu bị nạn. 7 thuyền viên trên tàu bị nạn vô cùng vui mừng. Mất gần 9 tiếng đồng hồ vì ngược gió, tàu ông Hải mới lai dắt được tàu gặp nạn vào bờ an toàn.

Và đó chỉ là một trong nhiều lần cứu người của thuyền trưởng Phan Văn Hải trong hơn 20 năm bám biển.

Làm giàu từ biển

Tỉ phú ở 'làng Chanchu'

Xóm chài đổi đời nhờ 'vỗ béo' cá đặc sản

Chinh phục biển khơi Hoàng Sa, Trường Sa

Thủ lĩnh nuôi ngao

Dựng cơ nghiệp tiền tỉ

Phất lên nhờ đội tàu không lưới

'Đánh kiếm' xa bờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.