Đơn vị này cũng đang làm các thủ tục theo hướng dẫn của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế để gửi Bộ VH-TT-DL xem xét cho ý kiến trước khi đệ trình UNESCO.
Trên Cửu đỉnh nhà Nguyễn có nhiều thông tin, hình ảnh biển đảo của nước ta. Trong đó, hình ảnh Biển Đông được khắc trên Cao đỉnh, biển Nam khắc trên Nhân đỉnh và biển Tây trên Chương đỉnh. 9 chiếc đỉnh hiện đặt tại sân Thế Tổ miếu (Thế miếu) thuộc Đại nội Huế. Bộ đỉnh này đã được đặt ở đó trong suốt 200 năm qua.
Theo TS Lê Thị An Hòa, so sánh với hoàng cung các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, có thể thấy không có dạng tư liệu nào tương tự. Ngay cả các triều đại trước nhà Nguyễn ở Việt Nam, dạng tư liệu khắc trên đỉnh tương tự cũng không có.
Cửu đỉnh là 9 đỉnh bằng đồng được khởi công chế tác vào cuối năm 1835 dưới thời vua Minh Mạng. Đây là biểu trưng quyền lực của vương triều Nguyễn, cũng được coi là bộ “địa dư chí lược” bằng ngôn ngữ tạo hình. Trên đó, những cảnh vật của thiên nhiên, đời sống từ khắp đất nước được tái hiện. Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên Cửu đỉnh, có tới 90 hình ảnh về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam. Cửu đỉnh Huế được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012.
Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng là những tư liệu, tài liệu có giá trị đặc biệt và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Mộc bản triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu thế giới đầu tiên của VN được UNESCO ghi danh. Sau đó, bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, châu bản triều Nguyễn... cũng được ghi danh trong danh sách này.
Bình luận (0)