Làm giàu từ nuôi ba ba

10/01/2013 09:57 GMT+7

Anh Trương Hoàng Thon là người đầu tiên nuôi ba ba thành công ở ấp Cái Tràm A1 (xã Long Thạnh, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Sau 18 năm khởi nghiệp, anh đã xây dựng một trang trại sản xuất giống nhân tạo và nuôi ba ba thương phẩm quy mô lớn, đạt lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/năm.

Khởi nghiệp từ 80 con ba ba giống

Vốn xuất thân là giáo viên dạy kỹ thuật nên anh Thon rất ham thích nghiên cứu về giống cây trồng và vật nuôi. Anh cũng có một thời gian dài công tác tại Trung tâm giống cây trồng tỉnh Bạc Liêu. Gia cảnh trước đây của anh rất khó khăn, tiền lương công chức chỉ đủ sống đắp đổi qua ngày. Để có tiền phụ giúp gia đình, hằng ngày, anh Thon phải làm đủ nghề, từ nuôi cá đồng, ếch đến trồng cây kiểng… Năm 1995, anh Thon gom góp số tiền dành dụm được gần 1 triệu đồng để mua 80 con ba ba giống có nguồn gốc từ Đài Loan về nuôi. Ban đầu, anh Thon xây hồ rộng khoảng 10 m2 để nuôi ba ba. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, anh thấy ba ba dễ nuôi, chi phí thấp lại ít hao hụt. Thức ăn của ba ba chủ yếu là các loại cá tạp, cá vụn, ốc…. Nuôi ba ba cũng ít tốn công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần. Trong khi đó, ba ba thương phẩm trên thị trường lại được tiêu thụ mạnh với giá khá cao.

Làm giàu từ nuôi ba ba
Anh Thon trở thành tỉ phú nhờ nuôi ba ba

Sau đợt nuôi thử nghiệm đầu tiên, anh Thon đã mạnh dạn đào ao nuôi ba ba thương phẩm, đồng thời tự tìm hiểu tập tính để áp dụng quy trình cho ba ba sinh sản nhân tạo. Năm 1997, anh Thon là người đầu tiên ở Bạc Liêu cho sinh sản nhân tạo thành công ba ba giống. Anh Thon cho biết ba ba bố mẹ sau 2 năm nuôi là có thể sinh sản. Ba ba đẻ khoảng 10 lứa/năm, mỗi lứa từ 12 - 18 trứng. Sau khi ba ba để trứng, anh lấy trứng cho ấp nhân tạo, đạt tỷ lệ khoảng 90%.

Tỉ phú ba ba

Diện tích nuôi ba ba thương phẩm của anh Thon không ngừng mở rộng, đồng thời anh còn đẩy mạnh sản xuất con giống, cung cấp cho người nuôi khắp khu vực ĐBSCL. Hiện nay, anh Thon có 14 ao nuôi ba ba thương phẩm; mỗi ao có diện tích khoảng 500 m2, độ sâu từ 1 - 1,2 m, xung quanh bờ ao được rào bằng tôn, chiều cao cách mặt đất khoảng 0,5 m. “Trong quá trình nuôi cần chú ý thay nước thường xuyên, không để lớp bùn dưới đáy ao bị bẩn; đồng thời thả xen canh các loài cá thác lác, cá sặc rằn… để ăn tảo, lọc chất thải dơ của ba ba. Khi thả nuôi nên tiến hành phân loại ba ba đực và ba ba cái, với tỷ lệ 1 đực: 5 cái, mật độ 7 con/m2 để hạn chế cắn nhau, gây hiện tượng lở loét. Nếu thấy ba ba bị bệnh cần bắt riêng theo dõi, chữa trị; đồng thời có biện pháp tăng cường xử lý vệ sinh môi trường ao, không để những con khỏe bị lây bệnh”, anh Thon chia sẻ kinh nghiệm.

Làm giàu từ nuôi ba ba
Mô hình nuôi ba ba của anh Thon đem lại hiệu quả kinh tế cao

Hiện 14 ao nuôi ba ba thương phẩm của anh Thon có số lượng lên đến hàng trăm ngàn con. Theo anh Thon, ba ba thương phẩm nuôi từ 1,5 - 2 năm mới cho thu hoạch. Đến lứa bán, thương lái ở tỉnh Vĩnh Long, TP.HCM xuống tận ao thu mua. Ba ba loại 1 (từ 1,4 kg/con trở lên) có giá từ 400.000 - 420.000 đồng/kg), ba ba loại 2 (từ 1,2 - 1,4 kg/con) có giá từ 290.000 - 300.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm, anh Thon thu hoạch khoảng 5 tấn ba ba thương phẩm. Ngoài ra, anh nuôi trên 7.000 con ba ba bố mẹ, cung ứng cho người nuôi ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL khoảng 300.000 con giống/năm, với giá từ 2.500 - 3.000 đồng/con. Ba ba mang lại cho gia đình anh lợi nhuận trên 1,4 tỉ đồng/năm, trong đó khoảng 900 triệu đồng từ tiền bán ba ba giống và khoảng 500 triệu bán ba ba thương phẩm. Ngoài ba ba, anh Thon còn nuôi thêm rắn hổ hèo, ếch Thái Lan, cá sặc rằn, cá thác lác, trồng cây kiểng… để đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.