Làm giàu từ chồn hương

28/11/2011 02:42 GMT+7

Tại ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM, có một trang trại chồn hương mang tên Thanh Khiết. Chủ trang trại là anh Nguyễn Thái Bình (sinh năm 1975).

Tại ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM, có một trang trại chồn hương mang tên Thanh Khiết. Chủ trang trại là anh Nguyễn Thái Bình (sinh năm 1975).

Mười năm về trước, gia đình anh ở Q.1, làm ăn sa sút đến trắng tay. Anh quyết định từ bỏ hết, ra ngoại ô thành phố  (huyện Củ Chi) làm lại từ đầu với nghề nông.

Nhờ tính tỉ mẩn, thích khám phá từ nhỏ, anh nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống chân lấm tay bùn với việc nuôi trùn quế, ếch Thái Lan, heo rừng. Vài năm trở lại đây, trong cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Lân Hùng (Chủ tịch Hội Sinh học Việt Nam) về việc nuôi trồng, hai chú cháu chợt nghĩ: “Vì sao không thuần chủng nhân giống chồn hương thay vì cứ phải cấm săn bắt chúng?”. Nghĩ là làm, Nguyễn Thái Bình quyết định bán hết gia súc hiện tại, dành dụm tiền cho vận mệnh mới: nuôi chồn hương.

Anh Bình lặn lội lên Tây nguyên tìm mua cặp chồn hương đầu tiên về chỉ để… ngắm chu kỳ sinh hoạt của chúng. Do chưa có kinh nghiệm về chuồng trại, ngay đêm đầu tiên cặp chồn cắn rào đi mất. Thế là “bay” 3 triệu đồng kèm thêm “công tác phí” đánh đổi bài học đầu tiên: phải làm chuồng xây lát nền xi măng và lưới B40 loại mắt nhỏ. Anh mua tiếp cặp thứ hai, thứ ba và hàng chục cặp về sau, tốn cả trăm triệu đồng chỉ để học chu kỳ sinh sản, thói quen, ăn uống, dấu hiệu bệnh tật và cả phương pháp chữa bệnh cho chúng.

Anh thường xuyên tham khảo giáo sư Nguyễn Lân Hùng, rồi tìm ra được phương pháp chữa và giúp chúng khỏe mạnh. Cái khó của loài thú rừng ăn thịt và trái cây ngọt này là thuần chủng chúng sao cho có thể ăn cơm và cháo. Anh Bình dùng phương pháp “con mèo trạng Quỳnh” là bỏ đói từ từ, không cho ăn theo sở thích của chúng mà bắt ăn cháo và cơm. Dần dần, loài vật này cũng ngoan ngoãn tuân theo như một con mèo. Hơn một năm sau, cặp chồn hương đầu tiên sinh được 6 con, đánh dấu sự thành công trong việc nghiên cứu nuôi chồn hương của anh.

Trang trại của anh Nguyễn Thái Bình hiện có hơn 50 chuồng, với khoảng 50 cặp chồn hương có nguồn gốc, được phép bán và vận chuyển. Anh Bình cho biết có nơi gọi là chồn mướp hương, cầy hương, cầy vòi hương.

Da chồn hương dùng làm đồ trang sức, thịt là đặc sản, xạ hương dùng làm nước hoa cao cấp. Đặc biệt nếu nuôi chồn cho ăn cà phê, sẽ cho ra loại cà phê chồn rất có giá trên thế giới hiện nay. Trọng lượng tối đa của chúng là 6 kg, giá thương phẩm từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/kg, giá nhà hàng thường trên dưới 2,4 triệu đồng/kg. Chúng thích hợp trong điều kiện nhiệt độ của nước ta, sống từng cặp và mang thai 3 tháng. Mỗi lần sinh từ 2 đến 6 con và thiên chức làm mẹ tự nuôi con của chúng rất tốt. Sau 3 tháng, khi chồn con biết kiếm ăn, cần tách chồn mẹ để bồi bổ, tẩy giun chuẩn bị cho phối giống lứa tiếp theo.

Thành công của anh Bình được xem như một minh chứng việc nghiên cứu nuôi chồn hương mà giáo sư Nguyễn Lân Hùng đề cập trong quyển sách Nghề nuôi cầy hương xuất bản năm 2010. Ông tâm sự, hiện nay Malaysia, Indonesia bảo tồn chồn hương bằng cách nuôi nhân giống, đem lại lợi nhuận kinh tế cao; trong khi nước ta cứ mãi loanh quanh việc cấm săn bắt và vận chuyển. Việc thuần chủng và chữa bệnh cho chúng tuy khó khăn nhưng chúng tôi đã nghiên cứu xong.

Hạ Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.