Ông Dư (Tám Dư, 51 tuổi, ngụ ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân) cho biết cù Lao Giêng giờ đây trở nên nổi tiếng với nghề trồng xoài, tập trung tại 3 xã Tấn Mỹ, Tấn Hiệp và Bình Phước Xuân. Các giống xoài được trồng phổ biến là xoài ba màu, cát hồng và ngọc vân.
Ông Tám Dư là một trong những nông dân gắn bó với cây xoài hơn 15 năm qua, hiện là xã viên Hợp tác xã cây ăn trái Cù Lao Giêng. Ông Dư kể đầu tiên ông trồng xoài cát hòa lộc, xoài cát chu, sau khi tìm hiểu thị trường, nhận thấy các giống mới có nhiều ưu thế hơn nên ông chuyển sang trồng xoài Đài Loan, kế đến là xoài ngọc vân và xoài cát hồng. Những giống mới lạ có giá trị kinh tế cao và thị trường đang hút hàng.
tin liên quan
Khá giả nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồngLà một nông dân cần cù, năng động và say mê trồng trọt, luôn săn tìm nhiều giống mới, lạ, đẹp, năng suất, chất lượng cao để nhân giống; nhờ vậy mà ông Dư đã thành công với giống xoài ngọc vân, còn gọi là xoài tím Đài Loan. Xoài ngọc vân có màu tím đỏ hoặc hồng đỏ, tươi đẹp, thị trường rất ưa thích. Hiện trong vườn ông có được 100 gốc và đang nhân giống để bán cây giống.
Giống xoài ông Tám Dư ấp ủ từ lâu là cát hồng. Hiện trong vườn có 300 gốc 3 năm tuổi đang ra trái. Ông cho biết xoài cát hồng dễ trồng, dễ đậu trái, ít bị sâu bệnh. Trái to, nặng từ 0,9 - 1,7 kg/trái, ruột vàng, ăn sống hoặc chín đều ngon. Ưu điểm vượt trội của xoài cát hồng là mẫu mã đẹp, màu hồng phấn nên ai cũng ưa thích. Nhiều người thích chọn xoài cát hồng để chưng tết và chưng mâm vì màu hồng là màu tượng trưng cho niềm tin, hy vọng và hạnh phúc. Nhờ vậy mà loại xoài này không đủ cung ứng cho thương lái. Năm đầu tiên ông thu hoạch được 8 tấn trái, bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. “Những năm thời tiết thuận lợi, trúng mùa, sản lượng bình quân trên 50 tấn xoài ba màu và xoài cát hồng, trừ hết các chi phí tôi lãi gần 1 tỉ đồng”, ông Tám Dư phấn khởi chia sẻ.
Cũng như nhiều nhà vườn khác, ông Tám Dư đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn cây ăn trái, xử lý cho cây ra hoa quanh năm để tránh tình trạng hàng nhiều dội chợ. Ngoài ra, ông luôn tuân thủ các quy trình canh tác an toàn, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu.
Bà Trần Thị Thu Đông, Trưởng ấp Bình Quới, cho biết xã Bình Phước Xuân đã chuyển đổi 100% diện tích đất lúa sang trồng xoài. Ngoài nông dân trồng xoài ra, số người làm dịch vụ như xịt thuốc, bao trái, bẻ xoài, lựa xoài, đóng gói, vận chuyển... rất đông. Nhiều thương lái địa phương, kể cả nơi khác, cũng kéo về đây mở vựa, hoạt động tất bật từ sáng tới chiều. Cù lao Giêng có tới 50 vựa và điểm thu mua xoài.
Hiện nay, các hộ trồng xoài ở cù lao Giêng đang tích cực hưởng ứng việc phát triển vùng sản xuất xoài theo hướng tập trung, đồng thời chú ý nâng cao chất lượng nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Nhờ vậy mà tháng 5.2018, Hợp tác xã GAP Bình Phước Xuân đã xuất được lô hàng xoài ba màu đầu tiên sang Úc.
Bình luận (0)